Trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới" ngày 16/9, và đặc biệt là bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ngày 18/9 tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo mang tính định hướng chiến lược về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Đảng lãnh đạo và cầm quyền
Người đứng đầu Đảng ta khẳng định đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu phải "không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng".
Lập luận mang tính biện chứng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã viện dẫn Cương lĩnh của Đảng; các văn kiện Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, của các Đại hội VIII, IX, X, XI và XII đều tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm về phương thức lãnh đạo của Đảng.
Và tiếp theo, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 28 ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Theo đó, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được khẳng định trong các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Đảng lãnh đạo đất nước thông qua hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; sự vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy nhà nước và thông qua công tác kiểm tra - giám sát.
Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên của Đảng chấp hành, thượng tôn pháp luật. Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước
Như vậy, trong mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước thì Đảng giữ vai trò lãnh đạo, cầm quyền thông qua đường lối, chủ trương và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhà nước giữ vai trò là cơ quan quyền lực của Đảng, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước thông qua bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương tới cơ sở và sử dụng quyền lực nhà nước để tác động đến các lĩnh vực đời sống xã hội, nhằm điều chỉnh, định hướng xã hội phát triển theo mục tiêu của Đảng đề ra.
Phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, khắc phục bệnh quan liêu, mệnh lệnh hành chính của Nhà nước và đề cao công tác giáo dục, thuyết phục, nêu gương, kiểm tra, giám sát. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối, chiến lược, chủ trương và chính sách lớn về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh… để Nhà nước thể chế hóa và tổ chức thực hiện.
Đồng thời, cũng trên cơ sở đó, kiện toàn, sắp xếp hệ thống bộ máy nhà nước bảo đảm Nhà nước thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hạn chế tính thụ động, ỷ lại vào cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng nhất định không can thiệp vào hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, không bao biện và không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền, song Đảng không sử dụng quyền để trực tiếp điều hành, quản lý xã hội mà Đảng thể hiện vai trò của mình trong quyết định chế độ chính trị, con đường, mục tiêu phát triển, quan điểm, nguyên tắc xây dựng đất nước.
Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là cơ quan công quyền thực hiện thống nhất quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước thực chất là mối quan hệ giữa lực lượng chính trị thống trị xã hội và bộ máy công quyền của lực lượng ấy.
Trước Ban Chấp hành Trung ương, người đứng đầu Đảng ta quyết liệt yêu cầu: "Về phương hướng, giải pháp chiến lược: phải chăng là tập trung hoàn thiện quan hệ sản xuất, trọng tâm là
(1)Tinh gọn bộ máy Tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
(2) đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiến lên;
(3) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính; Khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nhân dân.
Việc phân định rõ vai trò, quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong hệ thống chính trị còn là để khắc phục tình trạng lấn sân, bao biện, làm thay, đồng thời khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, quản lý, hoặc lộng quyền, lạm quyền, dân chủ quá trớn khi thể hiện vai trò, trách nhiệm và các quyền làm chủ của mỗi chủ thể trong hệ thống chính trị và đối với cả người dân.
Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách.
"V.I. Lênin đã dạy: "Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua". Thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng; thấm nhuần lời dạy của Tổng Bí thư Lê Duẩn "Phải lãnh đạo chặt chẽ và có nguyên tắc, không bao giờ lung lay trước những khó khăn, thử thách của cách mạng"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định.