Chiều 17/9, buổi mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế An toàn Người bệnh Thế giới 2024 với chủ đề "Cải thiện chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh" được tổ chức tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, và đại diện từ các tổ chức y tế trong và ngoài nước.
Theo TS BS. Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, việc cải thiện chất lượng và an toàn trong quá trình chẩn đoán và điều trị rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Ông khẳng định: "Sai sót y khoa là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương tật và tử vong trên toàn cầu. Theo ước tính của WHO, có tới 10% số người bệnh trên thế giới chịu tác động tiêu cực từ các lỗi chăm sóc y tế có thể ngăn ngừa được".
Ông Anh Đức thông tin, một nghiên cứu trong nước cho thấy, cứ 1.000 bệnh nhân, có tới 75 người bị ảnh hưởng bởi các lỗi chẩn đoán. Điều này dẫn đến việc kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 3 đến 5 ngày và chi phí điều trị tăng thêm 20 đến 30% so với dự kiến ban đầu. Các sai sót trong chẩn đoán thường dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, gia tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí y tế và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe cũng như tinh thần cho người bệnh.
Chính vì thế, ông Đức khẳng định vai trò của các đơn vị y tế như Bệnh viện ĐH Y Dược trong việc tiên phong áp dụng các phương pháp mới nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho người bệnh.
Còn PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhấn mạnh: "An toàn trong chẩn đoán và điều trị là mục tiêu tối quan trọng của y học hiện đại". Đồng thời, ông khẳng định, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đang không ngừng cải thiện quy trình chăm sóc, phát triển văn hóa "không đổ lỗi," và tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro là những yếu tố quan trọng để giảm thiểu sai sót và đảm bảo sự an toàn cho người bệnh.
Trở lại vấn đề, TS BS. Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và an toàn trong chẩn đoán, với mục tiêu giảm thiểu các sai sót y khoa và nâng cao hiệu quả điều trị, lấy người bệnh làm trung tâm.
Cụ thể, bao gồm những giải pháp như: Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế; đầu tư vào công nghệ và trang thiết bị y tế hiện đại; xây dựng, cập nhật và triển khai các hướng dẫn điều trị; đo lường và giám sát liên tục, tăng cường hệ thống giám sát và báo cáo sự cố sai sót y khoa; tăng cường vai trò của người bệnh vào quá trình điều trị.
Ông Đức bày tỏ: "Tôi xin kêu gọi tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước cần hành động khẩn trương và mạnh mẽ hơn để cải thiện chất lượng chẩn đoán. Cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ và đào tạo, đồng thời không ngừng cải thiện quy trình làm việc nhằm giảm thiểu sai sót".
Cùng với đó, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay bệnh viện cam kết đồng hành cùng kế hoạch hành động toàn cầu về an toàn bệnh nhân giai đoạn 2021–2030 của WHO, nhằm loại bỏ các tác hại có thể tránh được trong chăm sóc sức khỏe. Bệnh viện không ngừng cải tiến hệ thống và quy trình chăm sóc, đồng thời nâng cao nhận thức của nhân viên y tế về tầm quan trọng của an toàn người bệnh.
Đồng thời, ông Bắc thổ lộ Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đặt mục tiêu thành lập Trung tâm Xuất sắc về An toàn Người bệnh, nơi cung cấp các phương pháp giảng dạy, kỹ thuật mô phỏng sáng tạo và chia sẻ các phương pháp thực hành tốt nhất. Trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho nhân viên y tế và thiết lập mạng lưới an toàn người bệnh trên toàn quốc.
Theo WHO, mỗi năm có khoảng 134 triệu sự cố y khoa bất lợi xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, dẫn đến 2,6 triệu ca tử vong. Trong đó 50% sự cố có thể phòng ngừa được.
Khoảng 40% sai sót y khoa xảy ra trong giai đoạn chẩn đoán, đặc biệt là trong các bệnh lý phức tạp hoặc khi có các triệu chứng không điển hình. Khoảng 5% số người trưởng thành trên toàn cầu phải đối mặt với các vấn đề sai sót trong chẩn đoán trong hệ thống y tế hiện đại.
Đáng chú ý, trong các trường hợp đó, từ 10 đến 20% là sai sót nghiêm trọng gây tổn hại cho người bệnh.
Các số liệu khác cho thấy 15% số bệnh nhân nội trú và 50% bệnh nhân ngoại trú có thể bị ảnh hưởng bởi những lỗi liên quan đến chẩn đoán, dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, kéo dài bệnh tình và thậm chí tử vong. Hơn 50% các trường hợp chẩn đoán sai dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong và tổn thương vĩnh viễn.
Trong các trường hợp phức tạp như bệnh lý về tim mạch, ung thư và nhiễm trùng, sự chậm trễ hoặc sai sót trong chẩn đoán có thể làm giảm cơ hội sống của người bệnh một cách đáng kể.
Những thống kê này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề an toàn trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Việc cải thiện chẩn đoán, giảm thiểu sai sót và nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh là nhiệm vụ khẩn thiết.