Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Còn đúng nửa tháng nữa (22/8) là đến ngày tòa án Paris của Pháp sẽ ra phán quyết về vụ kiện của bà Trần Tố Nga - một trong những nạn nhân của chất độc da cam dioxin - đối với các Công ty hóa chất Mỹ. Chưa biết kết quả sẽ nghiêng về phía nào, nhưng chúng ta cùng hy vọng tiếng nói của chính nghĩa sẽ được dư luận chú ý.
Trước thời điểm quan trọng này, Dân Việt đăng tải loạt bài viết của bà Trần Tố Nga kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cũng như hành trình tìm kiếm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, một hành trình mà bà tự đánh giá là "lâu dài, đầy khó khăn, thậm chí là khốc liệt"...
Kiên nhẫn
Từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2024, các luật sư đã đấu tranh bằng những phản biện gửi lên Tòa phúc thẩm Paris, những phản biện và chứng minh khoa học về việc các công ty hóa dầu Mỹ cung cấp chất khai quang cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam không phải do tuân theo lệnh của Chính phủ Mỹ mà là do vì lợi ích mà đáp gọi đấu thầu, dẫu các công ty hóa chất đều biết rằng trong chất khai quang ấy chứa một hàm lượng rất lớn chất dioxin, là chất độc chết người.
Can đảm
Đây là phẩm chất mà các luật sư của chúng ta có thừa. Ông bà mình có câu: Hai chọi một không chột cũng què. Mà ở đây, hai luật sư của ta chọi lại 28 luật sư sừng sỏ bên bị mà đứng rất vững, bình tĩnh, sáng suốt và lập luận luôn đanh thép.
Nhiều lần tôi hỏi: Các bạn mệt chưa, các bạn có nản không? Trả lời tôi là một nụ cười đầy tự tin, như một hiển nhiên, từ các vị luật sư đáng kính.
Đội ngũ ủng hộ vụ kiện hiện đã lên đến 17 hội đoàn ở Pháp và nhiều nước khác cùng nhiều ngàn cá nhân, đội ngũ các bạn trẻ ngày càng đông, ngày càng mạnh, ngày càng trang bị khoa học tiên tiến và hiện đại. Điều này đã làm cho tội ác của chất độc da cam ngày càng được nhiều người biết đến, vượt ra khỏi biên giới nước Pháp để bay đến Bỉ, Thụy sĩ, Mỹ, và nhiều nước nữa.
"Tố Nga không đơn độc" - những chữ ấy được lặp đi lặp lại không chỉ ở Việt Nam, không chỉ ở Paris, ở New York, Bruxelles, Lausanne, mà ở mọi lúc mọi nơi khi người ta nói về vụ kiện, như một lời động viên, một cách truyền năng lượng và niềm tin cho bà già tóc bạc là tôi.
Hy vọng
Một cách trung thực, không thể nói rằng tôi hoàn toàn hy vọng vào công lý của tòa án. Khi chính trị xen vào vụ kiện, một vụ kiện quốc tế có quá nhiều mối liên quan "khủng", một phán quyết đi ngược lại công lý như của Tòa sơ thẩm là có thể hiểu, có thể đoán được. Hy vọng tiếp tục vào phán quyết của các tòa cấp trên cũng chỉ mong manh, nhưng tôi không thể không hy vọng dù biết là vô cùng mong manh.
Tuy nhiên, nếu hiểu rằng đích cuối cùng, chiến thắng chân chính của vụ kiện là làm cho ngày càng nhiều người trên thế giới hiểu tội ác của chiến tranh hóa học - điều đã được ghi nhận là tội ác trong luật của Liên Hợp quốc thì chúng ta đã đi một bước rất dài, đã thắng lớn khi cuộc đấu tranh đã lan tỏa ra toàn thế giới.
Vẫn thắp lên hy vọng bởi, khi tòa Evry tuyên bố không có quyền xét xử đơn kiện của tôi thì lần đầu tiên trong lịch sử nghị viện của cả thế giới, Hạ viện Bỉ, với sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả các đảng phái, đã ra một Nghị quyết Ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam, trong đó vụ kiện là một trong những động lực thúc đẩy những người tác động cho sự ra đời của nghị quyết.
Một Nghị quyết ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam của nước Bỉ cũng có nghĩa là chính thức thừa nhận với toàn thế giới tác hại và sự tồn tại của tội ác da cam. Và một cách nào đó, nó tiếp sức, khẳng định tính chính nghĩa của vụ kiện Trần Tố Nga.
Vậy thì, hy vọng là chính đáng vì lương tâm con người đang tỉnh thức, đã tỉnh thức và sẽ được tỉnh thức trước những đấu tranh chính nghĩa.
Khi được luật sư thông báo phiên xử phúc thẩm được mở vào ngày 7/5/2024, tôi bỗng cảm nhận một thông điệp của hồn thiêng sông núi.
Ngày 7/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, lững lẫy năm châu khiến chế độ thực dân dần bị kết thúc ở tất cả các nước thuộc địa. 70 năm sau, ngày 7/5/2024, trên đất Pháp, một phụ nữ Việt Nam sẽ đương đầu với 14 tập đoàn hóa chất giàu mạnh của một nước giàu mạnh.
Tại Điện Biên Phủ, trong nghĩa trang đồi A1, tôi cầu xin vong linh tất cả liệt sĩ Điện Biên Phủ và "tham lam" hơn, liệt sĩ của đất nước phù hộ cho tôi và tôi tin rằng lời cầu xin ấy đã được nghe thấu. Tôi đi vào cuộc chiến phúc thẩm cũng bình thản và tự tin như đã từng. Nhưng tôi không đơn độc, từ lâu rồi, tôi không còn một mình nữa.
Ngày 30/4/2024 - họp báo, ra thông cáo báo chí
Để có một cuộc họp báo với sự có mặt của hơn 20 nhà báo đại diện cho tất cả các báo và đài lớn của Paris và nước Pháp, của Việt Nam, không phải tôi mà là Ủy ban ủng hộ vụ kiện của Trần Tố Nga, Hiệp hội Thanh niên người Việt tại Pháp, Hiệp hội Sông Việt, Tập hợp Việt Nam Dioxine đã phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước, khi tôi còn ở Điện Biên Phủ.
Sau cuộc họp báo, không chỉ có thông cáo báo chí ở Pháp, mà ngay hôm sau, rất nhiều báo và đài Việt Nam, kể cả người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam đã thông báo chính thức về phiên xử phúc thẩm sắp tới.
Một bức thư của Hội Luật gia Dân chủ Thế giới phân tích rất rõ về tính chính nghĩa của vụ kiện đã được gửi trực tiếp cho tòa án. Hơn 20 bài báo Pháp lên tiếng và thông báo về "sự kiện mang tính lịch sử" cũng như kêu gọi sự tập hợp của nhiều người ủng hộ Trần Tố Nga và vụ kiện.
Ngày 4/5/2024 - Tập hợp lực lượng tại quảng trường lớn Paris
Hơn 300 người trong đó có nhiều Đại biểu Quốc hội Pháp, nhiều thị trưởng mang giải băng cờ Pháp đã hô vang "Công lý cho Trần Tố Nga" làm nức lòng người chuẩn bị đi chiến đấu.
Tượng Marianne cao 10 thước, biểu trưng của nước Pháp, được khoác áo da cam với câu: "Chất độc da cam vẫn đang giết người" làm cho người tham dự mít tinh và cả người đi đường dừng lại theo dõi, quan tâm.
Khi một người lính cứu hỏa leo lên, gỡ xuống thì Marianne nước Pháp cũng đã mặc áo da cam rồi. Trước biển người ủng hộ chính nghĩa, trước những tiếng reo đòi công lý, làm sao mà mình không thấy hạnh phúc tràn ngập tâm hồn, làm sao mà mình có thể lùi bước.
Không thể, mà cũng không có quyền.
Ngày 7/5/2024, ra tòa phúc thẩm mà như đi trẩy hội
Tôi ra tòa mà như đi trẩy hội. Cả trăm người đã đứng trước cổng, chờ cho thủ tục rất chậm của an ninh để vào trong tòa. Như trẩy hội vì mọi người ôm hôn nhau, bắt tay nhau, cười nói râm ran. Chỉ không dám hô khẩu hiệu, sợ rắc rối cho phiên xử.
Một phòng xử nhỏ, bên trái không đủ chỗ cho 17 luật sư và đại diện của 14 tập đoàn Mỹ. Bên trái chỉ có hai luật sư của chúng ta, một bà già đầu bạc và vây xung quanh chật phòng là những người ủng hộ vụ kiện, kẻ ngồi, người đứng vì thiếu chỗ.
Hình ảnh giống như phiên sơ thẩm, nhưng vì chúng tôi có kinh nghiệm đã qua, nên chủ động hơn từ trong tư thế đến nét mạt, luôn tỏ rõ sự không căng thẳng, dù biết trước những gì sẽ xảy ra. Có khác chăng là Chánh án đã giải thích cho tôi về diễn tiến của phiên xử và nhắc người trẻ nhường chỗ cho người tóc bạc.
40 phút giành cho luật sư của bà Trần, hơn 3 tiếng giành cho luật sư bên bị, chỉ tranh tụng một chủ đề: Quyền miễn trừ pháp lý của các tập đoàn Mỹ.
Nếu như trong phiên sơ thẩm, bên bị dồn cho ba luật sư tập trung tấn công, bôi bác nói sai sự thật hiển nhiên và xúc phạm bên nguyên thì trong phiên phúc thẩm, mỗi luật sư đại diện cho từng công ty tranh nhau thanh minh để được quyền miễn trừ pháp lý, mạnh ai nấy tự bảo vệ mình...
Ngày 22/8/2024, Tòa phúc thẩm sẽ tuyên án
Cũng một quang cảnh như phiên sơ thẩm, người ủng hộ đã kiên nhẫn đứng hơn 3 tiếng để động viên, để cảm ơn, để phỏng vấn luật sư của ta, trong khi cả đoàn luật sư kia len lén đi trong im lặng và cả trong sự ghẻ lạnh của công chúng.
Hơn 50 bạn trẻ đứng chờ ở ngoài đường, trước cổng tòa án và hô vang "Công lý cho Trần Tố Nga".
Vậy thì không cần chờ kết luận của tòa, xin cho phép tôi được cảm ơn linh thiêng sông núi, linh thiêng Điện Biên Phủ và cảm ơn tất cả lương tri của thế giới đã vì nạn nhân da cam mà hai tiếng "Công lý" được vang lên trong ngày 7/5/2024 và sẽ còn vang tiếp: CAN ĐẢM, KIÊN NHẪN và HY VỌNG.
Tôi năm nay đã 82 tuổi, cuộc chiến đấu vì công lý cho nạn nhân da cam sẽ còn đi tiếp và chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Và tôi cũng không biết chắc mình còn bao nhiêu lần phải ra tòa nữa. Nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng, với một niềm tin và sự kiên định không thể lay chuyển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.