Theo đó, sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
Nhằm phát triển kinh tế tập thể gắn với phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, theo Hội Nông dân TP.HCM, trong năm 2023, các cấp Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức tự hào về trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.
Hội Nông dân TP đã giải quyết vốn vay 250 triệu đồng cho 5 hộ đầu tư mở rộng sản xuất nghề se nhang; tặng 1 máy se nhang trị giá 17,5 triệu đồng; giới thiệu, hỗ trợ hộ dân ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề.
Đồng thời, Hội Nông dân TP đã hỗ trợ 90 cây bạt trải muối V250 (100 kp/cây) cho 36 hộ làm muối với số tiền 642 triệu đồng.
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các làng nghề, ngành nghề truyền thống tại các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo chuyên đề…
Thực hiện kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Hội Nông dân TP đặt ra mục tiêu, hàng năm, vận động từ 40% trở lên số hội viên đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã.
Đồng thời, mỗi cơ sở Hội thành lập mới ít nhất 1 mô hình kinh tế tập thể; Hội Nông dân TP.Thủ Đức và các huyện, quận mỗi đơn vị vận động thành lập mới 1 hợp tác xã, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã của TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Hiện, TP.HCM có 5 làng nghề, làng nghề truyền thống đang được tập trung bảo tồn và phát triển, gồm Làng nghề đan lát Thái Mỹ, Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Làng nghề muối Lý Nhơn, Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân và Làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi.