BYD là hãng ô tô đang có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới dù mới thực sự gia nhập cuộc đua xe năng lượng mới từ năm 2020. Đặc biệt, năm 2023, BYD đạt doanh số kỷ lục với 3.024.417 chiếc bán ra, tăng trưởng 62,3% so với năm 2022 (1.863.494 xe).
Vậy thành công của BYD đến từ đâu và lý do BYD tự tin cạnh tranh đường dài tại Việt Nam?
Xuất phát điểm từ một công ty chuyên sản xuất pin từ năm 1995 và cung cấp cho các hãng điện thoại nổi tiếng như Motorola, Nokia từ năm 1995, BYD đã "lấn sang" sang sản xuất ô tô từ năm 2008. Đến năm 2020, BYD sản xuất các dòng ô tô năng lượng mới, đặc biệt xe thuần điện với doanh số tăng trưởng mạnh mẽ sau gần 4 năm và mở rộng ra nhiều thị trường quốc tế và Việt Nam là điểm đến mới nhất.
Nhờ lợi thế là nhà sản xuất pin nên BYD làm chủ nhiều công nghệ, bằng sáng chế pin ứng dụng thực tiễn trong sản xuất ô tô. Trog đó, pin Blade hiện đang ứng dụng trên xe điện BYD là sự khác biệt so với nhiều loại pin khác trên thị trường.
Theo nhà sản xuất thử nghiệm, khi dùng vật nhọn đâm qua pin Blade sẽ không có bất cứ hiện tượng gì xảy ra. Trong khi đó, thử nghiệm tương tự, các loại pin thường đã phát nổ. Điều đó cho thấy sự an toàn của pin Blade khi được ứng dụng vào xe ô tô điện nhằm hạn chế cháy nổ khi xảy ra va chạm.
Thử nghiệm đâm vật nhọn vào pin thường và pin Blade của BYD.
Để có được loại pin chất lượng như Blade, quy trình sản xuất sẽ phải trải qua 8 giai đoạn chính gồm:
● Trộn bùn anode: Các vật liệu cần thiết gồm graphite, nước siêu tinh khiết, chất kết dính dẫn điện và các chất kết dính khác được đưa vào máy để trộn, lọc và khử từ.
● Phủ: Hỗn hợp sau khi được trộn sẽ chuyển sang giai đoạn phủ. Lò nung của FinDreams Battery là lò nung dài nhất châu Á với chiều dài lên đến 70 m. Trong quá trình phủ, hệ thống camera CCD với độ chính xác cao sẽ kiểm qua và nhận biết được độ dày của toàn bộ các đường điện cực.
● Cán: Giai đoạn này giúp xử lý tình trạng biến dạng của vật liệu graphite sau khi nung. Quá trình cán được thực hiện trong 2 lần để đạt được độ dày tiêu chuẩn 128 µm.
● Xếp chồng: Các cell pin được sắp xếp chồng lên nhau để tạo thành một bộ pin hoàn chỉnh.
● Lắp ráp: Sau khi đã hoàn tất việc xếp chồng, bộ pin sẽ bắt đầu được lắp ráp. Các quy trình trong giai đoạn lắp ráp gồm hàn, bọc và luồng pin vào vỏ. Khi đã hoàn thành, cell pin sẽ được kiểm tra rò rỉ bằng Helium.
● Nung nóng: Pin sẽ được nung trong 6-8 giờ ở nhiệt độ 100 độ C để loại bỏ độ ẩm dư thừa bên trong cell pin.
● Bơm chất điện phân: Chất điện phân được bơm vào các cell pin và bịt kín bằng đinh cao su.
● Kiểm tra: Đây là bước cuối cùng để đảm bảo tất cả sản phẩm pin Blade được đưa ra thị trường đều đáp ứng các tiêu chuẩn.
Hiện nay, BYD có 30 nhà máy sản xuất pin ở Trung Quốc, trong đó nhà máy Nhà máy FinDreams Battery tại quận Bình Sơn có diện tích khoảng 1 triệu m2 và đang có khoảng 17.000 nhân viên làm việc ở đây.
Môi trường sản xuất trong nhà máy đạt tiêu chuẩn cao với nhiều trang thiết bị do BYD tự phát triển với 18 cơ sở sản xuất và 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển, tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD. Năng lực sản xuất của nhà máy đạt 200 GWH vào năm 2022. Theo kế hoạch phát triển và mở rộng, nhà máy dự kiến đạt khả năng sản xuất 550 GWH vào năm 2025.
Hiện tại, nhà máy đang tập trung vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm:
● Pin 3C Battery
● Pin Power Battery
● Lưu trữ năng lượng
● Các ngành công nghiệp mới
Viện nghiên cứu FinDreams Battery hiện có hơn 400 tiến sĩ đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới, hơn 7.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển và hơn 6.600 đơn xin cấp bằng sáng chế. Viện nghiên cứu đã đạt được những thành tựu trong việc nghiên cứu vật liệu, phát triển cell pin và tích hợp thông minh.
Ngoài nhà máy pin Blade, trụ sở chính của BYD cũng gây ấn tượng khi được mệnh danh là "Khu công nghiệp không phát thải carbon"được đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc với diện tích hơn 706.000 m2 đi vào hoạt động năm 2007. Trụ sở chính BYD gồm nhiều khu vực với chức năng khác nhau như phòng thử nghiệm, phòng nghiên cứu và phát triển, khối văn phòng…
Các dòng xe năng lượng mới của BYD đã và sắp bán ở Việt Nam không chỉ gây ấn tượng với công nghệ Blade Battery mà còn là nền tảng e-Platform 3.0 dành riêng cho xe điện do BYD phát triển cũng như công nghệ CTB (Cell To Body), hệ thống kiểm soát thân xe DiSus...
Theo đó, 3 dòng xe tiếp theo mà BYD sẽ trình làng ở Việt Nam sẽ gia nhập nhiều phân khúc đang được khách hàng quan tâm.
Cụ thể, BYD Han là mẫu xe thương mại đầu tiên của hãng được trang bị pin Blade, mang đến khả năng vận hành ấn tượng và an toàn, quãng đường di chuyển sau một lần sạc đầy lên đến 610 km (CLTC). Xe sở hữu nhiều công nghệ hiện đại như mở khóa bằng thẻ NFC, hệ dẫn động 4 bánh AWD, hệ thống lọc không khí PM2.5… Không dừng lại ở đó, BYD HAN còn có hệ thống hỗ trợ lái xe thông minh DiPilot với các tính năng kiểm soát hành trình thích ứng, cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo lệch làn đường, nhận diện biển báo giao thông…
BYD M6 là chiếc xe đa dụng mới nhất hướng đến nhóm khách hàng gia đình với hàng loạt tiện nghi ấn tượng, thiết kế bắt mắt. Tiện nghi của xe nội bật với màn hình giải trí trung 12,8 inch với khả năng xoay linh hoạt, hệ thống lọc không khí PM2.5, cửa gió điều hòa cả 3 hàng ghế, phanh tay điện tử… BYD M6 trang bị động cơ điện 120 kW đặt ở cầu trước, đi kèm là bộ pin Blade 55,4 kWh. Phạm vi di chuyển tối đa sau mỗi lần sạc đầy là 420 km (NEDC).
BYD Tang cùng phân khúc với Hyundai Santa Fe, Ford Everest với thiết kế hiện đại. Tại Trung Quốc, BYD Tang được trang bị pin lên đến 90,3 kWh và ở bản cao cấp là 108,8 kWh, có thể di chuyển tới 635km mỗi lần sạc đầy.