Dân Việt

Loại rau rừng tên đọc "đau mồm" mọc hoang vùng Đồng Tháp Mười ở Tiền Giang nay là rau đặc sản nhà giàu

Hà Anh 27/09/2024 14:14 GMT+7
Từ xưa, có một loại rau rừng, rau dại mọc hoang đã gắn bó bền chặt với vùng Đồng Tháp Mười phèn chua, nước mặn là rau choại. Loại rau rừng, rau dại này là nguồn thức ăn chủ yếu của các chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ...

Vùng Đồng Tháp Mười ở miệt Tiền Giang từ xưa đã có câu ca dao rằng:

Rủ nhau lên đất bảy làng

Hái rau choại chột, nhổ bàng về đươn

Choại chột thì chấm nước tương

Bàng thì đươn nóp người thương tôi nằm.

Từ xưa, có một loại rau đã gắn bó bền chặt với vùng Đồng Tháp Mười phèn chua, nước mặn là rau choại. Cũng chính loại rau này là nguồn thức ăn chủ yếu của các chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Trong mỗi bữa ăn của các chiến sĩ cách mạng hoạt đồng tại vùng đất này dường như chỉ có đọt choại chấm tương, thỉnh thoảng có đọt rau choại nấu canh chua với cá rô đồng… 

Từ đó, rau choại đã trở thành loại rau đặc sản của hiện tại và là nỗi nhớ của những ai đã đến, đã đi và đã gắn bó với vùng đất này.

Mỗi lần vào công tác tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi thường được bạn bè, đồng nghiệp chiêu đãi loại đặc sản của vùng đất này: Rau choại luộc chấm chao, rau choại nấu lẩu…

Thoạt nhìn, thứ rau rừng, rau dại này khi chế biến thành các món ăn trông có vẻ không bắt mắt, nhưng khi ăn vào mới cảm nhận được sự ngọt thanh và giòn tan của loại rau này. 

Loại rau rừng tên đọc "đau mồm" mọc hoang vùng Đồng Tháp Mười ở Tiền Giang nay là rau đặc sản nhà giàu - Ảnh 1.

Rau choại-loại rau rừng, rau dại đặc sản của vùng đất Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Nếu như trước đây, rau choại, đọt choại là thứ rau nhà nghèo ăn chống đói, ăn qua bữa, ăn cho vui miệng thì nay đã trở thành rau đặc sản, giá bán rau rừng này không hề rẻ.

Không những vậy, loại rau ngon đặc sản này còn được đồng nghiệp tặng mang về như một đặc sản quý của huyện Tân Phước.

Được biết, rau chạy hay rau choại là loại rau dại, rau rừng dây leo thuộc họ dương xỉ, mọc hoang tự nhiên ở các cánh rừng hay nơi bưng biền bỏ hoang, nhất là ở vùng đất nhiễm phèn nhẹ của huyện Tân Phước của tỉnh Tiền Giang.

Thân cây rau choại dài, có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá cây choại non màu nâu pha lẫn xanh nhạt và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.

Rau choại là một loại rau sạch, có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: Đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt, chấm tương, chấm chao hay đọt choại nấu canh chua, đặc biệt là đọt rau choại nấu canh chua lươn với bông điên điển.

Rau choại cũng có thể nhúng lẩu và xào tép đồng. Ngoài ra, rau choại còn làm dưa, là món ăn ngon và hấp dẫn, để ăn dần lâu ngày.

Rau choại có mặt hầu như ở khắp nơi trong vùng Đồng Tháp Mười, có nhiều loại: Choại đá, choại vườn, choại rừng...

Tất cả các loại rau choại trên đều ăn được, tuy nhiên mỗi loại có những mùi vị riêng. Rau choại đá toàn thân có màu xanh đọt chuối, mọc thành bụi, lá già to cao trông tựa lá dương xỉ.

Rau choại đá ăn có vị chát, đắng, thường dùng để nấu món canh chua với cá rô đồng, cơm mẻ, là món ăn độc nhất vô nhị chỉ ở vùng này mới có.

Rau choại rừng thường được bày bán ở chợ, là loại rau phổ biến nhất trong các loại rau cùng họ. Rau choại rừng toàn thân và lá đều có màu xanh nhạt pha lẫn chút hồng, lá non có màu hồng thẫm, tất cả các bộ phận của cây choại rừng đều dùng được, trừ những lá già. 

Còn rau choại vườn, có thân cao, to, thường mọc chen theo những bụi tre gai, liếp dừa, trong vườn cây tạp, dọc mé sông, thích nghi ở những vùng nước ngọt, nhiễm phèn nhẹ. 

Đọt rau choại vườn mập mạp, vị ngọt, ăn rất giòn và thơm, rất hiếm gặp, nên ít thấy được bày bán ở ngoài chợ như rau choại rừng.

Để có những rổ rau choại tươi ngon, người dân phải dậy từ sáng sớm để hái cho rau thật tươi và kịp bán trong buổi sáng. 

Để hái được 1 kg rau choại phải mất khá nhiều thời gian và công sức, vì vậy rau choại có giá khá cao so với các loại rau khác. Mà cũng lạ, rau choại thường chỉ sử dụng trong ngày, nếu để qua đêm thì rau sẽ mau hư, nhìn không ngon.

Ngày nay, rau choại ở huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) không chỉ được bày bán ở các chợ trên địa bàn huyện, mà còn có mặt trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn, quán ăn sang trọng trên địa bàn tỉnh. 

Những ai muốn thưởng thức món ngon dân dã này của vùng đất Tân Phước thì có thể đến chợ Cũ, chợ Thạnh Trị (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để tìm mua. Ngay góc đường vào chợ Thạnh Trị, thường xuyên có một chị chỉ bán duy nhất một loại rau choại rừng.

Tôi nghĩ rằng, những ai có quê ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung, khi nhìn thấy rau choại (đọt choại)- loại rau quê này sẽ bắt gặp được hồn quê, tuổi thơ trong màu xanh mướt của loại rau dân dã; còn ai là những thực khách sành ăn thì sẽ biết được giá trị thơm, ngon của loại rau này.