Dân Việt

Nhạc sĩ mang hàm cấp Tướng xin rút hồ sơ khi được đặc cách phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân

Hoàng Tuệ Lâm 18/09/2024 13:28 GMT+7
Nhạc sĩ An Thuyên là trường hợp đặc biệt và duy nhất trong lịch sử phong tặng danh hiệu khi được đặc cách phong Nghệ sĩ Nhân dân dù chưa là Nghệ sĩ Ưu tú. Tuy nhiên, ông đã xin rút hồ sơ không nhận đặc cách này.

Được đặc cách phong Nghệ sĩ Nhân dân khi chưa là Nghệ sĩ Ưu tú

Ở đợt xét tặng danh hiệu đợt 6 năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên bất ngờ được đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi chưa được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đây đồng thời cũng là câu chuyện hy hữu nhưng thú vị về cuộc đời của vị nhạc sĩ cũng là người đầu tiên được phong Tướng ở lĩnh vực âm nhạc.

Nhạc sĩ duy nhất lịch sử từ chối danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, được phong hàm cấp Tướng đầu tiên- Ảnh 1.

An Thuyên là người nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm cấp Tướng của Việt Nam. Ảnh: TL

Theo lời kể của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Ngọc Cường (thời điểm đó là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn), tại đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007, ông là thành viên Hội đồng cấp Bộ. Tại Hội đồng này xảy ra một "sự kiện" khá bất ngờ đó là nhạc sĩ An Thuyên được xét đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Thông tin này gây bất ngờ với nhiều người và với chính nhạc sĩ bởi năm đó nhạc sĩ cũng là thành viên của Hội đồng xét phong tặng danh hiệu cấp Bộ. Hơn nữa, theo trình tự thì trước khi được phong Nghệ sĩ Nhân dân phải là Nghệ sĩ Ưu tú. Trong khi nhạc sĩ An Thuyên chưa được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trước đó.

Sau đó, đạo diễn Bông Mai – con gái nhạc sĩ An Thuyên cho biết, nhạc sĩ An Thuyên không phải người ham danh hiệu. Trước khi mất, ông đang là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhưng đã xin rút để những người trẻ hơn tiếp nối. Rời Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông chỉ làm người bình thường như bao hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam khác, chuyên tâm với công việc ở Hội Văn hóa doanh nhân và giúp đỡ các học trò về chuyên môn.

Nhạc sĩ duy nhất lịch sử từ chối danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, được phong hàm cấp Tướng đầu tiên- Ảnh 2.

Nhạc sĩ An Thuyên một đời đau đáu với những miền quê nghèo. Ảnh: TL

Trong làng âm nhạc Việt Nam, An Thuyên (tên đầy đủ là Nguyễn An Thuyên) là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được phong hàm cấp Tướng. Ông từng giữ chức Hiệu trưởng Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội. Nhạc sĩ An Thuyên từng làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2010. Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với cụm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc.

Người nhạc sĩ một đời đau đáu với những miền quê nghèo

Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949 ở làng Kẻ Đáy, thôn Quỳnh Kim, huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai), tỉnh Nghệ An. Lúc sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự: "Tôi ra đời đúng trận càn của Pháp, mẹ bế tôi đỏ hỏn trên tay, bơi qua sông chạy giặc. Trận càn ấy đã trở thành cuộc chiến đấu rất oanh liệt của các chiến sĩ.

Các anh đã ngã xuống. Tôi đến đồi thông – nơi các anh ngã xuống thắp hương cho họ và nghĩ, họ đã có 65 năm hy sinh và tôi có 65 năm đời sống. Đấy là định mệnh của đời tôi để tôi trở thành người chiến sĩ, trở thành vị tướng trong cuộc đời".

Nhạc sĩ duy nhất lịch sử từ chối danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, được phong hàm cấp Tướng đầu tiên- Ảnh 4.

Nhạc sĩ An Thuyên để lại cho cuộc đời hàng loạt tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Ảnh: TL

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên vốn là một gánh hát, với các thành viên: bố, các anh, chị đều là diễn viên… An Thuyên lúc bé cũng tham gia như một nhạc công nhí. 11 tuổi, ông đã biết thổi sáo, kéo nhị, theo gia đình lưu diễn khắp nơi. Những gam nhạc đầu tiên ông được học là chính trên mảnh sân của ông giáo làng. Điều khiến mọi người ngạc nhiên là An Thuyên học đâu nhớ đó, chẳng mấy chốc đã thuộc nằm lòng các bài học của thầy.

Những bài học vỡ lòng đó đã chắp cánh cho niềm đam mê âm nhạc trong con người nhạc sĩ An Thuyên để bung tỏa thành những bản nhạc mà từ năm 1965, nhiều người đã phải ngỡ ngàng. Ngay từ khi mới võ vẽ học nhạc, An Thuyên đã làm cả làng, cả xã ngạc nhiên, tự hào khi sáng tác thành công bài Nối gót anh hùng. Với những nét nhạc hào sảng của một người cộng sản dám quên mình cho đất nước, ca khúc đã đưa đến nguồn cảm hứng mới mẻ, để An Thuyên tự tin bước vào con đường mà mình đã lựa chọn.

Năm 1967, sau khi tốt nghiệp trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, An Thuyên về công tác tại phòng Văn nghệ của Ty văn hóa Nghệ An. Đến năm 1975, ông nhập ngũ. 2 năm sau, nhạc sĩ được chuyển về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4.

Từ 1981 – 1988, nhạc sĩ An Thuyên học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tốt nghiệp xong, ông công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội. Năm 1992, An Thuyên chuyển công tác ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và chỉ 1 năm sau lên làm Hiệu trưởng của trường.

Suốt cả cuộc đời mình, âm nhạc của An Thuyên gắn bó với những miền quê nghèo. Ông đã tạo ra một con đường riêng trong sáng tác với những ca khúc mang âm hưởng dân gian như: Ca dao em và tôi, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Em chọn lối này, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Hà Nội tình yêu tôi, Biển và em...

Nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự: "Trong âm nhạc của tôi, có một niềm đau đáu, đó là quê mình nghèo. Trong các ca khúc của tôi không bao giờ tôi viết chữ nghèo nào. Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi, Hà tĩnh mình thương, Huế thương... không có một từ nghèo nào, nhưng đó là nỗi day dứt lớn nhất của tôi. Khi mình sống đó, mình thấy bình thường nhưng khi mình ra đi, càng thương quê hương hơn, càng thương đất nước mình nghèo".

Trong sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ An Thuyên từng nhận nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho ca khúc Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); Giải nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca khúc Khi xe tăng qua miền quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995), Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho Chín bậc tình yêu (1992).

Ngoài ra, nhạc sĩ An Thuyên còn là người thầy đáng kính của nhiều giọng ca nổi tiếng như: ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, NSND Phạm Phương Thảo, ca sĩ Ngọc Anh, ca sĩ Vương Dung... Thời còn làm Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, nhạc sĩ an Thuyên đã tuyển hàng trăm con em vùng dân tộc ít người về tạo điều kiện học tập, trở thành những tài năng âm nhạc - những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Đối với các thế hệ học trò, nhạc sĩ An Thuyên dường như không có khoảng cách. Ấn tượng về ông trong nhiều người học trò là sự gần gũi, là tấm lòng độ lượng và nhân ái vô bờ.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên luôn tự hào vì có gia đình đầm ấm, vợ và các con đều yêu nghệ thuật và làm nghệ thuật. Vợ ông là nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm, con trai là nhạc sĩ An Hiếu, con gái là ca sĩ – biên tập viên Bông Mai.

Nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự: "Tôi thường nói với các con rằng bố mẹ ra đi với hai bàn tay trắng, những gì mà gia đình mình có được như hôm nay đều bắt nguồn từ củ khoai, củ sắn, từ điệu dân ca, từ hồn vía quê hương xứ Nghệ… và điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là cái tâm.

Tôi thường dặn con trai, khi con ra đường gặp hoàn cảnh thương tâm phải biết rơi nước mắt thì nốt nhạc của con mới có ý nghĩa. Tôi cũng dạy con rằng mọi sáng tạo đều phải bắt nguồn từ cuộc sống, nếu không thì những bản nhạc sáng tác ra cũng như là một thứ thời trang …".

Năm 2015, nhạc sĩ An Thuyên đột ngột rời cõi tạm sau một cơn nhồi máu cơ tim, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và những khán giả yêu âm nhạc.