Dân Việt

"Kho vàng" trên biển Khánh Hòa: Nuôi tôm hùm, cá lồng thành tỷ phú nông dân (Bài 1)

Công Tâm 07/10/2024 05:55 GMT+7
Kể từ sau dịch Covid- 19, nền kinh tế của Khánh Hòa đã có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ, trong đó lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản trên biển, hậu cần nghề cá, du lịch biển đảo,... đã có bước phát triển mạnh mẽ, khai thác "kho vàng" trên mặt biển.

Ngư dân nuôi tôm hùm, cá bớp lãi trên 1 tỷ đồng/năm

Những ngày cuối tháng 9, thông qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, PV Dân Việt đã có dịp đến tham quan các mô hình nuôi tôm hùm, cá bớp trên vùng biển của TP.Cam Ranh (Khánh Hòa).

Sau hơn 30 phút lênh đênh trên biển, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hàng trăm ngư dân địa phương đang hối hả các công việc cho cá tôm ăn, làm vệ sinh lồng, đan lưới ô lồng hay vận chuyển các thức ăn tươi từ đất liền ra đến khu vực nuôi.

Kỳ 1: Ngư dân thu nhập tiền tỷ nhờ nuôi cá, tôm hùm trên biển - Ảnh 1.

Những con cá bớp của gia đình ông Phan Văn Thành, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa nuôi trong lồng bè HDPE đang chuẩn bị cho xuất bán. Ảnh: Công Tâm

Vừa lái tàu, ngư dân Nguyễn Minh Thơ (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết, gia đình đã có thâm niên nuôi tôm hùm hơn 10 năm nay, gia đình cũng vừa xuất bán tôm hùm cho các thương lái và đã có lãi.

Anh Thơ cho biết thêm, lâu nay gia đình nuôi tôm hùm theo phương pháp truyền thống và qua sự hỗ trợ của địa phương gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi lồng HDPE.

Với diện tích 24m2 gia đình thí điểm đầu tư nuôi theo công nghệ HDPE với 12 lồng nuôi. Với 600 con tôm hùm, sau thời gian chăm sóc khoảng 8 tháng gia đình xuất bán với giá 1 triệu đồng/kg, doanh thu trên 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 360 triệu đồng.

Kỳ 1: Ngư dân thu nhập tiền tỷ nhờ nuôi cá, tôm hùm trên biển - Ảnh 2.

Đàn cá bớp của gia đình ông Phan Văn Thành dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất bán.

Bên cạnh đó, với 600 lồng nuôi tôm theo phương pháp truyền thống gia đình anh Thơ cũng thu lợi nhuận ổn định và tạo việc làm cho khoảng 12 lao động. Với mô hình nuôi tôm hùm trên biển, sau khi xuất bán trừ chi phí gia đình anh lãi trên 1,2 tỷ đồng.

Theo những hộ nuôi tôm hùm ở Cam Ranh, thành phố Cam Ranh lâu nay được nhiều người biết đến nổi tiếng là "thủ phủ" tôm hùm, nghề này đã gắn bó nhiều thế hệ từ xưa đến nay.

Nuôi lồng theo công nghệ HDPE nhiều ngư dân đã yên tâm nuôi trồng 

Đang loay hoay cho đàn cá bớp ăn, ông Phan Văn Thành (phường Cam Thuận, Cam Ranh) cho biết, gia đình ông gắn bó nghề nuôi cá bớp hơn 15 năm nay. Nuôi lồng theo công nghệ mới HDPE có rất nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống, chịu được những cơn mưa bão, thời gian sử dụng lâu, có thể nuôi riêng hoặc chung nhiều loại đối tượng với nhau và nuôi được ở nhiều tầng nước khác nhau.

Ông Thành vừa nuôi cá theo cách truyền thống và kết hợp thí điểm nuôi 2 ô lồng HDPE. Những chiếc lồng truyền thống ông nuôi cá bớp nhỏ khi đạt trọng lượng khoảng 1kg rồi bắt đưa vào lồng HDPE, ông nuôi theo hình thức cuốn chiếu và cung cấp thường xuyên cho các khách hàng.

Kỳ 1: Ngư dân thu nhập tiền tỷ nhờ nuôi cá, tôm hùm trên biển - Ảnh 3.

Nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Cam Ranh mạnh dạn đầu tư nuôi tôm cá theo công nghệ HDPE. Ảnh: Công Tâm

Ông Thành vui cười nói, gia đình đã thí điểm nuôi lồng HDPE được một vụ cá bớp, vụ đầu tiên nuôi 8 tháng xuất bán gia đình bán đã có lãi, sau khi trừ chi phí lãi 600 triệu đồng. Hiện gia đình nuôi vụ cá bớp thứ 2 được 7 tháng, vụ cá này ông nhận định đạt hơn cá trước, cá đang ăn khỏe mập mạp và dự kiến nuôi khoảng 1 tháng nữa sẽ xuất bán cho các thương lái. Bình quân sau 8 tháng nuôi trung bình cá đạt khoảng 6kg, vụ này gia đình ông chắc chắn sẽ có lãi.

Ông Thành chia sẻ, vụ này nuôi cá bà con ai cũng mừng, giá bán hiện rất cao khoảng 155.000 đồng/kg, đây là tin rất vui cho cả gia đình ông và những hộ nuôi xung quanh.

Kỳ 1: Ngư dân thu nhập tiền tỷ nhờ nuôi cá, tôm hùm trên biển - Ảnh 4.

Ông Thành rất đam mê nuôi trồng thủy sản nhất là tôm hùm, cá bớp. Ảnh: Công Tâm

Với 200 ô tôm hùm kết hợp nuôi cá bớp trên biển, bình quân mỗi năm trừ chi phí gia đình ông Thành thu trên 4, 5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 2,5 tỷ đồng. Nhận thấy hiệu quả của việc nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ mới, ông đã vận động bà con làm theo công nghệ HDPE.

Ông Thành nói, ngoài lợi ích bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm lồng, sử dụng lồng HDPE còn giúp người nuôi chịu ít thiệt hại do thiên tai, hết lo ngại bão đổ bộ gây thiệt hại. Hiện nay, có khoảng gần 10 hộ bắt đầu áp dụng mô hình này.

Kỳ 1: Ngư dân thu nhập tiền tỷ nhờ nuôi cá, tôm hùm trên biển - Ảnh 5.

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh giúp cho người dân vùng biển có thêm thu nhập.

Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, Cam Ranh là vùng biển có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển, có đảo Bình Ba, Bình Hưng - xã Cam Bình, bán đảo Cam Lập - xã Cam Lập với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản lồng bè nổi bậc là: Tôm hùm, cá bớp, cá mú, cá chim mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, thành phố Cam Ranh đã phối hợp với Quỹ Thiện tâm hỗ trợ 10 hộ dân triển khai 10 mô hình thí điểm nuôi biển theo công nghệ HDPE chịu được sóng lớn, mang lại hiệu quả sản xuất cao.

Thành phố Cam Ranh có 11 xã, phường ven biển trên tổng số 15 xã, phường; trong đó, có khoảng trên 2.000 hộ dân hoạt động trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng và khai thác thủy sản là một trong những lĩnh vực quan trọng thu hút nhiều lực lượng lao động tham gia; hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè đã giúp cho đa phần các hộ ngư dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.