Dân Việt

"Nhận lương tốt" chục triệu mỗi tháng nhưng người dân nuôi tằm một xã ở Lâm Đồng “sợ” loại bệnh này

Văn Long 25/09/2024 05:47 GMT+7
Mặc dù nghề trồng dâu, nuôi tằm đang mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho người dân thôn Tân Thuận (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) nhưng người nuôi tằm đang lo ngại bệnh tiêu chảy trên tằm khiến sản lượng kén giảm từ 20-50%.

Thu nhập cao từ nuôi tằm

Có mặt tại xã Tân Văn, phóng viên được bà La Hoàng Quyên - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Tân Thuận dẫn đi tham quan các mô hình trồng dâu, nuôi tằm của người dân địa phương. Bà Quyên cho hay, đời sống người dân thôn Tân Thuận khoảng 10 năm nay đã đổi thay rõ rệt nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Có thu nhập chục triệu mỗi tháng nhưng người dân đang “sợ” loại bệnh này trên con tằm - Ảnh 1.

Những cánh đồng trồng lúa trước kia tại thôn Tân Thuận được thay vào những vườn trồng dâu để nuôi tằm.

Ghi nhận của phóng viên, tại thôn Tân Thuận, trước đây người dân chủ yếu trồng lúa nước, vì vậy thu nhập của người dân còn khá thấp. Tuy nhiên, gần đây, người dân đã học hỏi nhau cách trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập ổn định từ 10-20 triệu đồng mỗi tháng. Trong thôn Tân Thuận có đến 80% người dân làm nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Trao đổi với phóng viên, anh Quàng Thanh Trường (dân tộc Thái, 37 tuổi, thôn Tân Thuận, xã Tân Văn) cho hay: Trước đây, với 6.000m2 đất, mỗi năm gia đình anh chỉ trồng được một vụ lúa do thiếu nước tưới nên chỉ đủ ăn, không có dư. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, anh đã chuyển đổi diện tích trên sang trồng dâu, nuôi tằm để phát triển kinh tế.

Có thu nhập chục triệu mỗi tháng nhưng người dân đang “sợ” loại bệnh này trên con tằm - Ảnh 2.

Anh Quàng Thanh Trường hái dâu để nuôi tằm tại vườn của mình.

"Với 6.000m2 đất trồng dâu, mỗi tháng tôi nuôi được 2 hộp tằm gối đầu. Mỗi lứa tằm nuôi trong 15-17 ngày sẽ cho thu hoạch kén. Mỗi tháng tôi thu được 100kg kén, giá kén khoảng 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi có thu nhập khoảng 15 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Công việc nuôi tằm lại khá nhàn, chỉ tập trung khoảng 1 tuần tằm ăn rỗi, nếu trời mưa thì hơi vất vả một chút thôi. Nhưng cũng nhờ trồng dâu, nuôi tằm mà tôi có điều kiện để nuôi hai con ăn học ổn định", anh Trường chia sẻ.

Có thu nhập chục triệu mỗi tháng nhưng người dân đang “sợ” loại bệnh này trên con tằm - Ảnh 3.

Bà La Hoàng Quyên cho biết, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã thay đổi cuộc sống nhiều hộ gia đình trong thôn.

Trong khi đó, bà Voòng Thanh Lan (59 tuổi, dân tộc Hoa, thôn Tân Thuận, xã Tân Văn) cho hay, gia đình bà nuôi tằm đã được gần 20 năm nay. Mỗi tháng gia đình bà nuôi được 4 hộp tằm, thu hoạch được khoảng 200kg kén. Với mức giá 200.000 đồng/kg kén như hiện nay, mỗi tháng gia đình bà Lan có thu nhập từ 20-30 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Nhờ trồng dâu, nuôi tằm mà gia đình bà Lan đã mua được thêm 2.000, 3.000 rồi đến 1ha đất như hiện nay.

Bà Lương Nữ Hoài Thanh - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Văn cho hay, khu vực thôn Tân Thuận trước đây chủ yếu trồng lúa 1 vụ/năm và một số diện tích trồng cà phê. Nhiều năm gần đây, việc chuyển diện tích trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm đã giúp cho người dân địa phương có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Lo ngại bệnh trên tằm

Mặc dù những năm qua, người dân tại thôn Tân Thuận đã và đang có thu nhập ổn định nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm. Thế nhưng, 1 năm trở lại đây, tình trạng bệnh tiêu chảy vào những ngày ăn rỗi đã xuất hiện nhiều hơn khiến cho người dân nuôi tằm bị thất thu.

Có thu nhập chục triệu mỗi tháng nhưng người dân đang “sợ” loại bệnh này trên con tằm - Ảnh 4.

Bà Voòng Thanh Lan phun thuốc để trị bệnh cho lứa tằm của mình bị tiêu chảy.

Ông Chu A Hải (50 tuổi, người dân tộc Hoa) cho biết, trong vòng 1 năm qua, người dân tại thôn Tân Thuận đã nhiều người phải đổ bỏ tằm khi gần đến ngày quấn kén vì tằm bị bệnh tiêu chảy. Mặc dù người dân đã đến các cửa hiệu chuyên bán thuốc trị bệnh cho tằm mua thuốc về chữa cũng không hết bệnh.

"Những ngày tằm ăn tư thì rất đẹp, nhưng đến khi tằm ăn rỗi, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là cho thu hoạch là lại bị tiêu chảy. Mình hỏi các nhà ươm tằm về việc tằm bị triệu chứng như vậy thì chữa trị thế nào, họ chỉ đủ thứ thuốc nhưng cũng không khỏi.

Thậm chí, chúng tôi đã thay đổi các cửa hàng bán tằm khác nhau để xem có cải thiện được tình hình không nhưng tằm vẫn không hết bệnh. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ chắc là do con giống tằm mà thôi. Người dân chúng tôi mong Nhà nước xem xét để cung cấp giống tằm chuẩn giúp người dân nuôi tằm nuôi đạt năng suất, không bị thiệt hại", ông Chu A Hải cho hay.

Có thu nhập chục triệu mỗi tháng nhưng người dân đang “sợ” loại bệnh này trên con tằm - Ảnh 5.

Ông Hải cho biết, có lứa tằm phải đổ bỏ 100% vì tằm bị bệnh tiêu chảy.

Người dân thôn Tân Thuận cho hay, tằm bị tiêu chảy có triệu chứng thải ra phân dây, có nước và nhớt màu vàng. Ngoài ra, khi người nuôi bỏ lá dâu cho tằm ăn thì tằm sẽ bò lên trên lá, không chịu ăn. Những con tằm bị như vậy dần dần sẽ còi, không lớn được, không quấn kén. Người dân nuôi tằm cũng cho biết, tỷ lệ tằm bệnh không cố định nhưng hầu như đợt nuôi nào cũng có, từ 20 – 50%, có khi lên đến 100%.

Có thu nhập chục triệu mỗi tháng nhưng người dân đang “sợ” loại bệnh này trên con tằm - Ảnh 6.

Tằm bị bệnh thường có triệu chứng thải ra phân dây, có nước và nhớt màu vàng.

Trong khi đó, ông Sỳ Lỷ Sầu (54 tuổi, dân tộc Hoa tại thôn Tân Thuận) cho hay, trước đây tình trạng tằm bị bệnh lâu lâu mới xuất hiện một lần. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, tằm bị bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù người dân dùng đủ các loại thuốc nhưng vẫn không thể chữa được.

Vừa cho lứa tằm con ăn, ông Sỳ Lỷ Sầu nói: "Tằm bị bệnh có nhiều nhà đổ bỏ luôn, nhưng nhà tôi vẫn ráng nuôi để được bao nhiêu kén thì tốt bấy nhiêu. 1 hộp kén nếu nuôi đạt thì sẽ thu được khoảng 50-60kg kén, nhưng nếu bị bệnh mình ráng nuôi thì sẽ vớt vát được khoảng 20-30kg kén, sản lượng giảm đến 50%".

Có thu nhập chục triệu mỗi tháng nhưng người dân đang “sợ” loại bệnh này trên con tằm - Ảnh 7.

Ông Sỳ Lỷ Sầu cho tằm ăn, ông đã làm nghề này hàng chục năm qua.

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000ha dâu phục vụ nuôi tằm. Mỗi năm, địa phương có nhu cầu 350.000-400.000 hộp giống tằm phục vụ sản xuất. Phần lớn, nguồn giống tằm được nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. Trong đó, sản lượng kén tằm đạt 15.000 tấn, chiếm 80% kén của cả nước.