Trà Vinh: Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tộc thiểu số tích cực sản xuất, phát triển kinh tế
Trà Vinh: Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tộc thiểu số tích cực sản xuất, phát triển kinh tế
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 23/09/2024 12:59 PM (GMT+7)
Bằng nhiều giải pháp, chính sách, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719), huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ nông dân vận dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ để chăn nuôi, phát triển sản xuất, giúp giảm nghèo bền vững.
Hỗ trợ nông dân người dân tộc thiểu số chăn nuôi, phát triển sản xuất
Thời gian qua, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 trong việc giúp người dân chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể là mô hình nuôi vịt được triển khai ở các xã Phong Thạnh, Phong Phú, Châu Điền, Hòa Tân và thị trấn Cầu Kè.
Theo một lãnh đạo Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè, đến nay huyện đã có 2 đợt giao vịt cho người dân nuôi. Mỗi đợt, đều giao cho 24 hộ ở 5 xã, thị trấn. Trong đó, mỗi hộ được giao 105 con vịt.
Mô hình cung cấp cho 5 hộ nuôi vịt Grimaud, 19 hộ còn lại nuôi vịt xiêm Pháp. Tham gia mô hình nuôi vịt, người dân được hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn, phần vốn còn lại người dân đối ứng. Khi xuất bán, sẽ được liên kết với đơn vị thu mua.
Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè nhận định, qua 2 đợt giao vịt cho người dân nuôi đều đạt hiệu quả kinh tế bởi đây là con vật dễ nuôi, ít bệnh và lớn rất nhanh. Đối với vịt Grimaud, chỉ 45 ngày nuôi có thể là đạt cân nặng từ 3-4kg và bán với giá từ 40.000-45.000/kg. Còn vịt xiêm Pháp từ 55- 60 ngày nuôi sẽ bán với giá 60.000 đồng/kg.
Ngành nông nghiệp đã chi khoảng 260 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 để hỗ trợ cho mô hình ở mỗi đợt. Do hiệu quả từ 2 đợt đã triển khai, theo kế hoạch, trong tháng 10 âm lịch tới, ngành nông nghiệp huyện Cầu Kè sẽ tiếp thực giao vịt và thức ăn trong đợt 3 cho người dân nuôi, bán vào dịp Tết Nguyên đán tới.
Theo bà Thạch Thị Uy, ở ấp II, xã Phong Thạnh, lợi nhuận thu được từ mô hình nuôi vịt là khoảng 5 triệu đồng. Tuy tiền không nhiều nhưng cũng giúp gai đình có thêm tiền trang trải cuộc sống. Cũng theo bà Uy, nhờ tích lũy tiền, gia đình cũng mua thêm vịt giống bên ngoài để gia tăng sản xuất.
Ngoài mô hình nuôi vịt, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Cầu Kè còn phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan hỗ trợ người dân nuôi bò sinh sản, nuôi ong lấy mật. Từ đó, đời sống người dân, nhất là người dân tộc Khmer dần cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị hàng hóa.
Được biết, riêng phòng NNPTNT huyện Cầu Kè, theo kế hoạch, vào cuối năm 2024, sẽ triển khai giải ngân nguồn vốn trên 1,7 tỷ đồng để đầu tư cho 121 hộ dân nuôi bò sinh sản trên địa bàn 6/10 xã.
Triển khai tốt các chính sách, trương trình hỗ trợ vùng có đông đồng bào DTTS
Ngoài hỗ trợ sản xuất, thời gian qua, huyện Cầu Kè còn tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc ủng hộ triển khai các chính sách, trương trình xây dựng nhà, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề, kéo nước sinh hoạt... cho người dân vùng có đông đồng bào DTTS.
Riêng Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, huyện Cầu Kè triển khai thực hiện 5 dự án hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội cải thiện đời sống với tổng kinh phí trên 58,7 tỷ đồng…
Từ đó, theo thống kê đến cuối năm 2023, huyện Cầu Kè kéo giảm hộ nghèo đồng bào DTTS xuống còn 58 hộ, chiếm 0,19%/tổng số hộ nghèo của huyện.
Kết quả trên đã giúp huyện Cầu Kè đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xây dựng nông thôn mới (huyện Cầu Kè xác định người dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là chủ thể trong xây dựng thôn mới. Do đó, đã chủ động tuyên truyền, vận động để cùng đồng thuận tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại địa phương).
Đến nay, toàn huyện có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Vào cuối năm 2023, huyện Cầu Kè hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Đầu tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận bằng công nhận huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Hiện nay, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Cầu Kè ngày càng khởi sắc, phum sóc được nối liền bằng những tuyến đường giao thông thẳng tắp. Đều đó đã minh chứng cho những chủ trương, chính sách và cách làm đúng đắn của chính quyền các cấp cùng chung sức và sự đồng lòng của các vị chức sắc tôn giáo, đồng bào Khmer ở địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.