Di tích khảo cổ Tân Lại tọa lạc trong phạm vi đình Tân Lại, phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Ngôi đình được xây dựng trên đỉnh của một ngọn đồi thấp, cao hơn so với mặt nước sông Đồng Nai 5,3m.
Tại đây, vào năm 1995, cán bộ Viện Khoa học xã hội TP.HCM đã tiến hành khảo sát bề mặt di tích, phát hiện 2 tấm đá lớn hình chữ nhật bằng loại đá phiến có màu xám đen, một tấm đá lớn khác cũng bằng đá phiến có màu xám đen.
Ở 2 đầu tấm đá, mỗi đầu có đục hai lỗ tròn, được xác định là tấm đá dùng làm mi cửa trong các kiến trúc bằng gạch cổ thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo.
Trên cơ sở đó, di tích khảo cổ Tân Lại được khai quật lần đầu năm 2007, thu được một số chất liệu đá như: rìu vai, rìu tứ giác, bàn mài, nhiều mảnh đá và một số mảnh gốm.
Đặc biệt, trong hố khai quật khảo cổ năm 2007 còn phát hiện 3 hiện vật bằng đồng.
Năm 2020, di tích tiếp tục được tiến hành khai quật lần 2, kết quả thu được 8 hiện vật (4 viên gạch, 2 rìu đá, 1 công cụ mũi nhọn và 1 mảnh công cụ).
Các hiện vật này một lần nữa góp phần chứng minh các giai đoạn văn hóa của người cổ Tân Lại trong giai đoạn tiền sử (khoảng 2.500-3.000 năm) và giai đoạn lịch sử (văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo, khoảng thế kỷ XII-XIII và thời Nguyễn, thế kỷ XIX).
Di tích khảo cổ Long Hưng thuộc gò Phước Hội xưa kia là làng Bến Gỗ. Trên khu vực gò hiện nay có các công trình kiến trúc gồm đình Long Hưng, chùa Long Bửu, miếu Ngũ Hành và các ngôi mộ cổ ở thế kỷ XIX-XX. Năm 1988, Bảo tàng Đồng Nai và Viện Khoa học xã hội TP.HCM đào thám sát 22m2 ở khu vực này với tên gọi Bến Gỗ.
Theo nhận định của những nhà khai quật: “Di tích Bến Gỗ có 2 loại hình cư trú và di tích thờ cúng, niên đại khoảng thế kỷVIII-IX”. Năm 2020, di tích tiếp tục được khai quật với 2 hố (diện tích 100m2).
Qua các đợt thám sát và khai quật, những di vật xuất lộ (kim loại, đá, sứ...) cùng với các phế tích kiến trúc đã chứng minh cho quá trình mà người cổ Long Hưng xây dựng nên những trung tâm văn hóa đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng xuyên suốt từ thời cổ đến trung và cận đại (từ cuối thế kỷ VII đến thế kỷ XX).
Sự phong phú và đặc trưng từng loại hình hiện vật qua các thời kỳ lịch sử cho thấy thị hiếu của cộng đồng cư dân đã làm chủ những khu vực đắc địa như gò Phước Hội. Ở đó, người cổ Long Hưng đã giao thương, buôn bán, trao đổi sản phẩm với bên ngoài.
Với các giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn nhấn mạnh: “Di tích khảo cổ Tân Lại và Long Hưng cần được nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xếp hạng trong năm 2023 để có cơ sở pháp lý bảo vệ và phát huy giá trị của di tích”.