Dân Việt

Sáp nhập Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn: Sẽ chào bán cổ phiếu vào quý 4/2024 để hợp nhất

Thế Anh 01/10/2024 11:29 GMT+7
Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, có phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và đường sắt Sài Gòn đang được tiến hành thực hiện khẩn trương, thận trọng.

Nói về tiến độ sáp nhập 2 đơn vị này, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, thực hiện lộ trình được Thủ tướng xác định tại Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/06/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) phải thực hiện xong việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hoàn thành trong năm 2024.

Sáp nhập Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn: Sẽ chào bán cổ phiếu vào quý 4/2024 để hợp nhất- Ảnh 1.

Ga Hà Nội.

Theo ông Khánh, hồ sơ hợp nhất 2 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét. Dự kiến trong quý 4/2024 sẽ cấp phép về việc chào bán cổ phiếu để hoán đổi, thực hiện hợp nhất.

Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên VNR sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn của VNR tại 2 Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định để hợp nhất.

Các nội dung sẽ được thực hiện như: công bố thông tin, chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu, hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt...

Cùng đó, VNR dự kiến sẽ thực hiện đăng ký kinh doanh của công ty sau hợp nhất vào đầu quý 4/2024, đảm bảo việc hợp nhất xong trong năm 2024 đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Về nguồn vốn sở hữu tại các đơn vị này sau khi hợp nhất, ông Khánh cho hay: "Phương án lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt". 

"Nội dung này được VNR đề cập trong Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025 và được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ", ông Khánh nêu.

Cũng theo ông Khánh, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với ý kiến của các cơ quan về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình phù hợp giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Công ty mẹ tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất.

Đồng thời, phải linh hoạt, để có thể thuận lợi thoái vốn khi có đối tác. Việc giảm cổ phần chi phối sẽ tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia, đổi mới, nâng cao dịch vụ vận tải đường sắt.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất VNR về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ vốn góp của Công ty mẹ tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất và được thực hiện trong giai đoạn sau là phù hợp.

Sau khi doanh nghiệp hợp nhất đi vào hoạt động, trên cơ sở đánh giá 1 - 2 năm thực tiễn hoạt động, VNR sẽ nghiên cứu định hướng giảm tỷ lệ chi phối tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt; chuyên môn hóa doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách trong quá trình xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2025 - 2030.