Trồng rau kiểu gì mà cứ 1ha, hợp tác xã này ở Ninh Bình đạt doanh thu 600 triệu/năm
Trồng rau, củ, quả làm thực phẩm an toàn, cứ 1ha, HTX này ở Ninh Bình đạt doanh thu 600 triệu/năm
Vũ Thượng
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 13:50 PM (GMT+7)
Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) hiện có 275 thành viên, với diện tích đất sản xuất 76,2ha, doanh thu 600 triệu đồng/ha/năm. Năm 2024, HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc 2024, do TƯ Hội NDVN bình chọn.
Xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 519,51 ha. Trong đó, đất trồng lúa 431,2 ha, đất trồng cây lâu năm 44,69 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 43,62 ha…Toàn xã có 19 xóm, với 2.367 hộ dân, riêng số hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 1.464 hộ.
Trên cơ sở nắm bắt được tâm lý chung của người tiêu dùng, không còn dễ dãi trong mua bán thực phẩm như trước mà bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng. Đặc biệt, tìm mua các loại sản phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ hay có thương hiệu rõ ràng.
Qua đó, các sáng lập viên xóm 13 (xã Khánh Thành) đã đứng ra tuyên truyền, vận động các hộ nông dân trên địa bàn xã cùng nhau thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn. Việc tham gia vào hợp tác xã cùng mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh rau an toàn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Ngày 5/6/20216, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) được thành lập, vốn điều lệ đăng ký kinh doanh 60 triệu đồng, vốn hoạt động kinh doanh làm dịch vụ 6 tỷ đồng.
Tổng số thành viên tham gia hợp tác xã là 275 thành viên. Trong đó, thành viên chủ lực 75 người, 200 thành viên vệ tinh…hoạt động trên 8 tổ hợp tác xã, 1 chi hội nghề nghiệp, 1 tổ hội nghề nghiệp…cùng liên kết hoạt động, sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi.
Nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã
Ông Phạm Văn Tuyến-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành cho biết: "Những năm 2000 trở về trước, ở xã chúng tôi chủ yếu một năm trồng 2 vụ lúa, năng xuất thì thấp, chăn nuôi, trồng trọt manh mún,…khiến thu nhập đem lại không cao".
Đến năm 2016, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành được thành lập, cách làm khoa học, hoạt động hiệu quả. Các cây trồng đem lại kinh tế cao như: Cây mướp nhật, bí xanh, dưa chuột,...tăng gấp 5-10 lần so với trước kia.
Để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành không ngừng đổi mới, xây dựng vùng sản xuất rau, củ, quả…an toàn. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Ninh Bình tham gia đăng ký dự thi sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, những thành viên trong hợp tác xã còn áp dụng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…Từ đó các sản phẩm của hợp tác xã tạo nên được tiếp cận vào cửa hàng nông sản an toàn, các siêu thị trong và ngoài tỉnh Ninh Bình.
Chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản phẩm nông sản có giá trị cạnh tranh trên thị trường…bình quân mỗi ngày trên dưới 10 tấn rau, củ, quả các loại, năng xuất giá trị gấp nhiều lần so với trồng lúa. Qua ghi chép, tổng doanh thu từ các hộ tham gia hợp tác xã đạt khoảng 600 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Văn Tuyến-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn xã Khánh Thành cho biết: "Chúng tôi sản xuất với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, trên bao bì có in thông tin, gắn logo để nhận biết sản phẩm hợp tác xã chúng tôi làm ra".
Chủ tịch Hội nông dân gương mẫu
Được biết, ông Phạm Văn Tuyến còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), trong các năm qua bản thân ông luôn tích cực, gương mẫu tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động ở địa phương.
Ông Tuyến còn thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, khu dân cư. Vận động nông dân hiến được 18.909 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, phá bỏ 1.050m tường thành và công trình phụ để xây mới khang trang, rộng đẹp hơn.
Đồng thời, ông Tuyến còn vận động nông dân trồng hơn 10.000 cây ăn quả và cây bóng mát trên các trục đường ở xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh); trồng 4.500m tuyến đường hoa…hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, còn tổ chức 125 buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, thu hút 15.600 lượt hội viên nông dân tham dự; xây dựng 100 mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn".
Đối với công tác Hội và phong trào nông dân, ông Phạm Văn Tuyến luôn nhiệt huyết, trách nhiệm được các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Với những cống hiến trên, năm 2017 ông Tuyến đã được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; năm 2022, nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.