Anh Đào Chuyên Chính là một người khá nổi tiếng tại thôn Darahoa, xã Hiệp An vì trồng ớt chuông baby năng suất, chất lượng. Anh Chính còn được mọi người xung quanh đánh giá là người chịu khó, ham học hỏi, trồng ớt chuông đảm bảo đúng quy trình do hợp tác xã đưa ra.
Có mặt tại vườn ớt chuông của anh Chính, phóng viên mới xác nhận được "lời đồn" về người đàn ông này.
Ấn tượng đầu tiên của phóng viên về anh Chính là người đàn ông có nước da ngăm đen, luôn chân, luôn tay với đủ loại công việc trong vườn ớt của mình mặc dù cây được trồng theo hướng công nghệ cao.
Trao đổi với phóng viên, anh Chính cho hay, anh sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bắc Giang. Đến năm 26 tuổi, anh Chính đã quyết định đến huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) để lập nghiệp.
Đến một vùng quê mới, anh Chính đã bắt đầu với rất nhiều công việc khác nhau. Với tính chịu khó, sức trẻ, anh Chính đã tiết kiệm và mua được mảnh đất 4.000m2.
"Sau khi mua được 4.000m2 đất tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng), tôi chủ yếu trồng hành lá rồi bán ra chợ. Tôi trồng hành lá từ năm 2015 đến năm 2022 thì mới bắt đầu biết đến cây ớt chuông và có ý định trồng ớt.
Sau khi tìm hiểu thì tôi biết gần nhà có anh Lê Văn Ba là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú (Hợp tác xã An Phú), hiện đang liên kết với nhiều hộ dân trồng rau, củ, quả trong nhà kính để xuất khẩu, mang lại năng suất, lợi nhuận cao.
Vì vậy, tôi đã xin liên kết trồng ớt và được anh Ba đồng ý, hỗ trợ tư vấn xây dựng nhà kính cũng như kỹ thuật chăm sóc ớt chuông baby", anh Chính dẫn phóng viên trong vườn ớt nhớ lại.
Hệ thống tưới nhỏ giọt và những cây ớt chuông baby trồng trong giá thể xơ dừa trong khu vườn rộng 4.000m2 của anh Chính.
Anh Chính chia sẻ thêm, sau khi được đồng ý liên kết với hợp tác xã, anh Chính đã sử dụng tiền tiết kiệm gần 20 năm và vay mượn thêm để đầu tư nhà kính, giống cũng như hệ thống máy móc phục vụ sản xuất. Ước tính, đến nay số tiền anh Chính đầu tư vào 4.000m2 nhà kính trồng ớt là khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Hiện nay, trên diện tích 4.000m2 của anh Chính đang được trồng ớt chuông baby các màu cam, vàng, đỏ. Toàn bộ sản lượng ớt chuông thu hoạch xong đều được Hợp tác xã An Phú bao tiêu với mức giá ổn định.
"4.000m2, tôi trồng được khoảng 12.000 cây ớt. Toàn bộ ớt đều được tôi áp dụng hệ thống tưới phân, nước nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước và chi phí, nhân công.
Trong quá trình liên kết, chúng tôi được kỹ sư của hợp tác xã đến kiểm tra, hỗ trợ phát hiện sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, các kỹ thuật trồng ớt theo tiêu chuẩn GlobalGAP cũng được hợp tác xã hướng dẫn, giám sát", anh Chính chia sẻ.
Hiện nay, sau 2 năm trồng và chăm sóc, vườn ớt của anh Chính đã cho thu ổn định. Anh Chính thu hoạch ớt theo tuần, mỗi tuần anh hái được từ 1,5 đến 2 tấn ớt các loại, mỗi tháng anh thu được từ 6 – 8 tấn. Anh Chính cũng cho hay, hiện ớt được bán cho hợp tác xã An Phú với giá khoảng 30.000 đồng.
Vừa hái những trái ớt đến kỳ thu hoạch, anh Chính chia sẻ: "Mặc dù liên kết với hợp tác xã rất ổn định, giá bán, đầu ra ổn định nhưng người đầu tư sẽ mất số vốn khá nặng vào lứa đầu tiên.
Đến nay, với 4.000m2, tôi đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng. Tuy vậy, những vụ trồng ớt sau, tôi chỉ mất tiền giống và phân bón thì không đáng kể so với giá trị kinh tế mà nó mang lại. Khi trồng thì tất cả kỹ thuật đều được Hợp tác xã An Phú hướng dẫn cho các hộ liên kết, có được thành quả như hiện nay thì cũng do hợp tác xã rất nhiều", anh Chính chia sẻ.
Ớt chuông được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên anh Chính sử dụng đèn đốt lưu huỳnh để trị bệnh nấm trắng trên cây ớt.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Ba – Giám đốc Hợp tác xã An Phú cho hay, các hộ dân liên kết sẽ được hợp tác xã hỗ trợ giống, phân bón và toàn bộ công nghệ sản xuất. Nhờ sản xuất theo công nghệ hiện đại nên năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cao.
Chính vì vậy, mô hình liên kết của Hợp tác xã An Phú đã giúp cho các hộ dân liên kết có thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với cách làm truyền thống, phụ thuộc thị trường.