Dabaco không bị thiệt hại lớn sau bão Yagi, lên kế hoạch tăng đàn, tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch năm
Dabaco không bị thiệt hại lớn sau bão Yagi, lên kế hoạch tăng đàn, tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch năm
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 28/09/2024 08:11 AM (GMT+7)
CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) cho biết, Dabaco không bị thiệt hại lớn sau bão Yagi. Tập đoàn này đang có kế hoạch tăng đàn lợn, dự kiến mở thêm một nhà máy thức ăn chăn nuôi...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, bão Yagi đã gây ra thiệt hại đáng kể ở khu vực phía Bắc, với hơn 20.000 con lợn và bò bị tiêu hủy. Tuy nhiên, đàn lợn của Dabaco vẫn tương đối an toàn.
Tuy nhiên, các rủi ro tiềm ẩn từ dịch bệnh và sức khỏe của gia súc ở các khu vực bị ngập lụt vẫn sẽ đáng lo cho Dabaco.
Thực tế, con số đàn lợn thiệt hại có thể cao hơn nhiều lần so với thống kê do các khó khăn trong việc thu thập dữ liệu và nhiều địa phương vẫn đang phải khắc phục hậu quả bão lũ. Nhu cầu về lợn và gà giống dự kiến sẽ cao, vì nông dân cần tái đàn sau lũ.
Sau mưa bão, nguồn cung lợn bị thiếu hụt đột ngột đã đẩy giá lợn hơi tăng trở lại, đặc biệt là tại miền Bắc. Hiện giá lợn hơi trên cả nước đang ở quanh mức 70.000 đồng/kg - mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Nhiều hãng chứng khoán nhận định giá lợn hơi khó có thể giảm xuống trong những tháng tới đây, thậm chí có thể tiếp tục tăng hơn nữa tại thời điểm sát Tết Nguyên đán (nửa cuối tháng 1/2025).
Trong tháng 9, giá lợn hơi đã tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Nửa cuối năm thường là mùa cao điểm và dự kiến nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi. Giá lợn vì thế khó giảm xuống mức như năm ngoái, chỉ khoảng từ 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán SSI Research, ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cho biết, bên cạnh việc đàn lợn của công ty vẫn ổn, việc thử nghiệm nội bộ thành công vaccine tả lợn châu Phi (ASF) tại các đơn vị chăn nuôi đã giúp Dabaco kiểm soát cơ bản dịch bệnh, góp phần thúc đẩy năng suất sinh sản đàn lợn nái, cá biệt có đơn vị đạt 33-35 con/nái/năm – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cũng tiết lộ, với việc nhập khẩu giống lợn mới từ Pháp, chi phí sản xuất trung bình của công ty hiện chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg, thậm chí một số điểm trại ở tỉnh Thanh Hoá ghi nhận mức chi phí chỉ ở mức 48.000 đồng/kg, thấp hơn 10 - 12% so với mức 55.000 đồng/kg vào năm 2022.
Về quá trình thương mại hoá vaccine dịch tả lợn châu Phi (ASF), Dabaco cho biết đang đạt được tiến triển trong việc sản xuất vaccine ASF, với một nhà máy vaccine GMP đã hoàn thành và các sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Dabaco cho biết vaccine cho thấy hiệu quả khá khả quan, đồng thời các khách hàng quốc tế sẽ rất quan tâm. Nếu thành công, điều này có thể giúp Dabaco hạn chế dịch bệnh với đàn lợn của công ty và có doanh thu từ bán vaccine cho cả thị trường trong nước và quốc tế.
Dabaco tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch năm...
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, Dabaco đang có kế hoạch mở rộng hoạt động chăn nuôi lợn với việc tăng đàn lên 60.000 con lợn nái và 1,5 triệu con lợn thịt trong thời gian tới, nhằm chủ động nguồn lợn cho kinh doanh.
Theo Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Điều này sẽ khiến nhiều cơ sở chăn nuôi của các hộ nông dân phải đóng cửa, khiến mô hình "contract farm" (bao tiêu sản phẩm) phải thu hẹp. Do đó, Tập đoàn Dabaco sẽ buộc phải đầu tư mạnh vào các trang trại tập trung.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho biết, tập đoàn đang phấn đấu đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2025, chậm nhất là năm 2026 sẽ có trang trại tập trung với quy mô 58.000 - 60.000 lợn nái.
Trong ngắn hạn, Dabaco cũng dự kiến xây dựng hai trang trại mới ở các tỉnh Thái Nguyên và Hòa Bình, mỗi trang trại có quy mô 5.000 con lợn nái (hiện công ty có 50.000 con lợn nái). Để đáp ứng tăng trưởng trong hoạt động chăn nuôi, Dabaco cũng có kế hoạch mở một nhà máy thức ăn chăn nuôi mới trong trung hạn. Ban lãnh đạo Dabaco tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch của năm nay.
Trước đó, Dabaco cho biết mảng chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi tiếp tục là động lực chính, thúc đẩy kết quả kinh doanh của tập đoàn trong hai tháng đầu quý III/2024.
Doanh thu tháng 8/2024 của Dabaco đã đạt 2.024 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng 7/2024, với động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lợn. Tính chung hai tháng đầu quý III/2024, doanh thu của Dabaco đã tăng 12% so với 2 tháng liền kề trước đó và tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay Dabaco cũng đã đạt doanh thu thuần hợp nhất 6.437 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng hợp nhất gấp 36 lần cùng kỳ, đạt 218 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cho biết, kết quả kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng tích cực chủ yếu là nhờ tăng giá bán và sản lượng tiêu thụ một số mặt hàng, điển hình là giá lợn hơi với mức tăng ổn định trong 6 tháng đầu năm.
Dựa trên điều kiện thị trường hiện nay, SSI Research dự phóng doanh thu nửa cuối năm nay của Tập đoàn Dabaco sẽ đi ngang so với cùng kỳ năm 2023, đạt 5.300 tỷ đồng, nhưng lãi ròng có thể tăng gấp hơn 12 lần, đạt 254 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu của Tập đoàn Dabaco có thể đạt 11.700 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023, và lãi ròng đạt 472 tỷ đồng, tăng gấp 18 lần so với năm 2023.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cũng chia sẻ tập đoàn đang khẩn trương hoàn tất các bước cuối cùng để đồng bộ hóa Nhà máy sản xuất và phấn đấu thương mại hóa vaccine Dịch tả lợn châu Phi (ASF) trong quý IV/2024.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cho biết hiện tập đoàn đã thử nghiệm thành công vaccine ASF tại các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn và hoàn thiện các bước cuối cùng để thương mại hóa vaccine ASF nhờ vậy dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, năng suất sinh sản đàn lợn nái được nâng cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.