Dân Việt

81.000 tỷ đồng “bay” vì bão số 3: Hạ Long “xin” kinh phí từ Trung ương

Huyền Anh 01/10/2024 12:51 GMT+7
Cơn bão số 3 gây thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng, đẩy nhiều địa phương vào khó khăn. Doanh nghiệp và người dân đang kỳ vọng các chính sách hỗ trợ sẽ sớm được triển khai để giúp họ nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.

81.000 tỷ đồng “bay” vì bão số 3: Hạ Long “xin” kinh phí  rung ương, doanh nghiệp kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

Hỗ trợ càng nhanh càng tốt

Tại tọa đàm "Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?", do báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (1/10), ông Đỗ Việt Thanh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO: Doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều tòa nhà ven biển. Khi cơn bão quét qua, tất cả bằng 0, hàng trăm căn hộ bị bay kính. Doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Ông Thanh nhấn mạnh, nếu việc hoạt động trở lại chậm trễ, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, dòng tiền, và phải đối mặt với chi phí nhân công cao. Ông mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hỗ trợ nhanh chóng cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão.

Ngoài ra, quá trình bồi thường bảo hiểm cũng đang gặp nhiều khó khăn. Dù doanh nghiệp đã gửi yêu cầu thẩm định bảo hiểm từ ngày 8/9, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào, điều này làm chậm trễ quá trình hồi phục sau bão.

81.000 tỷ đồng “bay” vì bão số 3: Hạ Long “xin” kinh phí  rung ương, doanh nghiệp kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp - Ảnh 2.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng thừa nhận, thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng rất nặng nề. Trong đó, riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn14.000 lồng bị thiệt hại cực kỳ lớn. Ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng bị tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ Tết bị mất trắng.

Hiện ở các tỉnh phía Bắc đang bắt đầu vào vụ Đông, do đó Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cụ thể từng giải pháp cá ở trên ao, cá ở trên sông, nuôi trồng thủy sản. Quan điểm của Bộ là sẽ từng bước cố gắng hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất.

Ông Luân cũng cho hay, hiện bà con nuôi trồng thủy sản bị mất trắng đều mong muốn có nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. Dù ngành ngân hàng đã có những giải pháp, nhưng với mỗi người nuôi có sản phẩm đặc thù khác nhau. Có những loài 5-7 tháng thu hoạch, nhưng có loại 3 năm mới thu hoạch. Do đó, ông mong muốn ngân hàng có những chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt, sớm khoanh nợ, giãn nợ cho bà con để có họ có cơ hội phục hồi sản xuất.

"Quan trọng nhất thời điểm này là việc tổ chức thực thi như thế nào để đảm bảo chính sách có hiệu quả khẩn cấp", ông Luân nhấn mạnh.

81.000 tỷ đồng “bay” vì bão số 3: Hạ Long “xin” kinh phí  rung ương, doanh nghiệp kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp - Ảnh 3.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.

Trước những mong muốn của doanh nghiệp, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, trước đây trong đại dịch COVID-19, để phục hồi và phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều chính sách như miễn giảm cho các đối tượng bị ảnh hưởng (gần 60.000 tỷ đồng). Sau đó, ngành Ngân hàng cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng (không trả được nợ).

"Ngành Ngân hàng xác định khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn thách thức của chúng tôi. Ngân hàng có chính sách thì địa phương cũng phải có chính sách hỗ trợ. Phải có sự đồng bộ", bà Giang nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước đã có những chia sẻ trao đổi trong các cuộc họp với Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác tương tự như Nghị định 02. Bà Giang cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ một cơ chế: Giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão.

Với các lĩnh vực khác, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng, giữ nguyên nhóm nợ cho những khoản vay được cơ cấu.

"Trước ngày 3/10, các tổ chức cá nhân sẽ gửi ý kiến về cho Ngân hàng Nhà nước, sau đó chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Sau khi Chính phủ có ý kiến, chúng tôi sẽ chỉ đạo triển khai trong toàn bộ hệ thống. Đó là các giải pháp khắc phục, hỗ trợ, giúp đỡ cho khách hàng. Chúng tôi cũng đề nghị các bộ ngành địa phương chủ động, tích cực để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bộ với Ngân hàng Nhà nước", bà Giang nói.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên khách hàng bị ảnh hưởng thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, cụ thể là nợ xấu gia tăng.

"Nợ xấu gia tăng thì phải chi thêm chi phí để khắc phục, vậy nên chúng tôi rất coi trọng việc hỗ trợ, giúp đỡ cho khách hàng của mình. Phải nhanh, kịp thời, tận dụng cơ hội để giúp đỡ người dân. Đây là định hướng của toàn bộ hệ thống của Ngân hàng Nhà nước", bà Hà Thu Giang nói.

Hạ Long mong có kinh phí từ Trung ương

Tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh), sau bão, TP. Hạ Long ban hành khắc phục thiệt hại và kế hoạch tái thiết thành phố. Trong 3 tháng cuối năm, Hạ Long tập trung nguồn lực, đồng bộ nhóm giải pháp và dành nguồn lực 474 tỷ đồng để thực hiện giải pháp ngắn hạn. Năm 2025, tập trung giải pháp tái thiết thành phố, triển khai công trình trọng điểm.

Đồng thời, thành phố cũng đề xuất xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tránh trú bão vào năm 2025 với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, mong nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, TP. Hạ Long vẫn gặp khó khăn trong việc hỗ trợ trục vớt tàu du lịch bị đắm vì thiếu quy định cụ thể.

Do đó, ông Sơn hy vọng Trung ương sẽ sớm có chính sách cụ thể để hỗ trợ cả về kinh phí lẫn thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp và ngư dân tại Hạ Long nhanh chóng khôi phục sau thiệt hại nặng nề từ bão số 3.