Thiếu hụt nguồn cung, giá lợn hơi duy trì ở mức cao
Dịch bệnh sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) do lượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng khiến nhiều địa phương phía Bắc phải đối mặt với nguy cơ lây lan bệnh tật trên gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung lợn trong thời gian tới.
Trên thực tế, giá lợn hơi bắt đầu xu hướng tăng trở lại kể từ đầu tháng 9. Đến nay, giá lợn hơi tiếp tục tăng ở nhiều địa phương, đặc biệt tại thị trường miền Bắc, một số tỉnh thành tăng lên mức cao nhất 67.000 đồng/kg, hôm nay, ngày 17/9.
Cụ thể: Tại miền Bắc, giá lợn hơi ở Thái Bình và Thái Nguyên cùng tăng 1.000 đồng lên bằng mức với Hà Nội là 67.000 đồng/kg - cao nhất khu vực. Ngoài ra, tỉnh có giá lợn hơi thấp nhất là Ninh Bình cũng tăng 1.000 đồng lên 65.000 đồng/kg - cùng mức với Lào Cai, Nam Định, Hà Nam. Các tỉnh thành còn lại cùng 66.000 đồng/kg.
Nhiều chuyên gia và công ty chăn nuôi đánh giá, trong bối cảnh này, nguồn cung thịt lợn dự kiến sẽ chưa thể hồi phục ngay bởi việc tái đàn cần nhiều thời gian, lượng lợn giống nhập khẩu năm 2024 khá nhỏ giọt. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến số lợn bệnh, chết và tiêu huỷ tăng. Ngoài ra, lượng nhập khẩu thịt lợn không tăng mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, mặt bằng giá lợn hơi dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2024.
Chứng khoán DSC đánh giá Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam sẽ là những doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết hưởng lợi lớn trong “sóng" giá lợn hơi lần này.
Tính đến hết quý II/2024, chi phí sản xuất kinh doanh dang dở của Tập đoàn Dabaco lên đến 3.937 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng tồn kho. Chứng khoán DSC nhận định phần lớn chi phí này là đàn lợn thịt đợi xuất chuồng với tổng đàn thường xuyên là hơn 250.000 con.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cũng cho biết do đã chủ động tái đàn sớm hơn các đối thủ trong ngành, vì vậy tập đoàn sẽ có thể chiếm lợi thế lớn trong bối cảnh nguồn cung lợn sụt giảm.
Lượng tồn kho dồi dào được kỳ vọng có thể trở thành một trong những đòn bẩy giúp Tập đoàn Dabaco cải thiện kết quả kinh doanh trong những tháng cuối năm này.
Ngoài yếu tố giá lợn tăng cao, biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi lợn của Dabaco còn có dư địa được mở rộng khi giá thức ăn chăn nuôi dần giảm xuống. Thức ăn chăn nuôi thường chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản xuất chăn nuôi.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán DSC dự phóng doanh thu thuần cả năm nay của Dabaco đạt 12.085 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023, và lãi ròng đạt 627 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần so với năm 2023.
Cũng chính Dabaco mới đây đã đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đang được cải thiện rõ rệt, doanh thu tháng 8/2024 của Dabaco tăng tới 11% so với tháng 7 đạt 2.024 tỷ đồng, 2 tháng quý III/2024 tăng 12% so với 2 tháng liền kề trước đó và tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, Dabaco đặt kế hoạch doanh thu 25.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 729,8 tỷ đồng.
Cũng được kỳ vọng sẽ tăng tốc từ nửa cuối năm nay, nhiều tổ chức dự báo lãi ròng năm nay của BAF Việt Nam (mã: BAF) có thể tăng gấp 19 lần.
Cụ thể: Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường đang có nhiều yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của BAF Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Đó là, giá lợn hơi trung bình tính tới 15/08/2024 đạt 63.200 đồng/kg, tăng 27% so với hồi đầu năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hôm nay, giá lợn hơi đã lên tới 67.000 đồng/kg.
Trong khi đó, cũng như Dabaco, BAF cũng được hưởng lợi thêm khi giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng tiếp tục hạ nhiệt khi sản lượng của đa số loại ngũ cốc làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên trong nửa cuối năm nay.
Do tồn tại độ lệch giữa giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm nên doanh nghiệp sản xuất thường chốt hợp đồng mua nguyên liệu trước khoảng 3-6 tháng, cộng thêm thời gian vận chuyển khoảng 1,5 tháng và thời gian lưu kho dưới 3 tháng.
Vì vậy, Chứng khoán Bảo Việt nhận định lợi thế từ việc giá nguyên liệu giảm sẽ dần được phản ánh vào chi phí chăn nuôi của BAF Việt Nam trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025.
Dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán Bảo Việt dự phóng doanh thu cả năm nay của BAF Việt Nam sẽ đạt 5.250 tỷ đồng, gần như tương đương so với năm 2023. Tuy nhiên, biên lợi gộp sẽ tăng mạnh từ 6,6% lên 15,3%. Kéo theo đó, lợi nhuận trước thuế cả năm nay của BAF Việt Nam có thể đạt 464 tỷ đồng, cao gấp gần 19 lần so với năm 2023.
Trong quý II/2024, riêng mảng chăn nuôi lợn đã đem về cho BAF Việt Nam khoản doanh thu 806 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BAF Việt Nam đã ghi nhận doanh thu đạt 2.518 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế gấp 12 lần, đạt 154 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Trước đó, ngày 16/9, BAF Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Muyan - tập đoàn chăn nuôi - thực phẩm hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc.
Một trong những quan trọng trong thỏa thuận hợp tác giữa BAF và Muyuan là hướng đến chuyển giao thiết bị công nghệ chăn nuôi thông minh. Với sự đồng hành của Muyuan, BAF Việt Nam sẽ cải tiến toàn diện hệ thống chuỗi khép kín từ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến mô hình chuồng trại.
Muyuan có thể hỗ trợ BAF đạt được mục tiêu mở rộng quy mô với 450.000 con lợn nái và 10 triệu con lợn thịt vào năm 2030. BAF Việt Nam đã đặt mục tiêu đạt 75.000 lợn nái và 800.000 lợn thương phẩm. Đến năm 2030 đạt 450.000 lợn nái và 10 triệu lợn thương phẩm.
Theo dữ liệu của một số hãng chứng khoán, giá vốn mảng chăn nuôi lợn hiện nay của BAF Việt Nam chỉ ở mức 40.000 đồng/kg - mức khá thấp so với trung bình ngành nhờ việc công ty này tận dụng các nguồn lực của hệ sinh thái tập đoàn mẹ - Tập đoàn Tân Long.
BAF Việt Nam còn được kỳ vọng là một trong số các doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết hưởng lợi trực tiếp từ việc các quy định mới của Luật Chăn nuôi đang thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, đáp ứng các quy chuẩn quốc tế, phù hợp với các doanh nghiệp theo mô hình sản xuất an toàn khép kín 3F.