Gian bếp phía sau ngôi nhà gỗ gia đình Già làng Điểu Trang (người dân quen gọi với cái tên gần gũi là "già Điểu Trang") ở bon Bù Bir, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp được xây dựng theo lối không gian xưa.
Bếp thường xuyên đỏ lửa. Quanh gian bếp là nơi trưng bày, lưu giữ các vật dụng truyền thống như ché cổ, dụng cụ lao động đã gắn bó với ông từ thời niên thiếu đến nay.
Già Điểu Trang, người dân tộc M'nông, ở bon Bù Bir, xã Quảng Tín, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) người am hiểu về đàn đá và những câu chuyện ở bon làng.
Bên bếp lửa, già Điểu Trang kể cho tôi nghe những câu chuyện về việc tìm thấy những bộ đàn đá trên dòng suối Đắk Ka.
Già Điểu Trang khẳng định: "Đàn đá trong tiếng M'nông gọi là goong lú. Đàn đá Đắk Ka là báu vật của bon làng Bù Bir".
Theo già Điểu Trang, người M’nông truyền tai nhau rằng, hơn nửa thế kỷ trước, trong một lần đào đất, dựng lều rẫy cạnh suối Đắk Ka, một gia đình trong bon đã phát hiện 3 thanh đá.
Khi gõ thử vào, những thanh đá phát ra âm thanh lạ lẫm nên họ mang về giao cho già làng. Từ đó, những thanh đá trở thành nhạc cụ diễn tấu trong các lễ hội lớn của bon.
"Tiếc là chiến tranh loạn lạc, bộ đá đó bị thất lạc", già Điểu Trang tiếc nuối.
Già Điểu Trang kể tiếp, năm 1985, khi đi giăng lưới bắt cá ở suối Đắk Ka, ông Điểu Bang, người dân trong bon, đã vô tình phát hiện 3 thanh đá.
Các thanh đá này có bề ngoài đẹp, khi đánh vào phát ra âm thanh vui tai. Đến năm 1993, các nhà nghiên cứu cùng ông Điểu Bang và người dân trong bon Bù Bir làm lễ cúng bên suối Đắk Ka và mang 3 thanh đá về nghiên cứu.
Sau những câu chuyện tìm thấy đàn đá trên dòng suối Đắk Ka, người M'nông nơi đây còn kể về những yếu tố thần linh khi buổi đầu sử dụng đàn đá.
Già Điểu Trang cho biết, khi ông còn nhỏ, trong bon có 1 bộ đàn đá 3 thanh. Bộ đàn đá này thường thường được sử dụng trong các buổi lễ lớn của bon làng như: Lễ cúng thần linh; lễ mừng mùa màng bội thu; lễ cầu mưa...
Tiếng đàn đá được kết hợp cùng với tiếng chiêng, trống và điệu múa truyền thống để tạo ra không khí của các lễ hội. "Người M’nông tin rằng, âm thanh từ đàn đá là tiếng nói của tổ tiên, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại", già Điểu Trang cho hay.
Trong quá trình lên nương rẫy, đánh bắt cá, lao động sản xuất dọc suối Đắk Ka, người dân bon Bù Bir đã tìm thấy nhiều thanh đá và khi kết hợp lại với nhau tạo thành bộ đàn đá có giá trị về âm nhạc.
Anh Phạm Văn Phương, người dân trong bon Bu Bir cho biết, sau khi nghe câu chuyện về đàn đá được tìm thấy ở suối Đắk Ka, anh đã nhiều lần đi dọc bờ suối vào mùa khô để tìm.
"Tôi đã tìm được 27 thanh đá có âm thanh và được các nghệ nhân trong bon đánh giá có thể sử dụng làm nhạc cụ đàn đá", anh Phương cho biết.
Trải qua hàng thế kỷ, đàn đá trở thành phương tiện giải trí gắn liền với đời sống tâm linh, phong tục và lễ nghi của người M'nông.
Anh Phạm Văn Phương, bon Bù Bir, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)
Để tìm được những phiến đá hoàn hảo, anh Phương phải dành rất nhiều thời gian đi dọc dòng suối Đắk Ka, gõ thử từng viên đá và lắng nghe âm thanh.
Những thanh đá tốt nhất phải có độ dày và độ nặng vừa phải, có thể phát ra âm thanh sắc nét, trong trẻo nhưng cũng phải đủ bền để không bị vỡ khi gõ.
"Sau khi tìm được, tôi mang những viên đá về làng, cẩn thận lựa chọn để tạo ra các bộ đàn đá với số lượng thanh đá khác nhau", anh Phương cho biết.
Bà Trần Thị Kiều Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Nông cho biết, suối Đắk Ka có rất nhiều thanh đá là nhạc cụ của người cổ xưa.
Hiện nay, đàn đá Đắk Ka có giá trị rất lớn về mặt âm nhạc, văn hóa của người M'nông và là hiện vật rất có giá trị về mặt khảo cổ học.
Phương thức thức gia công đàn đá là ghè đẽo, chế tác. Người tiền sử đã tạo ra đàn đá gồm 3 thanh với ý nghĩa là: thanh t’ru (cha), thanh t’rơ (mẹ), thanh tê (con).
Cũng theo bà Vân, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đàn đá Đắk Ka có niên đại khoảng 2.500 - 3.000 năm, được làm từ chất liệu đá sừng.
"Đàn đá Đắk Ka bổ sung vào bộ sưu tập nhạc cụ nhóm đá sừng. Nó đóng góp mới cho việc nghiên cứu khoa học về các nền văn hóa nghệ thuật cổ xưa, đặc biệt là các dân tộc ở Tây Nguyên", bà Vân chia sẻ.
Việc giải mã đàn đá Đắk Ka của các nhà nghiên cứu đã tái hiện dòng lịch sử Tây Nguyên thời cổ đại. Đàn đá Đắk Ka góp phần cung cấp cho thế hệ đương đại một góc nhìn toàn cảnh về di sản văn hóa độc đáo mà người tiền sử trên vùng đất Tây Nguyên đại ngàn đã sáng tạo, lưu truyền đến ngày nay.
Đàn đá tiếng M'nông gọi là goong lú và được nhắc đến trong nhiều sử thi M'nông cổ xưa. Các câu chuyện của người M'nông về phát hiện và sử dụng đàn đá khẳng định nguồn gốc goong lú là của người M'nông.
Các nhà nghiên cứu đánh giá
Ông Bùi Thanh Long, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) cho biết, vùng đất Đắk Ka cùng với đàn đá và các câu chuyện về đời sống người dân M'nông sẽ là sản phẩm du lịch trong tương lai.
Hiện nay, địa phương rất quan tâm tới việc vùng đất có những "thanh đá kêu" này sẽ được khảo sát, đánh giá để kết hợp phát triển du lịch.
Đàn đá Đắk Ka đang được trưng bày ngay gian đầu tiên của Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông. Đến đây, người dân, du khách có thể đến tận mắt nhìn và nghe giới thiệu về đàn đá Đắk Ka.
Chị Nguyễn Thị Vân đến từ Đắk Mil cho biết, tôi rất bất ngờ với hiện vật đàn đá Đắk Ka, vì nó được tìm thấy tại Đắk Nông, mang theo nó là câu chuyện thú vị về người M'nông xưa với văn hóa, lối sống độc đáo.
Tại Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông, ngoài nghe thuyết trình, du khách có những trải nghiệm thú vị với sản phẩm được lấy cảm hứng, sáng tạo từ đàn đá Đắk Ka.
Năm 2019, trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông, một nhóm nghệ sĩ người Pháp đã lấy cảm hứng từ những âm thanh của đá.
Các nghệ sĩ đã kết hợp giữa đàn đá Đắk Ka với ứng dụng công nghệ tiên tiến để tạo nên một bộ đàn đá hiện đại với âm thanh của đá rất huyền bí và đầy tính khám phá.
Bộ đàn đá hiện đại Nhà Triển lãm âm thanh tỉnh Đắk Nông được tạo nên bởi 5 thanh đá, dựa trên 5 yếu tố của tự nhiên (ngũ hành) gồm: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ.
Khi tác động, bộ đàn đá này phát ra âm thanh dựa trên nguyên tắc cảm ứng từ bàn tay con người, không cần dụng cụ gõ. Chỉ cần đặt nhẹ tay hoặc vuốt lên bề mặt của từng thanh đá thì sẽ phát ra âm thanh.
Du khách có thể trải nghiệm bằng cách tương tác trực quan đầy tính nhạc. Mỗi người khi dùng tay xoa nhẹ vào mỗi thanh đá sẽ tạo ra âm thanh tuy nhiên điều thú vị là những âm thanh này không giống nhau trong mỗi lần chạm.
Bộ đàn đá Đắk Ka cũng là biểu tượng của “Xứ sở của những âm điệu” - Điểm di sản số 32 trong tổng số 41 điểm di sản thuộc Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Đức Hùng (Báo Đắk Nông).