Dân Việt

Ký ức Hà Nội: Lược sử nghìn năm của Thủ đô viết qua tên phố

Thiên Việt (Hà Nội) 27/09/2024 12:37 GMT+7
Hà Nội là như vậy, mỗi tên phố, mỗi con đường đều mang theo ký ức lịch sử, chiến công hào hùng, hay tên tuổi cha ông trong 4.000 năm dựng nước và giữ nước.

Những con phố nhỏ dài có lá me bay, những gốc sấu trăm tuổi già nua suy tưởng, các đại lộ hiện đại rộng mênh mông của Thủ đô đều mang trong nó những ký ức và dấu vết lịch sử. Tên của phố là tên các danh nhân, danh tướng, anh hùng dân tộc, nhà văn hoá, kinh tế v.v… đã tham gia công cuộc dựng nước và giữ nước trong bốn nghìn năm. Đặc biệt có từng cặp, nhóm phố hoặc cùng thời đại, hoặc cùng dòng họ, hoặc cùng huyết thống (cha và con, ông cháu, bố vợ con rể…).

Những tuyến phố Thủ đô có "cùng huyết thống"

Đầu tiên là nhóm phố mang tên những bậc tiền nhân dựng nước: Phố Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, An Dương Vương… Các tuyến phố này, nằm cạnh nhau ở Tây Bắc thành phố, như nhắc nhở công lao dựng nước không thể quên của cha ông.

Đặc biệt vùng này còn có rất nhiều chùa cổ như chùa Kim Liên, được xây dựng từ thời Trần, thời mà Phật giáo phát triển rất mạnh.

Cụm phố huyết thống dòng họ có tám trường hợp. Có cặp ba phố mang tên ông, cha và cháu duy nhất đó là: phố Trần Thái Tông – ông vua đầu tiên của nhà Trần, vua con là phố Trần Thánh Tông – có công đánh quân Nguyên – Mông lần 1, phố Trần Nhân Tông – cháu – đánh quân Nguyên – Mông hai lần và khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông còn được gọi là Phật Hoàng vì đang làm vua thì bỏ đi tu. Sau chiến thắng quân Nguyên – Mông, triều đại nhà Trần đã mở ra một thời đại thịnh trị, phát triển văn hoá – kinh tế cho đất nước.

Một cặp phố ông - cháu cũng rất nổi tiếng trong hoàng tộc là phố Lê Thái Tổ và phố Lê Thánh Tông. Năm 1460, triều đình có biến. Tướng Nguyễn Xí đưa quân về dẹp loạn, rồi phò tá hoàng tử Tư Thành lên ngôi, mở ra một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hoá - kinh tế - quân sự cho đất nước, được gọi là thời Hồng Đức. Cuộc đời tướng Nguyễn Xí (quê Nghi Lộc – Nghệ An) đã hai lần phò vua, lần đầu giúp Lê Lợi đánh giặc Minh, lần sau là Lê Thánh Tông, nên về già ông được phong chức Thái sư Cương Quốc Công, và vua Lê Thánh Tông tặng 8 chữ: "Bình Ngô khai quốc, tịnh nạn trung hưng". 

Một cặp bốn phố đặc biệt mang tên của ông, con rể, cháu ngoại và cháu nội. Họ đều là những danh tướng và nhà văn hoá lớn của dân tộc. 

Ông là đại thần Trần Nguyên Đán, văn võ toàn tài, có gia thế khủng là cháu 4 đời của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, giữ chức vụ Tư Đồ. Ở Côn Sơn có đền thờ ông nằm bên trái đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi. Con rể ông là Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi, hiện có tên phố tại Thanh Trì. Vì sao lại có tên phố ở đây? 

Vì Nguyễn Phi Khanh vốn quê ở Chí Linh (Hải Dương) nhưng về sau chuyển về sống tại huyện Thanh Trì. Chúng ta đều biết chuyện Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa về Trung Quốc. Nguyễn Trãi theo lên tới Mục Nam Quan. Bố quay lại dặn con: "Con là người có tài. Hãy quay về cứu nước". Nguyễn Trãi nuốt nước mắt trở về. 

Sau Nguyễn Phi Khanh chết ở Trung Quốc. Khi giặc Tàu đại bại. Tướng giặc là Vương Thông được Nguyễn Trãi tha tội chết, nên về Trung Quốc tìm được mộ Nguyễn Phi Khanh đưa sang để cảm ơn. Nguyễn Trãi đã chôn Nguyễn Phi Khanh trên Yên Tử, bên cạnh rừng thông xanh biếc. 

Hai cháu nội và cháu ngoại kiệt suất của ông Trần Nguyên Đán là danh nhân văn hoá, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn. Họ là anh em con cô con cậu. Tướng Trần Nguyên Hãn đánh nhiều trận, trong đó trận lớn nhất là trận Xương Giang, được Nguyễn Trãi mô tả trong Bình Ngô Đại Cáo "Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước". Sau chiến thắng, ông được Lê Lợi phong chức Tả Tướng Quốc.

Tiếp đến là hai cặp phố cha-con Nguyễn Cảnh Chân – Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Tất – Đặng Dung đều là tướng đời hậu Trần, phò tá Giản Định Đế và Trùng Quang chống quân Minh, nhưng sự nghiệp không thành nên phải tuẫn tiết vì nước.

Thời chống Pháp có cặp phố cha-con Lương Văn Can và Lương Ngọc Quyến. Lương Văn Can là danh nhân văn hoá, sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị Pháp bắt đi tù một thời gian. Con là Lương Ngọc Quyến, chí sĩ Việt Nam thời cận đại. Ông tham gia phong trào Đông Du, sang Nhật học quân sự. Trở về, ông bị Pháp bắt giam ở nhà tù Thái Nguyên. Tại đây ông đã binh vận được Đội Cấn (tức Trịnh Văn Cấn) tham gia khởi nghĩa ở Thái Nguyên. Khởi nghĩa thất bại và ông nhận án tử hình.

Thời Cần Vương có ba cha-con cùng có tên phố: Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đàm. Tôn Thất Thuyết là phụ chính đại thần Thượng thư bộ binh, linh hồn của phong trào Cần Vương. Con trai Tôn Thất Thiệp chỉ huy đội bảo vệ vua Hàm Nghi. Khi vua chạy về ẩn náu tại Tuyên Hoá – Quảng Bình, Tôn Thất Thiệp luôn ở bên cạnh. Vua bị Trương Quang Ngọc phản bội đưa Pháp đến bắt và Tôn Thất Thiệp lấy cái chết để bảo vệ vua. Người anh trai Tôn Thất Đàm, chỉ huy trong phong trào Cần Vương cũng có tên phố tại quận Ba Đình.

Cặp phố cha-con cuối cùng là Hoàng Tăng Bí (nhà hoạt động phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục) và Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), người có nhiều năm giúp việc cho Bác Hồ trong công tác đối ngoại. Ông Hoàng Minh Giám là hậu duệ của một dòng dõi danh gia vọng tộc. Bên nội là họ Hoàng ở Đông Ngạc (Hà Nội), có nhiều người làm thượng thư đời trước. Ông ngoại là Cao Xuân Dục, thượng thư Bộ học và Đông Các đại học sĩ triều Nguyễn.

Ngoài ra còn có cặp phố mang tên trận đánh hoặc quan hệ thân thiết ngoài đời. Ví dụ: phố Hàm Tử Quan nằm cạnh phố Chương Dương Độ, phố Yết Kiêu cạnh phố Dã Tượng, phố Bùi Thị Xuân (vợ) nằm cạnh phố Trần Quang Diệu (chồng) v.v…

Ký ức Hà Nội: Lịch sử được viết bằng tên phố - Ảnh 1.

Hà Nội có rất nhiều con phố mang tên nhân vật lịch sử. Ảnh: Bích Thuận.

Lịch sử trong những tên đường phố Thủ đô

Lại có những phố mang tên những nhân vật ít người chú ý nhưng không thể không nhắc tới trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta như phố Triệu Ẩu nằm cạnh Nhà Thờ Lớn. 

Nhiều người nghĩ là Bà Triệu, nhưng thực ra đã có phố Bà Triệu rất to chạy dọc cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Vậy Triệu Ẩu là ai? Triệu Ẩu tên thật là Nguyễn Thị Đàn, người Nghệ An, một nữ thành viên nhỏ tuổi của phong trào Đông Du. Những lúc họp hành, cụ Phan Bội Châu hay nói: "Ngày xưa chúng ta có bà Triệu Thị Trinh là anh hùng dân tộc, còn đây chính là Bà Triệu ngày nay" và đặt tên bà là Triệu Ẩu. Sau này bà Triệu Ẩu bị Pháp bắt đi tù và chết trong tù.

Lại có phố được tên huý, nên ít người biết đó là nhân vật nào của lịch sử. Đó là con phố nằm ven Hồ Tây, đoạn nối tiếp phố Trịnh Công Sơn có tên là Nhật Chiêu. Nhật Chiêu chính là tên huý của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Phú Thượng và Nhật Tân thuở xưa là trang ấp của Trần Nhật Duật, nên ông thường từ đây cưỡi voi đi vào chầu vua trong hoàng thành. 

Ở phường Phú Thượng hiện nay còn rất nhiều người họ Công, gốc là tù binh Chăm, do Trần Nhật Duật đưa về, qua bao năm tháng, họ đồng hoá thành người Việt. Ban đầu tên gốc họ là Ông, sau về Việt Nam, gọi chệch là Công. Ví dụ như Phú Thượng có ông Công Ngọc Kha, cán bộ Việt Minh, chính là người đã đón Bác Hồ từ chiến khu về Hà Nội nghỉ tại nhà mình ngày 23/08/1945, trước khi Bác đến nhà ông Trịnh Văn Bô tại Hàng Ngang.

Hà Nội là như vậy, mỗi tên phố, mỗi con đường đều mang theo những ký ức lịch sử, những chiến công hào hùng, những tên tuổi cha ông trong 4000 năm dựng nước và giữ nước.

Con phố nào nhà thơ Phan Vũ trong một chiều đi dạo, bỗng nghe thấy tiếng dương cầm vọng ra từ ngôi nhà nhỏ để ông đã sáng tác bài "Em ơi Hà Nội phố"? Phố nào nhà thơ Nguyên Mỹ đã chứng kiến đôi trai gái chia tay lên đường ra trận để rồi viết nên bài thơ bất hủ "Cuộc chia ly màu đỏ". 

Con phố nào "leng keng tàu điện, ríu rít Đồng Xuân" trong bài hát "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Cũng những con phố đó, trong một đêm lịch sử đã tuốt gươm, nổ súng, tự vệ Hà Nội "thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Pháo Đài Láng… đổ lửa lên đầu giặc Pháp, làm nên con phố 19/12 kỷ niệm toàn quốc kháng chiến. 

Trong những ngày này, cách đây 70 năm, phố phường Hà Nội đã giấu trong lòng mình cờ, hoa để chờ một ngày. Ngày mà "chúng ta ươm lại hoa, sắc không phai ngày qua…" khi "lớp lớp đoàn quân tiến về"!

Nhiều năm, xem những thước phim tư liệu, đoàn chiến sỹ trẻ, áo quần đơn sơ, gương mặt cương nghị, dày dạn sương gió, hiên ngang rầm rập tiến về, giữa cờ và hoa của các mẹ, các chị, lòng tôi không khỏi rưng rưng. 

Và kì lạ là bài hát "Tiến về Hà Nội" được nhạc sỹ Văn Cao viết trước đó 6 năm, nhưng ông đã tiên cảm ra đúng cảnh như vậy. 

Đến nỗi cảm giác từng bước chân bước đi của các chiến sỹ cũng phù hợp với giai điệu nhạc bài hát, như là bài hát viết riêng cho họ! Đi bên cạnh họ là Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng và tướng Vương Thừa Vũ. Thủ đô đã chờ đợi ngày này 9 năm "những giây phút đẹp như năm nào" khi vua Quang Trung, áo bào xạm khói súng, cưỡi voi vào cổng thành.

Cuối cùng có một đại lộ ở Thủ đô, không chỉ người Hà Nội biết mà mọi người dân trong cả nước, khách du lịch khi tới Hà Nội cũng qua lại, đó là đại lộ Hùng Vương, chạy qua Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác Phủ Chủ tịch, Văn phòng TƯ Đảng, Nhà Quốc hội.

Đại lộ này là một nhân chứng lịch sử lớn đã chứng kiến ngày độc lập 02/09/1945 khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập; chứng kiến các buổi diễu binh trong các dịp lễ lớn, các cuộc viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia nước ngoài v.v…

Nhưng có một chuyện đặc biệt về ngôi nhà số 1 trên đường Hùng Vương. 70 năm trước, một ngày mùa thu tháng 10 xanh thẳm, Bác Hồ đã về ngôi nhà này – Phủ Chủ tịch – sống và làm việc cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời Cách mạng.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng