Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm khó quên dưới mái trường THPT Yên Hòa những năm tháng kháng chiến chống Mỹ

Trần Việt Hà Thứ năm, ngày 26/09/2024 12:14 PM (GMT+7)
Trường cấp III nơi tôi học có nhiều người đã lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, không ít người đã hy sinh oanh liệt, đặc biệt là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc với những trang nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi".
Bình luận 0

Cuối năm 1968, sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, lũ trẻ chúng tôi lần lượt tạm biệt các vùng quê hiền hòa, nơi sơ tán, tạm biệt những người dân quê nghèo khó đã cho chúng tôi tá túc với những năm tháng ấm êm, thấm đẫm tình người để bình an trở về Hà Nội.

Thật vui khi được trở về Thủ đô sau những năm sơ tán. Không còn nghe tiếng loa phóng thanh vang lên khẩn thiết mỗi khi có máy bay Mỹ ở vùng trời gần Hà Nội "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội…ki lô mét…", và tiếng còi báo động ầm vang từ nóc Nhà hát Lớn, chợ Đồng Xuân… 

Song vẫn còn đó những dãy hầm trú ẩn tập thể và những hố cá nhân. Trên hè phố, đôi khi, vẫn còn thấy những ống bi tròn bằng xi măng của hố cá nhân đang đổ dở dang. Cuộc sống bình thường trở lại. Phố phường tấp nập trong không khí yên bình.

Tuy vậy, trong tôi nỗi nhớ nơi sơ tán vẫn chưa nguôi ngoai. Mỗi khi đi qua các phố Cát Linh, Đại La, nhìn những cỗ xe bò chở gạch từ nhà máy gạch ngói Đại la kề đó, tôi lại nhớ những buổi theo bạn cưỡi trâu chạy khắp cánh đồng; hoặc khi đi ngang qua chợ Hàng Da thấy hàng bán cá lại nhớ những đêm theo bạn đi bắt cá rô rạch ngược từ ruộng thấp lên ruộng cao. 

Hay lúc băng ngang hàng bán cua đồng ở chợ Hàng Bè thấy lại nhớ bát mắm cua ngai ngái, thơm ngọt của cụ chủ nhà nơi sơ tán; và khi nhón trên tay những hạt cốm Vòng thơm lựng lại nhớ tới những hạt lúa nếp rang thơm mùi rơm rạ, bếp lửa, deo dẻo mà lũ con gái thường mang đến lớp trong vụ lúa mùa.

Mỗi đêm về, khi ngồi học bài dưới ánh sáng đèn điện, tôi lại nhớ tới những tối học bài bên ngọn đèn dầu leo lét ở nơi sơ tán. Ngày ấy các vùng nông thôn miền Bắc không có điện dùng để thắp sáng và dùng cho các sinh hoạt hàng ngày, nên cứ đến tối để học bài chúng tôi thường dùng một chiếc đèn dầu tự chế. 

Cây đèn có chụp làm bằng lon sữa bò nhằm hạn chế ánh sáng lọt ra ngoài với mục đich phòng không, bầu đèn làm từ lọ mực Trường Sơn hoặc Cửu Long. Vào ban đêm, trông xa những cây đèn đó tựa như cây đèn tín hiệu của các nhân viên đường sắt.

Về lại Thủ đô, chúng tôi được học trọn vẹn cấp ba trong những năm tạm ngưng bom đạn. Vào những năm 1968 -1970, các trường cấp ba ở nội thành vẫn còn đặt tạm ở ngoại thành. Hình như ngày ấy, mỗi trường cấp ba ở ngoại thành đều trở thành ngôi trường "kép" "hai trong một": Trường A của học sinh địa phương, trường B chủ yếu dành cho học sinh nội thành.

Trường tôi là Trường Phổ thông cấp ba Yên Hòa B, có trụ sở chính nằm chung trong khuôn viên của Trường Phổ thông cấp ba Yên Hòa A trên địa bàn xã Yên Hòa, thuộc huyện Từ Liêm. Mặc dù chỉ tồn tại 4 năm (từ niên khóa 1966 - 1967 đến niên khóa 1969 - 1970), song trường Yên Hòa B đã để lại dấu ấn nhất định trong lịch sử ngành giáo dục Hà Nội.

Trong Kháng chiến chống Mỹ, từ hai ngôi trường này đã có hàng trăm học sinh lên đường nhập ngũ. Trong số đó có nhiều người đã lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ như Nguyễn Cửu Việt, phi công Nguyễn Xuân Hiển.... không ít người đã hy sinh oanh liệt như các liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, Nguyễn Kim Ảnh, Vương Đình Cung, đặc biệt là liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc với những trang nhật kí "Mãi mãi tuổi hai mươi".

Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm khó quên về học sinh Hà thành thời gian khó - Ảnh 1.

Các vị đại biểu, nhà giáo, cựu học sinh Trường THPT Yên Hòa về dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trưởng. Ảnh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội).

Thạc học cùng khóa với tôi ở trường Yên Hòa B (1967-1970) nhưng khác lớp. Hồi học cấp hai, Thạc đã nổi tiếng qua bài văn đạt giải nhì (không có giải nhất) trong kì thi Học sinh giỏi Văn cấp hai toàn miền Bắc.

Với học sinh nội thành, để đến trụ sở chính của trường, chúng tôi thường đi xe đạp hoặc đi tàu điện ra Cầu Giấy, sau khi qua cầu, qua chợ, thì rẽ trái đi vào một cổng làng cổ cạnh nhà ông Kim Thân, chủ một hãng buôn từ thời Pháp, rồi theo con đường gạch lát nghiêng gồ ghề, nhỏ hẹp, qua ngôi đình làng An Hòa một chút là tới.

Chúng tôi chỉ tập trung ở đây vào những ngày khai giảng, bế giảng và khi có hội họp, lễ lạt hoặc khi có giờ học thực hành vật lí, hóa, sinh. Còn để đến các lớp học thì phải đi sang xã Dịch Vọng, tới tận thôn Dịch Vọng Hậu, với tên Nôm là làng Vòng, nổi tiếng với cốm Vòng, cách trụ sở chính của trường khoảng hai cây số.

Các lớp học phân bố rải rác trong làng và chỉ cách nhau vài chục hoặc vài trăm mét thôi. Đó là các lớp học dựng bằng tre, vách đất, lợp tranh kề lũy tre ven làng, và phía ngoài kia là cánh đồng lúa mênh mông có thể nhìn thấy cột phát sóng của đài phát thanh Mễ Trì. 

Chúng tôi may mắn được học một số thầy cô có tên tuổi của ngành giáo dục Hà Nội, đặc biệt có thầy Trần Hồng Hải, dạy môn Sinh vật, đồng thời là thầy chủ nhiệm lớp 8 của chúng tôi. 

Tôi được biết, những năm 2000, dù đã nghỉ hưu từ lâu song thầy vẫn được mời tham gia Ban Cố vấn của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" của VTV3 Đài Truyền hình Quốc gia.

Nhớ sao những năm học cuối cấp các thầy cô dạy toán, lý, hóa dạy văn, sử, địa (những môn sẽ thi tốt nghiệp phổ thông), không quản đường xa và thời tiết mưa, nắng để miệt mài phụ đạo cho chúng tôi, với mong muốn tất cả học sinh đều vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Các thầy cô không hề đòi hỏi chút "thù lao" nào từ phụ huynh.

Còn với riêng một nhóm nhỏ học sinh "cá biệt", trong đó có tôi, với tính cách nghịch ngợm, chút ngang bướng, thích tác phong "phá cách", mỗi khi chúng tôi vi phạm nội quy của nhà trường của lớp, thầy cô chủ nhiệm cũng không hề ghét bỏ hoặc phê phán nặng nề trước lớp, mà luôn quan tâm theo sát, tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh gia đình từng người và gặp gỡ phụ huynh trao đổi để có phương thức giáo dục, uốn nắn và cảm hóa thích hợp.

Nhờ vậy, tôi và một vài bạn học sinh cá biệt đến học kỳ cuối cùng đã trở thành Đoàn viên, thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt và đều thi đậu vào các trường Đại học có tên tuổi của Thủ đô. Các thầy cô ngày đó, hết thảy đều mẫu mực, hiền từ, độ lượng và nhân hậu. 

Thầy cô được chúng tôi tôn kính như cha mẹ mình, còn các thầy cô thì thương chúng tôi như con cháu trong nhà. Thầy cô vừa dạy chúng tôi kiến thức, vừa dạy chúng tôi làm người.

Phải chăng từ những bài giảng của thầy cô qua các môn học mà chúng tôi hiểu rõ cội nguồn lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc, biết yêu thiên nhiên và con người, yêu quê hương, đất nước; có kiến thức phổ thông cơ bản để tiếp tục học tập vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật; biết cách tự rèn luyện kỹ năng sống, biết sẻ chia và cống hiến.

Phải chăng nhờ những năm tháng gian khổ ấy, với tình người đầy ắp, với một môi trường xã hội tốt đẹp, môi trường giáo dục lành mạnh, giàu tính nhân văn, với những thầy cô giáo tâm huyết luôn vì học sinh thân yêu, đã khơi dậy ở lớp học sinh thời ấy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm học tập hết sức mình để có tri thức, kiến thức và kỹ năng, biết cống hiến, biết hy sinh, tự nguyện góp phần mình vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem