Đây là chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, thu cả tỷ đô
Chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045: Mục tiêu thu hàng chục tỷ USD
Minh Huệ
Thứ ba, ngày 20/08/2024 18:46 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, việc triển khai các đề án ưu tiên trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 sẽ tạo ra “cú hích” quan trọng cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững do Bộ NNPTNT tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Phạm Kim Đăng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta.
Trong đó, nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chủ lực của ngành chăn nuôi, chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Ở Việt Nam, chăn nuôi lợn được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đối với toàn ngành nông ngiệp. Từ chỗ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023, Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 trên thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, chăn nuôi lợn đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm.
Riêng giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.
Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 và 2023 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43% (theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank - VCBS). Trong đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đang hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành này.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành chăn nuôi lợn cũng được thể hiện rõ rệt ở cơ cấu đàn lợn nái. Theo đó, trong tổng số 3,12 triệu con nái năm 2023 thì đàn lợn nái của các doanh nghiệp, công ty là 1,21 triệu con, chiếm 38,8% tổng đàn lợn nái cả nước.
Đàn lợn nái trong nông hộ chiếm 1,91 triệu con, chiếm tỷ lệ 61,2% tổng đàn lợn nái. Nhưng do hiệu suất sinh sản của đàn nái trong khu vực công ty cao và điều kiện chuồng nuôi tốt hơn nên khu vực này đóng góp 47% tổng lượng lợn thịt xuất chuồng năm 2022.
Theo ông Đăng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, chăn nuôi nuôi lợn hiện nay vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: Chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ. Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện, giá thành sản xuất còn cao. Giết mổ tập trung, công nghiệp không cạnh tranh được với giết mổ nhỏ lẻ dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá bán của người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Toàn cầu hóa về thị trường tác động lớn đến các chuỗi cung ứng, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng...
Về tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, "nóng" nhất thời gian qua là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 863 ổ dịch trên 46/63 tỉnh thành, tiêu hủy hơn 57.400 con lợn. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 3,02 lần và số lợn bị chết, tiêu hủy tăng 3,87 lần.
"Khó khăn hiện nay là nhiều nơi không có cán bộ thú y xã, dẫn đến không phát hiện dịch bệnh kịp thời. Cũng do thiếu cán bộ thú y nên công tác phòng chống dịch bệnh nảy sinh nhiều bất cập, khi phát hiện ổ dịch thì phản ứng với ổ dịch cũng chậm trễ" - ông Minh nói.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thực thi chính sách
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán không còn nhiều thời gian, đây là thời điểm quan trọng để ngành chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng tập trung tháo gỡ những khó khăn, chuẩn bị điều kiện cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung an toàn, chất lượng.
Ông Tiến nhấn mạnh, cần truyền thông mạnh mẽ về 5 đề án thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Chính phủ phê duyệt. "Hàng năm, chúng ta phải bỏ ra 7 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, do đó các địa phương, đơn vị phải xây dựng ngay kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu" – ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NNPTNT đã và đang ban hành kế hoạch thực hiện các đề án thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Điều đáng mừng là vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2024 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Theo đó, nghị định quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bao gồm, gồm: Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi... Đây chính là cú hích quan trọng cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.