Dân Việt

Hòa Bình: Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3

PV Tây Bắc 24/09/2024 21:58 GMT+7
Ngày 24/9, Đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3 tại địa bàn các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy và Lạc Thủy.

Theo đó đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh đã kiểm tra thực tế tại xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn - nơi có 105 ha lúa bị mất trắng sau khoảng nửa tháng ngập sâu trong nước. 

Theo báo cáo của UBND huyện Lương Sơn, do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây ra thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, hoa màu trên địa bàn huyện, tổng giá trị thiệt hại gần 12 tỷ đồng. Trong đó, toàn huyện có trên 390 ha lúa bị ngập, úng, nhiều nhất là tại các xã: Cao Dương (290,5 ha), Thanh Cao (109,61 ha), Liên Sơn (67,6 ha). Diện tích hoa màu bị thiệt hại gần 152 ha, cây lâm nghiệp trên 252 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện ghi nhận 2.360 con gia súc, gia cầm bị chết; 14,3 ha ao cá thiệt hại.

Hòa Bình: Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3 - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đã kiểm tra thực tế tại xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn - nơi có 105 ha lúa bị mất trắng sau khoảng nửa tháng ngập sâu trong nước. Ảnh: Đào Hoài.

Tại huyện Kim Bôi, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công trình đập chứa nước xóm Sào Đông và khu sản xuất bị ngập úng tại xóm Đồi Bổi của xã Sào Báy. Theo báo cáo của UBND huyện Kim Bôi, thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện ước trên 17,5 tỷ đồng. Trong đó, có 2 người chết, 1 người bị thương; 383 hộ dân phải sơ tán, 184 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở. Mưa lớn kéo dài đã gây ra những thiệt hại lớn đối với các cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Về sản xuất nông, lâm nghiệp, toàn huyện bị thiệt hại trên 1.624 ha. Trong đó, các xã bị thiệt hại nặng nhất, như: Hùng Sơn (135 ha); Xuân Thủy (140 ha); Kim Lập (335 ha); Kim Bôi (132 ha); Cuối Hạ (131,2 ha). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có trên 2.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 450 tổ ong lấy mật bị thiệt hại.

Hòa Bình: Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3 - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình kiểm tra tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra và khôi phục sản xuất của người dân tại xã Sào Báy, huyện Kim Bôi. Ảnh: Đào Hoài.

Qua ghi nhận thực tế, đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh đề nghị các huyện rà soát lại số liệu báo cáo nhanh về thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, cũng như phân loại mức độ thiệt hại, thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người dân. Cùng với đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa để chuẩn bị đất gieo trồng vụ đông.

Đoàn công tác lưu ý, cuối năm là thời điểm thu hoạch của nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như mía và cây ăn quả có múi nên cần tập trung các giải pháp chăm sóc cuối vụ, hỗ trợ xúc tiến để nâng cao giá trị nông sản. Vào trung tuần tháng 10, chính quyền địa phương và người dân cần chú ý đến những trận mưa cuối vụ; thực hiện điều tiết nước, giữ nước để phục vụ sản xuất cho vụ xuân sắp tới.

Hòa Bình: Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất sau bão số 3 - Ảnh 3.

Đoàn công tác kiểm tra điểm sạt lở tại xóm Mền Liên Kết, xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy. Ảnh: Lâm Hoài.

Tại huyện Yên Thủy, do ảnh hưởng của bão số 3, huyện đã tiến hành sơ tán 97 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trên địa bàn huyện có 8 nhà ở bị sạt lở đất, tốc mái, nguy cơ sập đổ; 9 công trình phụ bị hư hỏng, tốc mái; 1.871 ha cây trồng bị gãy đổ, ngập úng. Toàn huyện thiệt hại 481 ha hoa màu, 85,3 ha cây ăn quả và cây lâu năm, 72,7 ha rừng; nước lũ cuốn trôi 8 con lợn, 1.500 gia cầm. Ngoài ra, sạt lở 10 điểm giao thông; 4 điểm trường và hư hỏng một số công trình thủy lợi, cột điện… Ước tổng giá trị thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Tại huyện Lạc Thủy, huyện đã di dời 229 hộ đến nơi an toàn. Trong huyện có 12 nhà bị tốc mái, cây đổ vào nhà, 472 nhà bị ngập, 13 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Các địa phương thiệt hại trên 405 ha lúa, 163 ha cây hàng năm, 132 ha rau màu; khoảng 213 ha cây lâm nghiệp và trên 43 ha cây ăn quả đổ gãy. Về chăn nuôi thiệt hại 3.000 con gia cầm; 171 ha thủy sản. Mưa lũ đã vùi lấp 1 nhà vận hành công trình thủy lợi; vỡ, sụt lún một số kênh mương, đập. Về giao thông hư hỏng trên 7,6 km, ngập úng 24 điểm. Thiệt hại đổ tường bao, một số công trình giáo dục, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Sau bão cả huyện có 52 điểm nguy cơ sạt cao, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Ước giá trị thiệt hại toàn huyện trên 18,6 tỷ đồng.

Các huyện đề xuất với tỉnh hỗ trợ ổn định dân cư cho các hộ trong vùng thường xuyên ngập lụt. Hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình hư hỏng và hỗ trợ cây, con giống khôi phục sản xuất; xử lý điểm có nguy cơ sạt lở...

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác của Sở NNPTNT tỉnh đề nghị tại các điểm có nguy cơ sạt lở, địa phương nghiên cứu kỹ phương án hạ cốt ở những đồi có độ dốc không cao. Đảm bảo thuận tiện sinh sống và an toàn cho các hộ. Cắm biển báo nguy hiểm ở những điểm có nguy cơ sạt lở. Di dời khẩn cấp những hộ dân dưới chân đồi đang có hiện tượng nứt, lún như tại xóm Rộng, xã Hữu Lợi (Yên Thủy). Tại các điểm có nguy cơ cao và ảnh hưởng đến công trình khác như công trình đường dây 500kv ở thôn Hồng Phong 3, xã Yên Bồng (Lạc Thủy) thì triển khai phương án thu hồi tái định cư, di chuyển các hộ đến nơi an toàn. Đoàn công tác đề nghị các huyện thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại do mưa lũ gây ra.