Đến một nơi ở Cà Mau tên biển Vàm Xoáy ở Cà Mau, sao nhiều người thích mà tim đập chân run?
Cuộc sống chơi vơi nơi bờ biển sạt lở ở Cà Mau (Bài 1): Thấp thỏm sống ở cửa biển Vàm Xoáy
Khương Lực
Thứ năm, ngày 28/12/2023 15:37 PM (GMT+7)
Sạt lở bờ biển xảy ra nghiêm trọng tại khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân. Mỗi khi triều lên, sóng to, gió lớn thì người dân lại thấp thỏm lo âu cho sự an toàn của tính mạng và tài sản của gia đình.
Cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau từng là một làng chài đông đúc nhưng giờ đây chỉ còn lại những căn nhà trơ trọi. Sạt lở đã khiến nhiều người phải dời nhà đi nơi khác, những người không có đất thì không có cách nào khác phải mạo hiểm ở lại.
Ba lần dời nhà vẫn chưa yên
Khu vực cửa biển Vàm Xoáy, thuộc 2 ấp Kinh Đào và ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có khoảng 500 hộ dân sinh sống, chủ yếu là làm nghề biển. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão hay những khi triều lên, sạt lở luôn là mối đe dọa lớn nhất đối với sự an nguy của người dân nơi đây.
Khu vực cửa biển Vàm Xoáy, thuộc 2 ấp Kinh Đào và ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng, những ngôi nhà từng ở trong đất liền giờ trơ cột móng. Ảnh: Khương Lực
Dù đã 3 lần dời nhà vào sâu trong đất liền, nhưng ngôi nhà của gia đình bà Liêu Mỹ Nương ở cửa biển Vàm Xoáy, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vẫn không tránh khỏi sóng dữ, sạt lở đe dọa. Ảnh: Khương Lực
Theo tập quán lâu đời, hễ nước dâng làm sạt lở bờ biển đến đâu thì người dân lại tiếp tục lùi sâu vào phía đất liền, dựng lại nhà cửa để ở. Dù đã 3 lần dời nhà vào sâu trong đất liền, nhưng ngôi nhà của gia đình bà Liêu Mỹ Nương ở cửa biển Vàm Xoáy, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vẫn không tránh khỏi sóng dữ, sạt lở đe dọa.
Bờ kè từng là đường đi lại của các hộ dân trong ấp Mũi nằm cách ngôi nhà hơn chục mét đã bị nước triều dâng lên tạo sóng lớn đánh gẫy hết. Ngôi nhà từng nằm trong đất liền nay phải dựng trên những chiếc cọc gỗ khiến cuộc sống gia đình bà trở lên mong mong hơn bao giờ hết.
Mỗi khi triều lên, sóng to, gió lớn thì cuộc sống sinh hoạt của gia đình bà lại chật vật, thấp thỏm, lo âu từ việc ăn, ngủ nghỉ đến đi lại. Nguy hiểm nhất là trong nhà còn có những đứa trẻ nhỏ, không trông chừng cẩn thận có thể té ngã bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Mỗi tháng có khoảng 6 ngày nước triều dâng lên, bà cùng các thành viên trong gia đình lại căng mình ra chống đỡ. Có hôm sóng biển mạnh còn làm lật tung những tấm gỗ dưới sàn nhà lên, ảnh hưởng tới việc ăn, ngủ của gia đình. Trong những ngày đó, ai nấy trong gia đình đều lên võng nằm và lúc nào cũng sẵn sàng với tâm thế thoát ra bên ngoài khi có nguy hiểm, bất trắc xảy ra.
"Dân mình khổ mà đợi mấy ngày biết bao nhiêu là chi phí các kiểu, nhà thì có 2-3 đứa em nhỏ nữa, trong lúc đó mình phải khổ dữ lắm. Bởi, nước lên mình không mần được, nước hạ mình mới mần được" – bà Nương nói và mong muốn sớm được chính quyền bố trí vào nơi ở an toàn để gia đình ổn định cuộc sống.
Cách nhà bà Nương không xa là ngôi nhà của bà Trần Thị Xuốt. Trước đây, bà ở cùng với gia đình con trai. Nhưng do gia đình người con trai có trẻ nhỏ và không chịu được cảnh sóng to, gió lớn nên đầu tháng 9/2023 đã lên sát khu rừng đặc dụng ven biển dựng nhà để ở. Ngôi nhà nơi đầu sóng ngọn gió nay còn mình bà Xuốt ở.
"Nước lên thì phập phồng lo sợ lắm. Ăn không ngon, ngủ cũng không yên, thức sáng đêm như vậy đó, rồi lúc nào cũng bị hồi hộp, sống thì vất vả quá đi" – bà Xuốt nói và cho biết do sống bằng nghề biển nên bà đành chấp nhận phải ở nơi cửa biển sạt lở nghiêm trọng này.
Theo bà Xuốt, trước đây xã Đất Mũi đã có đợt bố trí, di dời những hộ có nguy cơ cao sống trong vùng sạt lở bờ biển vào ở nơi an toàn, nhưng gia đình bà không vào được vì vào đó không biết đậu ghe thuyền ở chỗ nào.
Thế nhưng, sạt lở cùng những cơn sóng dữ đã đánh sập bờ kè, làm trơ những chiếc cọc móng, khiến ngôi nhà bà đang ở trở lên chênh vênh. Lối vào nhà không còn, con trai bà đã phải làm cầu khỉ ghép tạm từ những cây gỗ cho mẹ đi lại, thuận tiện trong sinh hoạt.
Mong sớm di dời, ổn định cuộc sống cho người dân
Ông Nguyễn Nhân Nghĩa – Phó Trưởng ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình sạt lở bờ biển ở khu vực cửa biển Vàm Xoáy rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các hộ dân.
"Khi mùa nước lên, sóng đánh tràn ngập đến nhà hộ dân. Lúc đêm khuya, âu lo ngủ không được, rồi mần ăn rất khó khăn. Đất đai sạt lở như vậy, người dân không có nơi ăn, chốn ở an toàn" – ông Nghĩa nói và mong muốn chính quyền cấp trên sớm ổn định cuộc sống cho 15 hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm tại cửa biển này.
Đánh giá về tình hình sạt lở bờ biển, ông Bùi Thanh Thương – Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn xã Đất Mũi xảy ra rất là nghiêm trọng. Hàng năm, năm sau lở nhiều hơn năm trước, ảnh hưởng xâm thực vào các thửa rừng rất nhanh.
"Đặc biệt, ngoài ảnh hưởng đến rừng còn ảnh hưởng tới một số hộ dân, đặc biệt ở cửa biển Vàm Xoáy. Giai đoạn 2019-2020, xã Đất Mũi đã lập phương án, trình cơ quan có thẩm quyền di dời 50 hộ dân tái định cư ở trong khu Rạch Tàu. Hiện nay, khu vực cửa biển Vàm Xoáy vẫn tiếp tục sạt lở nữa" – ông Thương nói.
Liên quan tới việc bố trí người dân sống ở khu vực sạt lở tại cửa biển Vàm Xoáy, UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo trình xin Trung ương hỗ trợ thực hiện 2 dự án: Dự án Bố trí dân cư ấp Nhà Luận xã Tam Giang, huyện Năm Căn và Dự án khu tái định cư ấp Rạch Tàu Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Trong thời tới, hai dự án này được triển khai thực hiện sẽ góp phần giải quyết được chỗ ở ổn định cho khoảng hơn 300 hộ dân vùng sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là tại khu vực cửa biển Vàm Xoáy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.