Bà Frederiksen cho rằng NATO nên bỏ qua phản ứng tiềm tàng của Nga đối với các cuộc tấn công tầm xa được đề xuất bằng vũ khí phương Tây. Bà lập luận rằng việc thảo luận công khai về việc các nước NATO nên đi xa đến đâu để đánh bại Nga chỉ càng làm lợi cho Moscow.
Là người ủng hộ mạnh mẽ Kiev, bà Frederiksen trả lời Bloomberg TV đã nói rằng NATO nên cấp phép bất chấp phản ứng của Moscow.
"Giới hạn quan trọng nhất đã bị vượt qua rồi. Đó là khi người Nga vào Ukraine" - bà nói với kênh này vào cuối tuần qua. "Vì vậy, tôi sẽ không chấp nhận tiền đề này, và tôi sẽ không bao giờ để bất kỳ ai từ Nga quyết định điều gì là đúng đắn trong NATO, ở châu Âu hoặc ở Ukraine".
"Có rất nhiều cuộc thảo luận về việc – chúng ta có được phép cung cấp điều này không?" - Thủ tướng Đan Mạch lưu ý, trong khi chỉ trích sự do dự của phương Tây đối với viện trợ quân sự. "Tôi nghĩ rằng các hạn chế về việc sử dụng vũ khí nên được dỡ bỏ".
"Đề xuất của tôi là, hãy chấm dứt cuộc thảo luận về các giới hạn," bà kêu gọi. "Thật sai lầm khi trong cuộc chiến này có cuộc thảo luận công khai về các giới hạn," vì điều đó "chỉ đơn giản là trao cho người Nga một quân bài quá tốt".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này để trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình. Kiev đang vận động Washington cho phép các cuộc tấn công tầm xa bằng vũ khí phương Tây đã được quyên góp, nhằm vào sâu trong lãnh thổ Nga, điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho rằng sẽ là hành động chiến tranh của NATO với Nga.
Trả lời phỏng vấn báo chí trong khi đang ở Mỹ, ông Zelensky cho rằng cuộc chiến đang đến hồi kết thúc và kêu gọi phương tây củng cố sức mạnh cho Ukraine trong giai đoạn quan trọng này.
Moscow đã tránh đề cập cụ thể khi mô tả phản ứng của mình đối với các cuộc tấn công tiềm tàng, trong khi các quan chức Nga tuyên bố rằng sự ủy quyền như vậy đã được cấp trong những cuộc họp kín. Một khả năng mà ông Putin đưa ra là cung cấp các khả năng quân sự tương tự của Nga cho những kẻ thù của phương Tây, những người sẽ tự do sử dụng chúng.
Chính phủ Nga coi cuộc xung đột Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ khởi xướng và là một mối đe dọa sinh tử đối với đất nước, điều này theo học thuyết quân sự của Nga có thể biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đan Mạch, quốc gia gia nhập NATO vào năm 1949 như một thành viên sáng lập, hiện là một phần của "liên minh F-16" để cung cấp máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất cho Ukraine và đào tạo các phi công của nước này. Chính phủ Frederiksen không cấm Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng các máy bay do Copenhagen viện trợ, trong khi thành viên khác là Bỉ lại cấm việc này.