Hôm qua là một ngày vô cùng đặc biệt của tôi. Từ sáng đến chiều, tôi đã có những cuộc gặp vô cùng tuyệt vời với các tổ chức giáo dục, đào tạo và kết nối của Pháp về phát triển bền vững. Đến 6h chiều, hồi hộp quá, ôm một chiếc cây xinh đẹp đến Toà thị chính TP Villejuif để dự lễ trao tặng danh hiệu Công dân Danh dự cho bác Trần Tố Nga yêu quý của tôi.
Bước vào Toà thị chính trên tầng 2, hai bác cháu đã ôm chầm lấy nhau, bác lần lượt giới thiệu tôi với ngài Thị trưởng thành phố và các bạn bè thân hữu. Cả căn phòng chật kín người vui mừng hoan hỉ nói chuyện và chụp hình cùng bác. Trả lời phỏng vấn hay chụp với ai, bác cũng kéo "con bé cháu mà tôi con nó như con" chụp cùng.
Rất nhiều cô, bác người Pháp, sinh sống tại thành phố Villejuif, chia sẻ với tôi rằng họ rất tự hào và hạnh phúc khi thành phố của mình có một công dân tuyệt vời, một tấm gương mẫu mực như bác Nga. Và họ cho tôi biết cuộc bỏ phiếu biểu quyết danh hiệu cho bác tôi đã thành công tuyệt đối với 100% phiếu bầu.
Khi biết tôi đến dự buổi Lễ này, một đại diện của phái đoàn ngoại giao Pháp tại Nato nhắn cho tôi "She is an incredible character" (Bà ấy là một nhân vật tuyệt vời đến mức không thể tin được!).
Sau khoảng một tiếng, các vị khách được ngài Thị Trưởng mời đến xem một vở kịch do Theatre Romain Rolland (TRR) công diễn. Nhà hát nằm ngay cạnh Toà Thị chính, chỉ cách vài phút đi bộ. Vừa lên tới sảnh thì thấy kín mít người đến xem vở kịch "Cơ thể của chúng ta bị nhiễm độc" (Nos corps empoisonnés).
Tôi được ngồi ngay hàng ghế danh dự cùng bác, ngài Thị Trưởng thành phố và một nữ quan chức rất lịch thiệp và ấm áp. Tôi cứ nghĩ bà là làm trong Hội đồng Nhân dân Thành phố này, hoá ra bà là Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp. Chúng tôi nói chuyện bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp với nhau.
Tôi thì cố gắng giao tiếp bằng tiếng Pháp và bà thì cố gắng nói tiếng Anh. Bà nói: "Thật sự tuyệt vời khi nước Pháp có một công dân như bà Nga. Và tôi tin là thành phố này quá tự hào vì từ nay bà Trần Tố Nga sẽ là công dân danh dự của họ!".
Vở kịch được thể hiện dưới hình thức độc thoại bởi nữ diễn viên tài năng Angelica Kiyomi Tisseyre-Sékiné. Với sự tinh tế và sâu sắc của mình, biên kịch kiêm đạo diễn Marine Bachelot Nguyen đã kể về cuộc đời bác Trần Tố Nga thông qua câu chuyện của 2 cuộc chiến tranh một cách rất chân thực và xúc động bằng lời thoại, biểu diễn hình thể và những tư liệu quý giá.
Càng lúc vở kịch càng làm người xem xúc động, khơi dậy sự phẫn nộ trước các cuộc chiến huỷ diệt con người và thiên nhiên, nhưng đồng thời chia sẻ sự đoàn kết mạnh mẽ.
Không chỉ là sự đan xen giữa biểu diễn, video và những hình ảnh tư liệu, kết hợp với lời chia sẻ của bác Trần Tố Nga, vở kịch đã kể về sự sống động của những cơ thể bị thương và nhiễm độc bởi những bi kịch của lịch sử, nhưng vẫn không ngừng đấu tranh và kiên cường.
Mặc dù là người thân, đã hiểu, đã biết câu chuyện của bác và gia đình, mà tôi vẫn không ngưng xúc động. Cả Nhà hát chật cứng không một chỗ trống, ai cũng chăm chú dõi theo vở kịch kéo dài 1.5 tiếng. Lúc nghe cô diễn viên hát bài "Bước chân trên dãy Trường Sơn", tôi thấy trào dâng lên cảm xúc yêu và gắn bó với tổ quốc mình hơn bao giờ hết:
"... Ta là con của núi non Trường Sơn
Nối mạch tình quê giữa hương ngàn
Ôi núi rừng che ta núi rừng bao vây quân thù bốn phía
Con đường Nam Bắc thiêng liêng tình nghĩa
Nơi chân trời đang dâng sắc hồng đang lan lòng ta như nắng
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ...".
Vở kịch dần khép lại với hình ảnh bác Nga nhìn lại từng kí ức với những người thân, đồng đội, những nạn nhân chất độc màu da cam đã không còn nữa hoặc vẫn đang còn chịu đựng dai dẳng sự tàn phá của dioxin trên cơ thể.
Không chỉ thế, có thể con cái họ, thế hệ này, thế hệ khác vẫn bị nhiễm độc. Và hình ảnh bác Trần Tố Nga đi đầu trong cuộc tuần hành đòi công lý cho các nạn nhân chất độc màu da cam, trong đó có bác, tại thủ đô Paris.
Dù công lý vẫn chưa được công nhận, những những người tuần hành và hàng triệu người khác trên hành tinh này vẫn tin tưởng và ủng hộ sự dũng cảm của bác để đi tiếp chặng đường đấu tranh, cho đến khi nào giành được công lý trong vụ án lịch sử có một không hai này.
Vở diễn kết thúc với những tràng pháo tay và tiếng hô vang không ngớt "Justice pour Trần Tố Nga!" (Công lý cho Trần Tố Nga). Rất nhiều khán giả bật khóc vì xúc động. Bà Phó Chủ tịch Quốc hội quay sang ôm lấy tôi và bảo "Tôi biết bạn đang xúc động và tự hào vì bác của bạn lắm. Hãy khóc nữa đi!", rồi bà đi lên phía trái sân khấu. Sau đó, ngài Thị trưởng Thành phố bước lên phát biểu, chia sẻ suy nghĩ của mình khi thành phố có người công dân danh dự tuyệt vời như bác Nga.
Tiếp theo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp cũng có bài phát biểu đầy tự hào về sự kiện này và chúc mừng bác. Các thiếu nhi thành phố cũng lên tặng hoa và chia sẻ cảm nghĩ về việc các em được truyền cảm hứng và hạnh phúc như thế nào khi được biết câu chuyện cuộc đời của bác. Sau khi bác nói lời cám ơn thì cả Nhà hát lại ào lên những tiếng vỗ tay và hô vang "Justice pour Tran To Nga" của các khán giả.
Cuối cùng, các báo đài, các khán giả, bạn bè cùng nhau chia vui, chuyện trò với một bữa tiệc cocktail ấm áp ngay tại sảnh Nhà hát. Rất nhiều người mua sách và huy hiệu mang hình ảnh bác.
Tôi bước ra khỏi nhà hát, trên ngực đeo huy hiệu, nhìn thấy ở ngoài cửa nhà hát, trời mưa lất phất, có rất nhiều người vẫn đứng nói chuyện, trong đó có một cặp rất trẻ, ôm lấy cuốn sách vào ngực nhìn nhau. Tôi lại không kìm được nước mắt...
Một buổi tối mùa thu Paris, trời mưa lạnh. Nhưng lòng tôi vô cùng ấm áp...
23h30, bác gọi điện hỏi: "Con có mệt không? Con đã về tới khách sạn chưa? Bác đang trên xe về nhà. Hôm nay, con gái của bác không phải xấu hổ gì với bác của nó, bác của nó cũng được nhỉ?".
Tôi nói: "Con xúc động lắm và chỉ muốn tối nay bác ngủ thật ngon ạ. Hôm nay chương trình từ 6:30 đến giờ là bác mệt quá rồi!". "Không, bác không mệt đâu. Bác chỉ lo con thôi!".
Đúng rồi, bác đâu có mệt đâu. Bác là chiến sỹ Trường Sơn mà. Lao tù Côn Đảo không khuất phục được bác. Bác mãi là người chiến sỹ không mệt mỏi trên con đường đấu tranh cho hoà bình và công lý.
Yêu và tự hào về bác của tôi, Trần Tố Nga!
Tối 26/9, tại Nhà hát Romain Rolland của TP Villejuif, Thị trưởng Pierre Garzon đã trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự của Villejuif”, phần thưởng cao quý nhất của thành phố dành cho bà Trần Tố Nga, người đã đấu tranh đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam Đinh Toàn Thắng, Nghị sĩ danh dự Hélène Luc, các thành viên Hội Hữu nghị Pháp - Việt, cùng hàng trăm người dân thành phố Villejuif.
Theo báo Quân đội Nhân dân, ại buổi lễ, Thị trưởng Garzon khẳng định bà Trần Tố Nga lớn lên trong chiến tranh ở Việt Nam và đã không ngừng đấu tranh vì hòa bình. Bị nhiễm chất độc da cam và ảnh hưởng trực tiếp đến các thế hệ con cháu, bà đã đi đầu trong cuộc chiến lịch sử để đòi các tập đoàn hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm với những hủy hoại sinh học này, đưa những tập đoàn này ra trước công lý. Gặp rất nhiều rào cản nhưng thời gian qua bà vẫn luôn không ngừng đặt niềm tin vào công lý.
Bà Trần Tố Nga đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới và đã giúp cho tiếng nói của những người bị lãng quên trong chiến tranh đã có thể được lắng nghe. Ghi nhận những cống hiến của bà, không chỉ cho cá nhân mà là cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, công lý, TP Villejuif chia sẻ những giá trị sâu sắc này cùng với bà Nga.
Về phần mình, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ vô cùng xúc động, nhấn mạnh rằng khoảnh khắc này có tầm quan trọng đặc biệt vì đây không chỉ là sự tri ân dành cho một người phụ nữ đặc biệt mà còn chia sẻ với tất cả các nạn nhân chất độc da cam.
Đại sứ khẳng định quyền công dân danh dự mà TP Villejuif trao cho bà Trần Tố Nga hôm nay là biểu tượng mạnh mẽ của tình đoàn kết và tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Pháp, nhưng cũng là sự ghi nhận cuộc đấu tranh toàn diện của bà vì các nạn nhân chất độc da cam. Đó là cử chỉ phản ánh lòng nhân ái và sự cam kết của TP Villejuif đối với những người đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp và công bằng hơn.
Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 tại Nam bộ. Bà là con gái của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam.
Năm 1954, bà Trần Tố Nga tập kết ra Bắc. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà xung phong về hoạt động ở miền Nam, làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, phục vụ ở các mặt trận nóng bỏng như: Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn - Gia Định.
Năm 1972, bà được cử vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Tháng 8/1974, bà bị địch bắt tù đày cho đến ngày 30/4/1975. Năm 1993, bà sang sống ở Pháp, sau đó trở thành công dân Pháp.
Là nạn nhân của chất độc hóa học, bà Trần Tố Nga đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với việc làm đó, bà đã được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh.
Tháng 5/2009, bà đã đứng ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm Quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971.
Từ năm 2014, bà Trần Tố Nga đã đệ đơn lên thành phố Evry, Cộng hòa Pháp, kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, làm cho hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.
Và từ đó cho tới nay, trải qua 10 năm, mặc dù các tòa ở Evry và Paris (Pháp) đều bác đơn kiện của bà nhưng Trần Tố Nga vẫn kiên trì trên con đường tìm lại công lý cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và trên toàn thế giới.