Theo đó, Quyết định số 435 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/4/2023, phân công thành viên Chính phủ chủ trì, đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND các tỉnh Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp đã báo cáo Đoàn công tác tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2024 cũng như các đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau (tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 18/01/2024 của Văn phòng Chính phủ), tỉnh Cà Mau đã xây dựng xong dự thảo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2050, đang lấy ý kiến của Bộ, ngành Trung ương và dự kiến trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt trong nữa đầu tháng 9/2024. Tổng số công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông: 234 công trình, với nhu cầu kinh phí trên 35.000 tỷ đồng.
Với Đề án này, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 30 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, tổng vốn khoảng 5.246 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 hỗ trợ 147 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, tổng vốn khoảng 21.596 tỷ đồng.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt giao tỉnh Cà Mau xây dựng Đề án phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đất Mũi Cà Mau trên một số ngành, lĩnh vực.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay, vừa qua, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Theo đó, tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định "Việc thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở không vượt quá 30% số lượng dự án và 20% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030".
Bà Thúy cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều địa phương. Việc khống chế 30% số lượng dự án và 20% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030 sẽ rất dễ phát sinh cơ chế xin – cho, khả năng xảy ra tình trạng đặt hàng dự án là rất cao. Ví dụ, tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt tại 1 địa phương là 1.000ha, nếu khống chế 20% tổng diện tích thì chỉ cần 2 dự án lớn, mỗi dự án 100ha thì đã hết hạn mức cho phép, còn lại các dự án có diện tích nhỏ hơn khoảng vài hecta đến vài chục hecta sẽ phải thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu.
Do đó, bà Thúy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh Điều 4 của dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở theo hướng chỉ khống chế về quy mô mỗi dự án được phép nhận chuyển nhượng bằng hoặc dưới 10 hecta (KHÔNG quy định khống chế 30% số lượng dự án và 20% tổng diện tích nhu cầu phát triển dự án nhà ở được phê duyệt của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đưa ra lý do, thực tế tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh An Giang với dự án có quy mô dưới 10 hecta, nhà đầu tư có khả năng tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cần có sự can thiệp biện pháp hành chính của cơ quan nhà nước thông qua cơ chế thu hồi đất theo khoản 27 Điều 79 Luật Đất đai 2024.
Tại buổi làm việc, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ NNPTNT bố trí nguồn kinh phí để địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống cá tra tập trung trên địa bàn các huyện Cao Lãnh, Tân Hồng, Lấp Vò, Châu Thành và thành phố Hồng Ngự với diện tích 469 ha và cho chủ trương nạo vét kênh Thường Phước - Ba Nguyên do khô hạn thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó đầu tư bổ sung 7,3 km hệ thống đường gom đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, sớm triển khai dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh để bảo đảm triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sau khi đầu tư hoàn thành vào năm 2025.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền qua địa phận tỉnh Đồng Tháp, với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên sử dụng cát biển phục vụ cho các dự án cao tốc và các công trình đầu tư khác có điều kiện môi trường tương tự như khu vực thí điểm thành công cát biển dùng cho san lấp, nhằm giảm bớt áp lực cung ứng cát sông, tiến tới bình ổn giữa cung và cầu cát trên thị trường.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Trưởng đoàn công tác đã gợi mở, đồng thời định hướng triển khai thực hiện một số công việc thời gian tới với 3 tỉnh Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp.
Đối với Cà Mau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Cà Mau có diện tích ven biển lớn, bởi vậy cần tận dụng tối đa lới thế về địa lý, văn hóa... từ đó, thúc đẩy phát triển logistics, cảng biển…
Đối với đề xuất của tỉnh Đồng Tháp về xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống cá tra tập trung, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo ngay các đơn vị của Bộ NNPTNT để có buổi làm việc, tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Đối với đề án chống sạt lở, hạn mặn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NNPTNT cũng đã xin ý kiến của địa phương và các bộ, ngành liên quan và đề án chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi đề án được thông qua sẽ có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên.