Thông tin đề xuất của Bộ LĐTBXH về việc nghỉ Tết nguyên đán Đinh Tỵ 9 ngày khiến nhiều công chức, viên chức người lao động rất vui mừng. Với nhiều người lao động, đề xuất trên không đơn thuần chỉ là đề xuất tạo điều kiện nghỉ lễ Tết mà còn là cơ hội để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Chị Nguyễn Việt Hương (38 tuổi) viên chức ở một cơ quan thuộc cấp bộ cho biết, vì gia đình nội ngoại ở xa nên năm nào chị cũng về quê ăn Tết sớm. Chị Hương kể: "Nhà nội ở Đà Nẵng, nhà ngoại ở Huế nên năm nào gia đình chúng tôi cũng về Tết sớm. Nhà xa nên một năm chỉ tranh thủ về đúng 2 dịp là nghỉ hè và Tết vì thế phải tranh thủ về sớm".
Nhà xa, kinh tế lại eo hẹp không có tiền book vé máy bay nên gia đình chị chọn phương án đi lại bằng xe giường nằm hoặc tàu hỏa. Bởi vậy, một số năm nghỉ Tết 7-8 ngày là vợ chồng anh chị thường phải xin nghỉ phép thêm 2-3 ngày nữa để tiện cho di chuyển. Thời gian di chuyển trên đường của gia đình cả đi và về cũng mất 2-3 ngày. Nếu lịch nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Tỵ ngắn thì gia đình chị không còn thời gian ăn Tết cùng gia đình.
Cùng chung hoàn cảnh và suy nghĩ với chị Hương, nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn rất mong nhà nước kéo dài ngày nghỉ Tết để thuận lợi cho việc di chuyển, có thêm thời gian bên gia đình.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, các tập đoàn khá băn khoăn về đề xuất nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày và cho rằng, đề xuất nghỉ Tết dài ngày có thể gây "đóng băng" hoạt động sản xuất.
Ông Mai Xuân Dương – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, nghỉ Tết dài có vẻ có lợi cho người lao động nhưng thực chất không phải vậy. Ông Dương nhận định, thời gian qua hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu "nhúc nhắc", các đơn hàng bắt đầu tăng lên. Lịch nghỉ Tết kéo dài sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa kể tâm lý nhiều lao động nghỉ Tết là muốn xin nghỉ phép ở nhà, kéo dài ngày nghỉ.
"Theo tôi chỉ nên duy trì lịch nghỉ Tết từ 6-7 ngày là phù hợp. Dài hơn doanh nghiệp sẽ khó hoạt động, các đối tác nước ngoài muốn kết nối làm việc, vận chuyển đơn hàng… bị gián đoạn, không tốt cho hoạt động kinh tế", ông Dương nói.
Trong khi đó, chuyên gia lại tỏ ra đồng tình với đề xuất này. Từng chia sẻ với báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Nên kéo dài ngày nghỉ, lễ Tết cho người lao động vì thực tế số ngày nghỉ lễ, Tết của lao động Việt Nam vẫn thấp hơn so với quốc Tế. Kéo dài thời gian nghỉ lễ Tết, không đơn thuần chỉ là việc kéo dài số ngày nghỉ lễ Tết để lao động tái tạo sức lao động nữa mà còn là bài toán để đảm bảo an toàn giao thông trong ngày Tết và để kích cầu du lịch, tiêu dùng".
Theo ông Lợi, nếu chỉ nhìn vào hoạt động sản xuất doanh nghiệp thôi thì khó, nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, việc nghỉ Tết dài sẽ kéo giảm áp lực giao thông, quan trọng nhất là giúp người lao động có thêm thời gian để nghỉ ngơi bên gia đình, xây dựng vun đắp tình cảm gia đình.
Phân tích là vậy, nhưng ông Lợi cũng khẳng định, Bộ LĐTBXH nên lấy ý kiến rộng rãi các thành phần nhất là doanh nghiệp. "Làm gì thì làm cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên cả người lao động và doanh nghiệp", ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Sáng nay (20/9), Bộ Nội vụ đã có văn bản thống nhất chủ trương của Bộ LĐTBXH cho cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, từ ngày 25/1/2025 (tức 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2/2025 (mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Về đề xuất nghỉ lễ Quốc khánh, Bộ Nội vụ đồng tình phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 4 ngày, từ ngày 30/8/2025 đến hết ngày 2/9/2025.
Về nghỉ lễ ngày 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm sau, Bộ Nội vụ thống nhất phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày, từ ngày 30/4/2025 đến hết ngày 4/5/2025. Theo phương án này, cả nước thực hiện hoán đổi ngày làm việc thứ Sáu ngày 2/5/2025 sang thứ Bảy ngày 26/4/2025.
Bộ Nội vụ cũng thống nhất dự thảo văn bản gửi Thủ tướng, dự thảo Thông báo về việc nghỉ Tết m lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Bộ LĐTBXH hội xây dựng.
Trước đó, Bộ LĐTBXH đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và phương án nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cũng như ngày Quốc khánh 2/9 năm 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với người lao động khu vực Nhà nước. Với khu vực tư nhân sẽ tùy tình hình căn cứ lịch làm việc thực hiện theo.