Công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trong vùng có đông đồng bào DTTS luôn được các sở, ngành và đơn vị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh quan tâm chú trọng.
Trong năm 2024, từ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các sở, ngành và đơn vị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh triển khai việc hỗ trợ đào tạo 11 bác sĩ chuyên khoa 1 và 15 cử nhân điều dưỡng cho trung tâm y tế cấp huyện vùng có đông đồng bào DTTS.
Tập huấn 8 lớp kiến thức sàng lọc trước sinh, sơ sinh, kỹ năng tuyên truyền về dân số cho 282 người, trong đó có 91 cán bộ DTTS. Tổ chức tọa đàm cung cấp kiến thức về bệnh Thalassemia và nhân bản cho các tổ chức đoàn thể xã hội như mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ tư pháp và nhân viên y tế ấp khóm kiêm cộng tác viên dân số.
Hỗ trợ cho các bà mẹ thực hiện tầm soát, chẩn đoán, một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh, phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế.
Tiếp tục giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm dưới 2%, thể nhẹ cân dưới 5% (4,6%), thể thấp còi dưới 7% (6,8%). Ngoài ra còn tổ chức 59 cuộc nói chuyện chuyên đề chính sách, pháp luật về dân số phù hợp tâm lý, tập quán vùng đồng bào DTTS với 2.950 người tham gia.
Về phía Sở Y tế tỉnh còn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Không chỉ riêng năm 2024, các năm trước đó, tỉnh Trà Vinh cũng tổ chức các hoạt động tương tự nhằm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trong vùng có đông đồng bào DTTS.
Bên cạnh các hoạt động trên, các sở, ngành và đơn vị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn phối hợp tổ chức lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Cụ thể như năm 2023, tổ chức lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi cho 15 xã của 4 huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải.
Trong quá trình triển khai, để đạt hiệu quả cao, các đơn vị phối hợp tổ chức còn đẩy mạnh khâu truyền thông, tuyên truyền qua việc treo băng rôn.
Thời gian qua, hệ thống y tế các cấp trên địa bản tỉnh luôn được tăng cường cả về cơ sở vật chất (toàn tỉnh Trà Vinh có 129 cơ sở khám, chữa bệnh) và trang thiết bị. Về phía đội ngũ cán bộ y tế từng bước được củng cố. Từ đó, chất lượng khám và điều trị bệnh cho nhân dân, nhất là người DTTS từng bước được nâng lên.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2022-2024, Trà Vinh có hơn 8,6 tỷ đồng để thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trong vùng có đông đồng bào DTTS theo Chương trình MTQG 1719.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh Trà Vinh tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người DTTS bằng việc tăng cường thêm các dịch vụ y tế, phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại, đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế.
Thêm vào đó là tiếp tục tập trung đầu tư, nâng cấp các bệnh viện, trạm y tế tại vùng đồng bào DTTS; phấn đấu để mỗi người dân đều được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, nâng dần tỷ lệ người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Về phía đội ngũ cán bộ y tế, tiếp tục kiện toàn về số lượng, chất lượng, có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ y tế phục vụ ở vùng dân tộc, duy trì bố trí phòng bệnh dành riêng cho các vị sư sãi. Song song đó là phát triển nguồn nhân lực y tế, có cơ chế đào tạo bác sĩ chuyên khoa là người dân tộc dân tộc thiểu số.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong vùng có đông đồng bào DTTS, ông Thạch Mu Ni - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, có 3 kinh nghiệm cần lưu ý.
Kinh nghiệm đầu tiên là cần đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục, để từ đó nâng cao trình độ văn hóa cũng như hiểu biết kiến thức cho người dân. Kinh nghiệm thứ hai là nâng cao đời sống kinh tế, vật chất cho người dân. Khi người dân có đời sống khá mới có điều kiện lo tới sức khoẻ.
Vấn đề cuối cùng là làm tốt công tác truyền thông về y tế (nhiều lĩnh vực, khía cạnh) để từ đó người dân mới quan tâm hơn về việc giữ gìn sức khoẻ. "Đây là việc mà công tác truyền thông phải làm và thời gian qua Ban Dân tộc tỉnh làm rất tốt" - ông Mu Ni nói.
Theo ông Mu Ni, 3 kinh nghiệm nói trên phải là một chuỗi kết nối lại với nhau và làm thường xuyên mới đạt hiệu quả cao. Từ các kinh nghiệm trên, người phụ nữ vùng DTTS khi mang thai sẽ biết cần chăm sóc như thế nào, đi khám sức khỏe ở đâu, khi sinh con ra phải cho con uống sữa gì, cần tiêm ngừa mấy loại bệnh. Lúc này, người phụ nữ cũng biết rõ, môi trường quanh nhà cần phải đảm bảo như thế nào để cho con mình phát triển toàn diện.
Do làm tốt các lĩnh vực trên, theo ông Mu Ni, sức khỏe người dân vùng DTTS tỉnh Trà Vinh khá ổn định, chất lượng dân số ngày càng tốt. "Trẻ em sinh ra ăn uống tốt, cao ráo, trắng tươi" - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chia sẻ thêm.