Với nhiều người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất của tuổi thơ là được bố mẹ đưa đi tham quan những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, điều mong muốn nhất của mỗi đứa trẻ là được thưởng thức que kem Tràng Tiền, đi thăm Lăng Bác và tham quan Vườn thú Hà Nội.
Vườn thú Hà Nội tiền thân là Vườn Bách Thảo thuộc Công ty Công viên cây xanh, được thành lập năm 1976 sau ngày thống nhất đất nước, công viên nằm ở phía tây Thủ đô trên địa bàn Công viên Thủ Lệ phường Ngọc Khánh - quận Ba Đình - thành phố Hà Nội.
Vườn thú Hà Nội có diện tích 28 ha trong đó có 6 ha hồ nước với địa hình không hoàn toàn bằng phẳng, có dốc, đồi cây, hồ nước, đảo giữa hồ và một không gian xanh tươi đẹp.
Tôi có gần ba mươi năm công tác tại Công viên Thủ Lệ, nhưng những ký ức đẹp nhất về vườn thú, là khi tôi còn là đứa trẻ.
Thời kỳ bao cấp, các phương tiện đi lại còn khó khăn nên những đứa trẻ như chúng tôi cố gắng phấn đấu, nỗ lực, đạt thành tích khá, giỏi trong học tập để được bố mẹ tặng thưởng cho một món quà đó là "đi chơi Vườn thú Hà Nội".
Tụi trẻ chúng tôi háo hức chờ đợi đến ngày được đi chơi Vườn thú, phải mất cả tiếng đồng hồ ngồi sau gác ba ga xe đạp của bố mẹ mới đến nơi, lúc xuống xe, chân ai cũng tê nhưng tâm trạng thì rất phấn khởi.
Cầm tấm vé qua cổng, hai chị em tôi chạy tung tăng như hai con khỉ nhỏ từ khu chuồng này sang khu chuồng kia, mắt mở to hết cỡ ngắm nhìn những loài động vật lạ lẫm với sự tò mò, hiếu kỳ. Thời bấy giờ tivi vẫn còn hiếm lắm, hình ảnh lại là đen trắng nữa nên khi xem các loài động vật trên tivi sẽ không thể sinh động như khi được nhìn thấy trực tiếp ở Vườn thú Hà Nội.
Từ xa tôi đã nhìn thấy chú chim công xoè chiếc đuôi dài lộng lẫy vẫy gọi bạn tình nom mới tình tứ làm sao, đôi chim đại bàng với cặp mỏ và móng vuốt dữ tợn đang rủ nhau tìm kiếm mồi. Kìa những bạn Voi, Hổ, Báo, Hươu, Nai,... là những loài động vật không thể nhìn thấy ngoài đời thường cứ hiện dần theo từng bước chân của chúng tôi qua mỗi khu chuồng trưng bày động vật.
Khi đó tuổi còn khá nhỏ nên ấn tượng của tôi về Vườn thú Hà Nội vô cùng rộng lớn, cảnh quan nơi đây thật choáng ngợp với những hàng cây cổ thụ um tùm, xum xuê cành lá toả bóng mát, khác hẳn với cảm giác của nhà thơ Thế Lữ nhìn Vườn thú qua ánh mắt của một con hổ:
Nào là
" Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu ".
Với lại
" Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng ".
Hừm, trong con mắt của tôi Vườn thú Hà Nội là một không gian đầy bí ẩn cần được khám phá với cơ man là chim thú, cây cối, hoa cỏ, chuồn chuồn, bươm bướm,… Chị em chúng tôi mải mê khám phá mà vui quên lối về.
Những lần tiếp theo quay lại Vườn thú đã là gần mười năm sau. Lúc này tôi đã lớn hơn nên không còn cảm giác choáng ngợp nữa. Còn đang là học sinh không có tiền mua vé nên buổi trưa sau giờ tan học, tôi thường đợi lúc nhân viên bán vé giao ca, lén lẻn vào Vườn thú chơi cho thỏa cái sự thèm bởi lần nào đến Vườn thú chơi cũng bị bố mẹ đưa về khi đang chơi vui.
Lúc này là đầu những năm 90, khách sạn Daewoo còn đang xây dựng dở, tiếng búa máy nện ầm ầm. Vườn thú giai đoạn này cũng đang được chỉnh trang, hàng rào được xây lại, nhiều loài động vật mới được nhập về. Tôi tò mò ngắm nhìn những con đà điểu Châu Phi cao kều với cặp mắt to và hàng mi cong vút.
Loài vượn đen má trắng lúc nào cũng hoạt bát, nhanh nhẹn đánh đu như bay qua các sợi thừng và dây xích trong chuồng. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là hai con hổ nhỏ, (lúc đó Vườn thú mới sưu tập về thì phải) hai con hổ không trưng bày ở khu chuồng thú dữ như những loài thú dữ khác mà được để riêng trong một khu vực yên tĩnh với chế độ chăm sóc đặc biệt.
Tôi ngắm nhìn hai con hổ nhỏ đi lại, hoạt động tự do trong một khoảng sân rộng. Chúng thoải mái đùa nghịch, vật lộn với những món đồ chơi mà các nhân viên chăm sóc động vật đã chế tạo riêng cho. Tôi say mê quan sát hổ nhỏ cả tiếng đồng hồ mà không chán và lưu giữ những hình ảnh này như một kỷ niệm đẹp mà không phải ai cũng có được trong ký ức tuổi thơ của mình.
Với nhiều duyên nợ như vậy nên sau khi tốt nghiệp đại học tôi trở thành một nhân viên của Vườn thú Hà Nội. Lúc này Vườn thú hà Nội đang trong thời kỳ "đại trở mình". Khu chuồng trưng bày thú dữ và khu nhà lồng trưng bày các loài chim họ Trĩ lần lượt được xây mới bề thế hơn, khang trang hơn, hài hoà với không gian cây xanh toả bóng mát chứ không còn là những cũi sắt trơ trụi như ngày xưa. Đường đi trong công viên được trải phẳng, hai bên đường là những bồn hoa rực rỡ sắc màu. Hồ nước trong xanh được xây bờ kè và đường dạo ven hồ, từ trên đảo khỉ nhìn xuống cảnh vật thật thơ mộng.
Qua nhiều năm làm công tác giáo dục bảo tồn và hướng dẫn du lịch, tôi đã hướng dẫn cho rất nhiều đoàn khách, thuyết minh về đời sống và tập tính sinh học của các loài động vật đang sinh sống tại đây.
Bên cạnh đó, với vai trò là nhân viên giáo dục bảo tồn tôi đã tham gia thực hiện rất nhiều chương trình "Nói chuyện động vật Vườn thú", chương trình giới thiệu đến khách tham quan về đặc điểm, tập tính, môi trường sống và những thông tin thú vị, bổ ích của các loài động vật đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Vườn thú Hà Nội để tăng cường sự tương tác giữa khách tham quan với các loài động vật, giúp du khách được gần gũi với động vật hơn.
Tôi hy vọng đóng góp chút tâm huyết nhỏ bé của mình gửi đến du khách thông điệp về ý thức bảo vệ các loài động vật, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Đồng hành cùng Vườn thú Hà Nội, tôi cũng dần trưởng thành, lập gia đình, có con cái. Tôi rất tự hào khi đưa các con đến nơi tôi làm việc - Vườn thú Hà Nội.
Nhìn các con vui đùa, đuổi theo một chú bướm bay qua các bồn hoa, mỉm cười vẫy tay với mình trên vòng quay ngựa gỗ, lòng tôi lúc đó bỗng bình yên đến lạ. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời này đã dành cho mình nhiều may mắn và bao điều thú vị cho dù cuộc sống của gia đình tôi không giàu sang nhưng thật êm đềm và hạnh phúc.
Tôi luôn hy vọng mỗi người khách khi đến tham quan, vui chơi tại Vườn thú Hà Nội đều xem đây là một điểm du lịch có một không hai của Thủ đô Hà Nội.
Nơi đây sẽ mang lại cho con người những phút giây thư giãn, hạnh phúc và đặc biệt là nơi luôn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của mỗi con người.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.