Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhớ lối ứng xử tài tình theo đường lối "ngoại giao cây tre"

Quốc Phong Thứ năm, ngày 05/09/2024 09:30 AM (GMT+7)
Hôm nay (5/9) là vừa tròn 49 ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần (19/7/2024). Ông là nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta...
Bình luận 0

Thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần, tôi đã viết một bài báo chủ đề về "nghệ thuật ngoại giao cây tre" của Việt Nam - mà người có đóng góp lớn nhất cho đường lối ngoại giao này chính là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã biết vận dụng linh hoạt các nguyên tắc ngoại giao, ứng xử quốc tế từ các thế hệ tiền bối vào những hoàn cảnh thực tế của thời đại mới.

Hôm nay, tôi xin kể thêm một câu chuyện mà tôi đã từng được nghe để minh chứng rõ nét hơn về việc vận dụng tài tình, linh hoạt cách ứng xử, đối ngoại theo đường lối mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời với các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Cân bằng quan hệ ngoại giao với các nước lớn

Còn nhớ, khi nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều tại Thủ đô Ấn độ ngày 31/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá: Một trong những thành tựu nổi bật trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là “chỉ trong vòng 9 tháng qua, Việt Nam đã đón 3 nhà lãnh đạo lớn đến thăm với tình cảm chân thành gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin".

Đây chính là kết quả tất yếu của đường lối đối ngoại uyển chuyển, tích cực của chúng ta. Qua đó chúng ta càng cảm phục và nể trọng đường lối ngoại giao của Đảng ta nói chung và người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này – cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã rất kiên trì và uyển chuyển để nâng công tác ngoại giao lên đến tầm nghệ thuật.

Chúng ta đều nhớ, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã nâng tầm quan hệ ở mức là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau và vị thế luôn được củng cố, nâng tầm ngày một sâu sắc hơn. Việc có được những chuyển động tích cực như vậy và được nước bạn Trung Quốc tôn trọng trong vị thế bình đẳng quả thật không hề đơn giản.

Cần nhớ, chiều 20/7/2024, chỉ sau khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đúng 1 ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh để chia buồn với Đảng, Nhà nước ta và nhân dân Việt Nam.

Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhớ lối ứng xử tài tình theo đường lối "ngoại giao cây tre" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tại đây, ông Tập Cận Bình viết những dòng chia buồn tuy ngắn nhưng thật súc tích, cảm động: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc". Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thăm hỏi, chia buồn cùng Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai.

Trước đó, ngày 19/7, được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đã gửi điện/thư chia buồn. Xin trích một số nội dung trong bức điện/thư như sau:

Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc mất đi một người đồng chí tốt, anh em tốt, bạn bè tốt. Chúng tôi vô cùng thương tiếc gửi đến Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam lời chia buồn sâu sắc nhất và lời thăm hỏi chân thành nhất.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người đồng chí thân thiết và người bạn chân thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Nhân dân Trung Quốc, đồng chí đã kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai nước Trung - Việt, kết nên tình hữu nghị sâu sắc với Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người lãnh đạo Trung Quốc.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng Tổng Bí thư Tập Cận Bình nâng quan hệ Trung - Việt lên Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt không ngừng tiến lên phía trước. Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc sẽ mãi tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Phú Trọng…

Những lời này cho thấy sự tôn trọng đặc biệt và tình cảm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói riêng và Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung dành cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong công tác đối ngoại của Đảng ta, có những người thiếu thông tin đã hiểu lầm, thậm chí, có kẻ xấu còn dựng chuyện rằng Đảng ta "luôn bị lép vế trước các nước lớn". Trong thực tế, tuyệt nhiên không hề có những chuyện như vậy.

Để có được điều này là cả một quá trình, không phải chỉ bằng dăm mười năm quan hệ mà Đảng ta, đất nước ta đã có được, nhất là trong bối cảnh hai nước đã từng có những thời điểm lịch sử khá đặc thù: Khi thì thắm tình đồng chí, đoàn kết anh em láng giềng, lúc lại xảy ra căng thẳng, xung đột. Chúng ta hy vọng điều đó đã và sẽ mãi nằm trong quá khứ.

Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhớ lối ứng xử tài tình theo đường lối "ngoại giao cây tre" - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình trước khi bước vào cuộc hội đàm vào tháng 12/2023 tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát tư tưởng đó thành "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", kiên định nguyên tắc, nhưng sáng tạo, khôn khéo, linh hoạt về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Đó cũng chính là kết quả của việc vận dụng khéo léo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta nhiều thập kỷ qua.

Một điều đặc biệt nữa là trong nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng là lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, Đảng ta tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Người đứng đầu Đảng ta viết một cuốn sách riêng về công tác đối ngoại "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", thể hiện sâu đậm tầm vóc trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng góp vào phát triển tư duy, lý luận và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta.

Chính tư tưởng chủ đạo nói trên đã được thể hiện xuyên suốt trong cách tiếp cận của cố Tổng Bí thư qua việc ông luôn xử lý hài hòa, đúng đắn và hiệu quả quan hệ với các nước lớn, cộng thêm uy tín cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn trên thế giới, giúp giải quyết những vấn đề hết sức nan giải trong lĩnh vực đối ngoại, thể hiện qua những dấu ấn ngoại giao lịch sử mà Việt Nam đã đạt được.

Một “câu chuyện bên lề”

Nữ nhà báo Thu Hồng, phóng viên Đài PTTH Hà Nội, cũng là PV chuyên trách được tháp tùng Tổng Bí thư mới đây đã “bật mí” cho tôi câu chuyện chị được tận mắt chứng kiến trong chuyến công tác thăm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tháng 10/2011 trên cương vị Tổng Bí thư của đồng chí Nguyễn Phú Trọng – để thấy được tầm vóc một nhà ngoại giao tài ba của cố Tổng Bí thư.

Chính Tổng Bí thư đã kể lại cho nhà báo Thu Hồng về câu chuyện bên lề trong cuộc gặp riêng giữa ông và Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào.

Ông kể: "Lúc ấy anh (cách ông xưng hô với nữ nhà báo Thu Hồng - NV) vẫn không hiểu sao lại lạ như vậy! Lúc ông Hồ Cẩm Đào tiếp riêng anh, anh được phía bạn bố trí hai ghế rất sát nhau. Trong câu chuyện cả hai đề cập tới nhiều vấn đề lớn, nhưng ông Hồ Cẩm Đào thi thoảng 5 phút lại vỗ nhẹ vào đùi anh và nói khẽ với anh “ta gác lại chuyện Hoàng Sa, giờ xin bàn chuyện khác nhé!”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp câu chuyện với nữ nhà báo: “Mới đầu anh cũng không hiểu vì cả hai đang đề cập đến nhiều chuyện khác. Nhưng rồi anh hiểu ra và đáp lại cũng rất khẽ: Thì ta cứ theo đúng luật pháp quốc tế mà làm!”.

Vài phút sau, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào lại vỗ nhẹ vào đùi anh và nói khẽ với anh vẫn câu nói trên thì anh lại nhắc lại, vẫn bằng âm lượng rất nhẹ “Ta cứ theo luật pháp quốc tế mà làm!”.

Khoảng 5 lần đề cập như vậy trong suốt cuộc trò chuyện. Anh cứ nhẹ nhàng, chân thành, trọng thị, kiên định. Đó cũng là phong thái của đoàn Việt Nam ta trong suốt chuyến thăm đó.

Những kỷ niệm, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông luôn được hai bên nhắc lại. Anh cũng trao đổi chí tình với bạn: “Chúng ta là hai đất nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Làm gì thì cũng phải cân nhắc, thận trọng. Ứng xử mà không đúng người ta sẽ cười cho..." - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhớ lại kỷ niệm.

Chia tay, những ca khúc về tình hữu nghị của hai nước Việt Nam - Trung Hoa lại âm vang. Ai cũng thuộc và cùng hát sôi nổi…", nhà báo Thu Hồng khép lại câu chuyện, quay sang tôi khẽ khàng nói: Nghệ thuật "ngoại giao cây tre Việt Nam" có lẽ là như vậy chăng? 

Nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhớ lối ứng xử tài tình theo đường lối "ngoại giao cây tre" - Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Nguyễn Quốc Phong. Ảnh: DV

Trong câu chuyện trên ta thấy cả lối ứng xử tinh tế, uyển chuyển nhưng vẫn nhất quán, kiên định quan điểm, đó là nguyên tắc “trong nhu có cương”. 

Và rõ ràng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không hề lùi bước trong cuộc “đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia” trước một nước láng giềng lớn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mục tiêu ông luôn hướng đến và cũng là mục tiêu xuyên suốt sự nghiệp là sự ổn định của quốc gia, sự tôn trọng lẫn nhau và mong muốn hoà bình, hữu nghị bền vững với tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

Việc đấu tranh bằng luật pháp quốc tế về chủ quyền biển đảo có thể là chuyện của rất nhiều chục năm nữa và cũng sẽ còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Song không vì thế mà hôm nay chúng ta được phép bỏ cuộc.

Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta, là ý nguyện chính đáng, nhất quán của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem