Nhiều dự án trọng điểm ở TP.HCM chậm tiến độ, vì sao?

Xuân Huy Thứ hai, ngày 16/09/2024 14:25 PM (GMT+7)
Báo cáo của Ban Giao thông gửi các đơn vị chức năng TP.HCM nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu gặp ở hầu hết dự án này là vướng mắc quy định khiến quá trình thẩm định dự án kéo dài, chậm giải phóng mặt bằng.
Bình luận 0

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) vừa có công văn báo cáo tình hình thực hiện 16 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn TP.HCM trong tháng 9 gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT TP.HCM.

Theo đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM do Ban Giao thông làm chủ đầu tư có tiến độ xây dựng và giải ngân chậm so với kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu gặp ở hầu hết dự án này là vướng mắc quy định khiến quá trình thẩm định dự án kéo dài, chậm giải phóng mặt bằng.

Theo đánh giá của Ban Giao thông, tiến độ thực hiện dự án nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) hiện chậm so với kế hoạch.

img

Tiến độ thực hiện dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức) hiện chậm so với kế hoạch. Ảnh: N.T.

Trong đó, gói thầu có tiến độ khả quan nhất là XL5, XL6 (xây dựng hầm chui HC1) đạt lần lượt 65% và 55%; gói thầu XL7 (xây cầu Bà Dạt) đạt 85%; gói thầu XL8 (xây cầu Giồng Ông Tố) đạt 85%.

Còn các gói thầu XL10 (xây cầu N3, N4) chỉ đạt 10%, gói XL11 (xây nhánh cầu N2) đạt 15%, gói XL12 (xây nhánh cầu vượt N1.1 và N1.3) đạt 10%.

Nguyên nhân là vướng mắc quy định; quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh kéo dài hơn so với dự kiến.

Hơn 2.200m2 thuộc đồ án quy hoạch Khu đô thị chỉnh trang cạnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa bàn giao mặt bằng. UBND TP Thủ Đức dự kiến bàn giao 14/24 trường hợp đồng thuận trước vào tháng 10 năm nay.

Tương tự, dự án quan trọng ở cửa ngõ phía Đông, tiến độ xây dựng nút giao Mỹ Thủy cũng chậm so với kế hoạch.

Các hạng mục xây dựng nhánh đường bờ tả, bờ hữu rạch Mỹ Thủy đều đang tạm ngưng vì vướng mặt bằng. Mặt khác, tiến độ giải ngân của dự án cũng chậm, chỉ đạt 0,2% trong năm 2024. Trong công văn này, chủ đầu tư đã đề nghị UBND TP Thủ Đức hỗ trợ vận động người dân bàn giao mặt bằng trước 30/9 để dự án được tiếp tục.

Trong khi đó, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hiện đạt 78% tổng khối lượng. Tiến độ xây dựng này đáp ứng kế hoạch, tuy nhiên tình hình giải ngân chỉ đạt 21,1%, tương đương 165 tỷ đồng trên tổng 2.990 tỷ đồng trong năm 2024.

Theo Ban Giao thông, việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tại dự án hiện chưa hoàn thành nên chưa thể giải ngân lượng vốn được giao trong năm 2024. Trong đó, công tác bồi thường là 400 tỷ đồng.

Để đảm bảo hoàn thành dự án trong tháng 12 năm nay, phục vụ kết nối đồng bộ, khai thác nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Giao thông kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 khẩn trương bàn giao phần tường rào để UBND quận Tân Bình tổ chức tháo dỡ, di dời mặt bằng thi công và bàn giao cho chủ đầu tư.

img

Phối cảnh nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ACV.

Một dự án quan trọng khác là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (dự án thành phần 2), với tổng kinh phí hơn 18.975 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách TP.HCM.

Tiến độ thực hiện dự án được chủ đầu tư đánh giá chậm so với kế hoạch, do tình trạng mua bán đất giấy tờ qua tay, nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý. Mặt khác, tỷ lệ đất ở một số địa phương như TP.Thủ Đức khá lớn, hồ sơ pháp lý phức tạp, cần nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục, tiềm ẩn khả năng khiếu kiện, tranh chấp.

Ban Giao thông đề nghị UBND TP.Thủ Đức và huyện Bình Chánh sớm hoàn thành thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án. Địa phương vận động người dân đồng thuận và quyết liệt áp dụng các biện pháp hành chính thu hồi đất đối với những trường hợp không đồng ý bàn giao mặt bằng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem