Tại huyện Mường La, do ảnh hưởng của mưa lớn, bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến xuất hiện các vết nứt có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng tới 70 hộ thuộc cụm dân cư Nà Sàng, trong đó có 15 hộ phải di dời khẩn cấp.
Bản Co Sủ Dưới, xã Chiềng Công có 17 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cần di dời khẩn cấp và 1 nhà văn hóa, 1 nhà lớp học có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Bản Chom Cọ, xã Tạ Bú có 28 hộ, 142 nhân khẩu có nguy cơ sạt lở, trong đó có 7 hộ, 48 nhân khẩu có nguy cơ sạt lở cao, cần di dời khẩn cấp.
Lãnh đạo UBND huyện Mường La thông tin, để chủ động ứng phó với thiên tai, huyện đã thành lập đoàn công tác đến kiểm tra, xác minh và đề xuất các phương án khắc phục để nhân dân ổn định đời sống. Đối với bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện đang chỉ đạo xã huy động lực lượng di chuyển khẩn cấp các nhà có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Chỉ đạo xã Chiềng Công thành lập tổ trực tuyên truyền, vận động, giám sát tình hình nhân dân di chuyển đến vị trí an toàn; trước mắt lắp 10 nhà bạt để di dời 17 hộ có nguy cơ sạt lở cao đến vị trí an toàn. Chỉ đạo xã Tạ Bú di chuyển các hộ ở bản Chom Cọ bị ảnh hưởng đến xen ghép tại khu Nong Cốp, bản Chom Cọ.
Bên cạnh đó, huyện đang rà soát trình tỉnh phê duyệt dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai khẩn cấp cho các hộ thuộc cụm dân cư Nà Sàng, bản Mường Chiến. Đề xuất với tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn sạt lở đất trên địa bàn xã Chiềng Công; bổ sung khẩn cấp dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Co Sủ Dưới, xã Chiềng Công và bản Chom Cọ, xã Tạ Bú.
Còn tại huyện Sông Mã, thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, do mưa lớn kéo dài, trên khu vực đỉnh đồi cách bản Nà Mện, xã Nậm Ty khoảng 700m có xuất hiện vết nứt có chiều rộng 40cm, chiều dài khoảng 60m, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của 66 hộ dân, 344 nhân khẩu. Huyện Sông Mã đã khẩn cấp di dời 66 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện Sông Mã đã thành lập đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND huyện Lò Văn Sinh làm Trưởng đoàn, cùng các cơ quan, đơn vị của huyện, UBND xã Nậm Ty, Ban Quản lý bản Nà Mện và các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đi kiểm tra thực địa.
Đoàn công tác đã xây dựng phương án tái định cư và khảo sát địa điểm an toàn xây dựng lán trại tạm thời cho các hộ dân. Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện di dời khẩn cấp các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở. Tuyên truyền người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
UBND huyện Sông Mã đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề xuất triển khai Dự án sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Nà Mện, xã Nậm Ty. Dự án nhằm bố trí, sắp xếp di chuyển, tái định cư tập trung cho 66 hộ dân, 344 nhân khẩu, 1 điểm trường tiểu học, 1 Nhà văn hóa bản Nà Mện ra khỏi vùng sạt lở đất, đá.
Đồng thời, xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu gồm có san nền nhà, hệ thống đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cấp điện sinh hoạt, hệ thống cấp nước sinh hoạt để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân. Dự kiến, nhu cầu kinh phí đầu tư hơn 54 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại khu vực bản Huổi Cói, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã cũng đã đề xuất UBND tỉnh triển khai Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Huổi Cói cho 57 hộ dân, 314 nhân khẩu. Tuy nhiên, đợt mưa lớn từ ngày 12-20/9 tại bản Huổi Cói đã có thêm 32 hộ dân, 165 nhân khẩu thuộc diện có nguy cơ sạt lở. Các hộ đều có nguyện vọng di dời theo dự án sắp xếp dân cư tập trung.
Do đó, huyện Sông Mã đề xuất UBND tỉnh cho triển khai dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Huổi Cói để bố trí tái định cư tập trung cho 89 hộ dân, 479 nhân khẩu. Dự kiến nhu cầu kinh phí đầu tư khoảng 69 tỷ đồng.
Trước những diện biến phức tạp của thời tiết, hiện nay các địa phương của tỉnh Sơn La đang khẩn trương rà soát các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, chủ động di dời người dân đến nơi an toàn; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các địa phương chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Vận động các gia đình trong vùng thường hay xảy ra bão lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác, đảm bảo cuộc sống dài ngày khi có bão, lụt; huy động các lực lượng dân quân cơ động chuẩn bị các phương tiện để vận chuyển lương thực đến phục vụ nhân dân bị do thiên tai.
Phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai luôn được Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Sơn La và các địa phương trong tỉnh tuân thủ thực hiện, đảm bảo sẵn sàng chủ động ứng phó, xử lý sự cố thiên tai có thể xảy ra ở các địa phương bất kỳ thời điểm nào.