Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cách đây vài hôm, khi dọn lại tủ đồ của mẹ, tôi tình cờ tìm thấy một cuốn album nhỏ. Tôi tò mò mở ra. Bất chợt, ký ức về một nếp sinh hoạt của đại gia đình tôi mỗi dịp Tết đến bỗng ùa về.
Trong cuốn album ấy mẹ tôi cất giữ những bức ảnh chụp cả gia đình lớn mỗi dịp xuân sang. Gia đình tôi có truyền thống chúc Tết và cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm vào sáng mùng Hai Tết Âm lịch. Truyền thống ấy có lẽ bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước.
Gia đình bên nội tôi vốn ở phố Khâm Thiên. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông bà tôi đi theo cách mạng, sinh sống ở Thái Nguyên, rồi Yên Bái.
Học xong trung học phổ thông, bố tôi đi bộ đội, đóng quân tại Thủ đô và lập nghiệp tại đây. Còn các anh em của bố thì mãi sau này mới trở lại cố hương. Và khi hầu hết mọi người cùng định cư tại Hà Nội thì truyền thống chúc Tết, quây quần bên mâm cơm và chụp ảnh cùng nhau vào mỗi dịp Tết bắt đầu thành nếp.
Mái tóc Maika điển hình của các bé gái một thời. Ảnh nhân vật cung cấp.
Trong cuốn album của mẹ tôi, nhiều bức ảnh đen trắng đã cũ, ngả vàng theo thời gian, có bức còn bị mốc đôi chỗ. Chúng gợi lại trong tôi cả một trời thương nhớ, khó khăn nhưng thật bình yên, đầm ấm.
Ngày ấy, cứ tầm 26, 27 Tết là tôi rủ em gái ra đường Âu Cơ tìm đào rừng.
Cả năm mọi người đều bận rộn, chị gái cả tôi lại lấy chồng xa, ít có dịp về thăm nhà nên tôi muốn ngày gia đình đoàn tụ mọi thứ phải thật tươm tất. Chính vì vậy, năm nào tôi cũng cố gắng chọn một cành đào dáng thật tự nhiên, cánh hoa dày và to, đang bắt đầu nảy lộc.
Chẳng là những người thân của tôi vốn gắn bó một thời gian dài với cuộc sống miền sơn cước nên ai cũng thích đào rừng, và tất nhiên phải là đào phai.
Ngóng chờ mãi cũng đến sáng mồng Hai Tết. Bà nội, các cô chú, các anh chị em, các cháu tập trung đông đủ tại nhà tôi chúc Tết, mừng tuổi, cùng nhau dùng cơm, vừa uống trà vừa ngắm hoa và sau đó chụp chung một bức ảnh làm kỷ niệm.
Mọi người quây quần bên mâm cơm và cùng nhau chụp một bức ảnh kỷ niệm đã trở thành truyền thống của đại gia đình tôi mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ảnh nhân vật cung cấp.
Lật giở những bức ảnh, những ký ức ấm áp về tình thân lại hiện về. Này là em gái tôi tròn như hạt mít, mái tóc Maika với hai lỗ dùi xinh xinh trên má và làn da bánh mật. Này là bà nội, tuy không phải là mẹ đích của bố tôi nhưng luôn yêu thương, chăm sóc chúng tôi.
Tôi đặc biệt nhớ nụ cười của bà bởi nó chứa đựng sự lạc quan và bao dung đến khôn cùng ngay cả khi lắm phen phải bở hơi tai giải thích, răn dạy mỗi lần tôi phá làng, phá xóm… Không ít bức ảnh khiến tôi bật cười. Một phần vì ngày ấy cuộc sống còn thiếu thốn, phần khác vì thời trang khác xa bây giờ quá.
Có bức ảnh tôi đen đúa và gày còm như cây sậy trịnh trọng khoác chiếc áo dài màu xanh tím than có họa tiết chữ thọ của bà nội. Bức thì em gái tôi lùng thùng trong chiếc váy dài lê thê của chị gái mà mỗi lần đi qua đi lại chẳng khác nào quét nhà. Nhưng trên tất cả, ai cũng cười rạng rỡ, anh chị em bá vai, bá cổ nhau thắm thiết.
Tôi vốn không thích chụp ảnh nên lần đầu tiên bố kéo tôi vào đứng cạnh bà nội, tôi phản đối ngay dù luôn nhớ lời mẹ dặn rằng, trong ngày Tết phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. Tôi nói với bố: Nhớ đến nhau thì nhớ ở trong tim là đủ rồi, sao cứ phải chụp ảnh ạ?
Cả gia đình quây quần bên cây đại thụ của mình, cảm nhận sự ấm áp của tình ruột thịt trong buổi sớm đầu xuân. Ảnh nhân vật cung cấp.
Bố tôi liền phân tích: "Con à. Thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả. Có những ký ức ta tưởng như không bao giờ phai nhạt nhưng rồi cũng sẽ quên. Bức ảnh ngày Tết không đơn thuần ghi lại một khoảnh khắc trong cuộc đời của mỗi con người mà nó còn giúp chúng ta nhớ đến và trân trọng những giây phút quây quần bên người thân.
Mai này, chắc chắn các con sẽ nếm trải những hoa trái của sự ngọt ngào và cả những khổ đau, nghịch cảnh. Đó là lúc các con cần đến gia đình. Đời con người suy cho cùng không có gì quan trọng bằng gia đình đâu con".
Năm 2010, bố tôi đột ngột qua đời. Mùng 2 Tết Tân Mão 2011, đại gia đình tôi vẫn quây quần bên mâm cơm nhưng tiếng nói cười không còn rộn rã và không ai nhắc đến việc chụp ảnh kỷ niệm nữa.
Đến Tết năm 2012, nếp sinh hoạt đó được khôi phục dù ai cũng thấy bắt đầu lại thật khó khăn. Có ai đó từng nói đại ý rằng, mùa xuân năm nào cũng về, nhưng Tết thì chưa chắc. Bởi với không ít người, Tết không còn nhiều ý nghĩa khi cha mẹ không còn nữa. Tôi cho rằng, điều đó đúng một phần.
Trong gia đình tôi, giữa bà và các cháu dâu, cháu gái, khoảng cách thế hệ dường như không tồn tại. Ảnh nhân vật cung cấp.
Xuân hạ thu đông rồi lại xuân. Mùa xuân này là mùa xuân thứ 15 bố tôi không còn ở bên mẹ con tôi nữa. 14 năm qua, bức ảnh gia đình tôi thiếu vắng đi một người. Đó có lẽ cũng là khoảng trống trong tim mỗi người và không gì có thể khỏa lấp được. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống vốn dĩ là như vậy. Cũng giống như bốn mùa tuần hoàn bao giờ cũng có một mùa đông lặng lẽ.
Mẹ tôi tuy đã cao tuổi và không còn khỏe mạnh nữa nhưng vẫn là bờ vai vững chãi che chở chị em tôi, giữ đúng lời hứa với bố tôi trước khi ông qua đời. Chính vì vậy, dù trải qua nhiều khó khăn, và cả mất mát, buồn thương, chúng tôi vẫn cùng nhau gắng vượt qua mọi trắc trở của cuộc đời và hân hoan đón những năm mới như một lẽ tất yếu.
Miên man trong suy nghĩ vẩn vơ, tôi bất chợt nhìn ra ngoài sân. Những nụ hải đường, loài hoa của núi rừng mà bố tôi cũng rất yêu thích đang lớn lên từng ngày. Chẳng mấy chốc một mùa xuân nữa lại sắp về!
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.