Tham dự và chủ trì diễn đàn có các lãnh đạo: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...
Ngoài ra, có hơn 100 Tổng Biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí trên cả nước về tham dự và đóng góp y kiến tại Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Tổng Biên tập 2024, ông Lê Trần Nguyên Huy, Quyền Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận cho biết, báo chí truyền thống đã, đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, thực tế đời sống báo chí thời gian đã cho thấy báo chí truyền thống không nên và không thể cạnh tranh với mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Vì thế, để bảo đảm sự tồn tại, kiến tạo nguồn thu và giữ chân được độc giả, báo chí truyền thống buộc phải tìm những hướng đi mới.
Theo ông Lê Trần Nguyên Huy, với báo chí cách mạng Việt Nam, hướng đi đó còn là việc làm thế nào để các cơ quan báo chí tiếp khẳng định được dòng thông tin chủ lưu, định hướng, dẫn dắt dư luận và đóng góp được vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, không chỉ để giữ chân độc giả mà còn để củng cố niềm tin của công chúng vào báo chí.
"Từ những trăn trở đó, trước thềm kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi lựa chọn chủ đề “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” cho Diễn đàn Tổng Biên tập 2024. Báo chí giải pháp liệu có thể là hướng phù hợp cho báo chí Việt Nam hiện nay? Hy vọng, diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, những hiến kế thiết thực, những chia sẻ bổ ích về xu hướng báo chí mới này...", ông Lê Trần Nguyên Huy chia sẻ.
Tại diễn đàn có 2 phiên thảo luận, phiên thứ nhất có chủ đề: Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng; Phiên thứ hai có chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?
Những vấn đề nóng, thời sự, những câu chuyện thực tế của báo chí thế giới, của Việt Nam và của từng các cơ quan báo chí trong cả nước được các đại biểu, chuyên gia cùng với lãnh đạo các cơ quan báo chí bàn luận, chia sẻ tại diễn đàn.
Nhiều vấn đề chi tiết của báo chí giải pháp như: xu thế tất yếu và những vấn đề đặt ra của báo chí giải pháp, nguồn lực để triển khai báo chí giải pháp, vai trò của báo chí giải pháp trong truyền thông chính sách, báo chí giải pháp - sứ mệnh phụng sự nhân dân… được các đại biểu tập trung tham luận.
Bên cạnh đó, là kinh nghiệm, bài học từ việc thực hiện, triển khai thực tế báo chí giải pháp tại các cơ quan báo chí.
Ban tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 mong muốn rằng, sự trao đổi thẳng thắn, những kinh nghiệm được chia sẻ sẽ mang đến một thông điệp ý nghĩa góp phần vào hành trình phát triển của báo chí hôm nay trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham dự đã quyên góp cho “Quỹ ước mơ xanh” hướng về đồng bào các tỉnh miền Bắc chịu thiệt hại do bão lũ...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận bày tỏ sự vui mừng và vinh hạnh được Hội Nhà báo Việt Nam chọn Bình Thuận là nơi tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024.
Theo ông Nguyễn Hoài Anh, từ khi tái lập tỉnh Bình Thuận cho đến nay, phát huy truyền thống cách mạng "tự lực, tự cường" của quê hương, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội. Qua đó đưa tỉnh Bình Thuận từng bước vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ và phát triển ngày càng toàn diện hơn.
Trong suốt hành trình phát triển, Bình Thuận luôn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ và đồng hành của báo chí. Các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết tuyên truyền về thành tựu của tỉnh, phản ánh, đưa tin kịp thời về các vấn đề nổi bật, những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận.
Thực hiện vai trò của địa phương, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong những năm qua luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận...
"Thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Thuận, tôi trân trọng cảm ơn Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan thông tấn báo chí đã giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan báo chí trong thời gian tới để giúp Bình Thuận sớm hiện thực hoá khát vọng đưa tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc…", ông Nguyễn Hoài Anh, chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Hoài Anh, trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống. Việc này, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển.
Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng không chỉ mang đến những phương pháp tiếp cận mới mẻ và tích cực cho báo chí mà còn là cơ hội để các cơ quan báo chí Việt Nam khẳng định vai trò của mình trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển xã hội. Hơn thế, báo chí giải pháp có thể giúp báo chí chính thống khẳng định vị thế trước sự cạnh tranh mạnh mẽ về thông tin từ mạng xã hội, thể hiện vai trò phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Với ý nghĩa đó, tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi và tán thành cao với việc Hội nhà báo Việt Nam chọn chủ đề Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 là"Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí Truyền thống".
Theo Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, trong những năm qua, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển không ngừng về số lượng và đặc biệt là về chất lượng. Điều thể hiện rõ nhất là báo chí nước nhà cũng đang dần tiệm cận với báo chí ở các quốc gia phát triển, đặc biệt là về các hình thức, thể loại báo chí.
Trước nguy cơ bị cạnh tranh dữ dội bởi các nền tảng mạng xã hội, báo chí truyền thống không còn cách nào tốt hơn là phải khẳng định được thế mạnh của mình so với các dạng thức truyền thông phi truyền thống.
Và báo chí giải pháp (hay còn gọi là báo chí kiến tạo) chính là một trong những lời giải có thể giúp cho báo chí truyền thống vượt qua và khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc, mặc cho "cơn bão" thông tin từ mạng xã hội có sức càn quét khủng khiếp tới mức nào đối với nhu cầu của độc giả.
Báo chí lúc này không chỉ "phanh phui sự thật" (phản ánh tiêu cực), mà còn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tìm ra nguyên nhân, tập trung vào giải pháp để khắc phục, giải quyết, hướng tới kết quả tích cực, nhấn mạnh vai trò tích cực và trách nhiệm xã hội của báo chí. Nhà báo có thể phơi bày thực trạng tiêu cực, nhưng cuối cùng vẫn cho thấy giải pháp khắc phục.
Theo Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, để tăng cường xu hướng báo chí giải pháp (báo chí kiến tạo) mỗi tòa soạn cần phải quyết liệt trong khâu đào tạo, huấn luyên cho đội ngũ phóng viên, nhà báo của mình. Mỗi người viết không đơn thuần chỉ là một nhà báo, một phóng viên đưa tin, họ phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó, có năng lực phân tích, dự báo và đưa ra những kiến giải hợp lý để xử lý vấn đề đó.
Nhà báo phải nhất thiết có kiến thức, có sự hiểu biết nhất định ở mức cao về chính trị, pháp lý, văn hóa và đặc biệt nắm vững tri thức chuyên ngành mà mình viết, kỹ năng nghiệp vụ, trên cơ sở cái tâm trong sáng… của người cầm bút, nhà báo cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà báo cũng phải biết tận dụng cả kiến thức của những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để làm phong phú thêm kiến thức, phong phú thêm thông tin cho các bài viết về kiến tạo giải pháp của mình, bên cạnh những yếu tố bắt buộc của một bài báo căn bản như thông tin đa chiều, vì lợi ích chung.
Báo chí kiến tạo không chỉ đưa ra giải pháp, báo chí kiến tạo cần phải có tính phản biện, khách quan và cân bằng; đề cập những vấn đề quan trọng mà xã hội đang phải đối mặt, không phải những vấn đề vụn vặt; không thiên vị; luôn điềm đạm, không bị lấn át bởi những bê bối và sự phẫn nộ; mang tính cầu nối thay vì chia rẽ; dựa trên sự thật; thúc đẩy tranh luận có tính thông tin cao về những giải pháp xử lý các vấn đề đã được ghi nhận rộng rãi.
"Báo chí kiến tạo là báo chí với mục đích xây dựng, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Báo chí kiến tạo nhấn mạnh đến trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Báo chí không chỉ là nơi đưa ra các giải pháp, bày cho công chúng làm việc này việc kia... Báo chí phải cùng với công chúng "giải" các bài toán hiện thực xã hội…", Nhà báo Nguyễn Văn Hoài chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài dẫn chứng: Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Báo Nông thôn Ngày nay tự hào là một trong số ít những tờ báo hàng đầu tuyên truyền mạnh mẽ trong lĩnh vực này, bao gồm cả những loạt bài xây dựng - phản biện chính sách dành cho lĩnh vực tam nông, những loạt bài điều tra nhưng cuối cùng là nhằm đưa ra giải pháp để giải quyết những vướng mắc gặp phải trong những chính sách dành cho tam nông.
Có thể đưa ra những ví dụ gần nhất như loạt bài "Trục trặc" chuyển đổi số nông nghiệp" của nhóm tác giả Báo NTNN, đoạt giải Nhất tại giải "Giải báo chí toàn quốc viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023". Loạt bài này, nhóm tác giả không chỉ phản ánh về những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi số ở nông nghiệp nước ta, tại các mô hình, dự án chuyển đổi số nông nghiệp mà sau đó, nhóm tác giả cùng với tòa soạn còn tổ chức loạt bài lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, các vị lãnh đạo các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp được nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo sự hiệu quả, chính xác và hợp lý khi đưa vào thực tế.
Hay đối với hai loạt bài đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2023 của Báo NTNN/Dân Việt gồm có loạt 3 bài "Đường đi của gỗ lậu qua xe chuyển phát nhanh" và loạt 3 bài "Công viên địa chất toàn cầu bị "xẻ thịt", các nhóm tác giả và tòa soạn cũng không đơn thuần chỉ thực hiện các bài viết dấn thân, điều tra thực trạng của những hiện tượng tiêu cực này mà còn thực hiện hàng loạt các bài phỏng vấn từ cơ quan chức năng, chuyên gia, bạn đọc… nhằm đề xuất những giải pháp hiệu quả, khả thi để chấm dứt các hiện trạng trên.