Một đêm trống đánh liên hồi, dồn dập phía ngoài đê. Mẹ tôi kêu: Trời ơi vỡ đê rồi! Nghe tiếng trống đổ dồn, rất nhanh người trong làng hô hoán nhau đốt đuốc, đèn măng sông, mang theo cuốc xẻng chèo thuyền ra cứu đê.
Những ngày này, mỗi lần đọc bản tin, xem các phóng sự về những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra cho các tỉnh miền Bắc, tôi lại nhớ đau đáu về những ngày quê tôi chìm trong nước lũ.
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Pheo, nằm ngoài đê ven sông Đà, thuộc địa phận xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội). Từ nhà ra đến bờ sông, chỉ độ trăm bước chân. Chúng tôi đều biết mỗi khi nước sông đổi màu đục ngầu kéo theo những đám bọt lớn, là có lũ rồi đấy.
Biển nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, ngồi trong nhà cũng nghe thấy tiếng nước lũ réo ầm ầm. Bố mẹ tôi bảo, chạy ra sông xem có củi không. Chị em tôi ra ngó, thấy nước lũ đã dâng lên tới gần bụi tre của nhà chú Thành cô Nguỵ. Vài đám củi rác lớn đang dập dềnh trôi trên sông. Trong lúc đó, bố mẹ tôi đã hạ chiếc thuyền nan vốn vẫn gác dưới mái chuồng lợn xuống, kiểm tra kĩ rồi khiêng ra bến sông.
Tôi lớn nhất nhà nên hay vác mái chèo đi theo để hóng hớt, xem vớt củi. Bố tôi hạ thuyền xuống nước, nghiêng 1 bên để nước sông tràn vào rồi chao qua chao lại để kiểm tra lần nữa, xem có bị rò rỉ đâu không.
Mẹ tôi đội nón, mặc áo mưa, mang theo cái gáo nhỏ (để tát nước nếu tràn vào thuyền), rồi ngồi trước mũi thuyền, bố tôi đứng chèo phía sau. Loáng một cái chiếc thuyền nan đã ra tới giữa dòng, cùng với vài thuyền khác của người dân trong làng cũng gọi nhau đi vớt "lộc trời" từ rừng già trôi về...
Làng tôi cùng với làng Phú Thứ, Tân Lập năm nào cũng phải chạy lụt, nên hầu như nhà ai cũng có thuyền.
Tôi nhớ, giàu có nhất ở làng Pheo ngày đó là nhà ông Chư, bên dưới nhà tôi một đoạn. Nhà ông có lò nung vôi lớn nhất xã nên có mấy thuyền sắt chuyên chở hàng trên sông. Lũ về, người lớn rồi thanh niên nhà ông Chư chạy thuyền lên tận Hoà Bình để vớt củi.
Vì có thuyền to nên họ không vớt củi rác, củi rều, chỉ vớt củi và gỗ lớn. Nhìn đống gỗ lù lù nhà ông kéo về chất ở bến sông, ai cũng mơ ước. Nhất là năm nào lũ lớn, nhà ông vớt được hàng chục mét khối gỗ. Bán được ối tiền.
Nhà tôi chỉ có thuyền nan nên vớt được khúc gỗ to cỡ nồi cơm là sướng lắm. Còn phần lớn là củi cành, tre nứa linh tinh. Có lần, bố mẹ tôi gặp một cây gỗ dài tới mấy mét, lừng lững trôi trên sông liền mừng rỡ bắt lấy, buộc dây thừng rồi hì hục kéo về bến. Tới lúc xem kĩ bố tôi mới phát hiện ra chỉ là cây gạo - loại gỗ nhẹ, có chất lượng kém nhất trong các loại gỗ. Bố tôi tiu nghỉu nhưng vẫn tặc lưỡi bảo dùng được.
Củi vớt về chị em tôi gánh từ bến sông lên rồi chất tạm ở sân, hết mùa lụt phơi khô là dùng đun nấu cho cả năm trời. Quê tôi ngày đó chưa có điện (cho tới tận năm 1996), cũng không có bếp ga, bếp cồn, nên nhà nào cũng phải tích trữ củi đốt.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác choáng ngợp, sợ hãi khi lần đầu tiên ngồi ở mũi thuyền cùng bố đi vớt củi trên sông Đà. Dù biết bơi từ nhỏ, nhưng ngồi trên con thuyền bé tí như cái lá, lênh đênh giữa nước cả sông sâu, hãi vô cùng.
Vớt củi cũng cần một chút kĩ năng. Nhìn thấy có đám củi từ xa trôi đến, bố tôi hô lên rồi chèo mạnh thuyền tới, tôi ở phía trước liền gác chèo ra phía sau, cúi người vục 2 tay xuống nước vớt lấy đám củi vứt lên thuyền. Thao tác phải thật nhanh và quyết đoán, chứ không củi trôi mất. Hai chân tôi quặp chặt lấy mũi thuyền, trong lòng không ngớt hồi hộp. Bố tôi thấy con gái lóng ngóng, môi mím chặt sợ hãi thì quyết định quay về, dù "chiến lợi phẩm" mới được non nửa thuyền...
Sau lũ là lụt. Nhà tôi thuộc diện cao trong làng, thế mà có năm nước ngập tới đùi. Gà, lợn cho cả lên bè tre buộc ngoài sân, còn lại đồ đạc, nồi niêu gạo thóc phải treo lên chỗ cao ráo nhất. 5 người trong gia đình sinh hoạt trên cái giường và tấm phản đã được kê cao nhất có thể. Đến củi khô cũng phải tằn tiện, để còn nấu cơm ăn. Thò chân xuống khỏi giường là nước lũ nên đi lại đều phải dùng ủng, thuyền, bè.
Có một chuyện nữa mà bây giờ nhắc lại tôi vẫn cảm thấy trống ngực đập thình thịch. Chả là trưa hôm đó, tôi và em gái trốn bố mẹ không ngủ trưa, xuống nhà bạn Đào Thị Ngọc rủ ra bờ sông Đà câu cá bống. Ngọc chơi thân với tôi từ thời mẫu giáo, bé loắt choắt nên có biệt danh là Ngọc "quắt".
Ba đứa lấy cành tre rồi buộc dây cước vào làm cần câu, mồi là mấy con giun đất. Bọn tôi đứng ở bờ sông thả câu, bên dưới là nước lũ đang ầm ầm chảy. Bỗng ùm một cái, đất lở cuốn theo em gái tôi. Chỉ trong nháy mắt, không biết có một sức mạnh thần kì nào đó, Ngọc "quắt" chộp lấy cánh tay em gái tôi đang chới với kéo nhanh lên bờ. Còn tôi lúc đó vẫn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Chỉ nhớ em gái tôi lúc đó ướt như chuột lội, mặt mũi tái xanh như đít nhái.
Ba đứa vứt cả cần cả giun xuống sông chạy về nhà. Không đứa nào dám hé răng nửa lời với bố mẹ vì sợ ăn chửi, còn em gái tôi thì sợ hãi, không dám bén mảng ra bờ sông suốt cả mùa hè năm đó...
Trong lũ cũng có trò vui. Trò khoái nhất của lũ trẻ con chúng tôi là kết bè chuối rồi chèo đi chơi quanh làng, đi cất vó, câu cá. Thân cây chuối trơn tròn và nặng, khó chèo lái nên chúng tôi ngã bì bõm suốt. May mắn làm sao, không có đứa nào bị chết đuối.
Tôi không nhớ ngày đó mỗi lần muốn tắm rửa, đi "nặng, nhẹ" thì làm như thế nào, khi tứ bề xung quanh đều ngập cả, nên chắc là tiện đâu "xả" đó thôi.
Có năm, lụt lội kéo dài hàng chục ngày trời. Những vườn chuối, đu đủ... lá vàng oạch, héo rũ rồi gục xuống. Xác giun dế, gà lợn, chuột chết nổi lềnh phềnh khắp nơi. Do ngập nước lâu nên bọn tôi không đứa nào là không bị nước ăn chân, lở loét ngứa ngáy vô cùng.
Bẩn thỉu nhếch nhác đã đành, chúng tôi còn không có nước sạch, rau xanh. Giếng khơi, bể nước mưa cũng chìm nghỉm. Cần nước ăn thì phải chèo thuyền cả mấy cây số vào các nhà ở trong đồi để xin từng thùng, hoặc lấy nước sông, đánh phèn rồi đun nấu.
Những năm đó, bố tôi làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phú Mỹ. Mỗi lần dự báo lũ lớn, lo di dời tài sản ở nhà mình xong còn phải đi thúc giục các nhà trong làng chạy lũ và canh đê. Hộ nào không kịp chuẩn bị bè từ trước thì di dời gà, lợn, trâu bò lên đê. Lũ lợn bị trói chân đưa lên thuyền, con nào con nấy kêu eng éc, náo loạn cả.
Một đêm trống đánh liên hồi, dồn dập phía ngoài đê. Mẹ tôi kêu trời ơi vỡ đê rồi. Nghe tiếng trống đổ dồn, rất nhanh người trong làng hô hoán nhau đốt đuốc, đèn măng sông, mang theo cuốc xẻng chèo thuyền ra cứu đê.
Khổ nhất là gia đình nào không may có người chết vào mùa lụt. Chả có chỗ chôn, đám tang phải làm ngoài đê, rồi khiêng quan tài vào tận trong đồi chôn nhờ...
Ấy thế mà chúng tôi đã đi qua bao mùa lũ ngổn ngang. Nước rút đến đâu, nhà tôi dọn dẹp rác thải, bùn đất đến đó, rắc vôi bột xung quanh nhà. Bố mẹ tôi thu dọn vườn tược, tất bật làm đất để chuẩn bị gieo hạt giống cho vụ đông. Từ khi có Thủy điện Sơn La, rồi Lai Châu cắt lũ cho Thủy điện Hoà Bình thì quê tôi mới thoát cảnh chạy lụt...
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.