Diễn đàn Công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã diễn ra tại Hà Nội ngày 1/10. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện "Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024" (Techconnect and Innovation VietNam 2024) do Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 10 năm qua, Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...
Nhờ ứng dụng KH&CN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới; năng suất trồng rừng đạt bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm; công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt trên 40 tấn/ha, cao gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ.
"Trong bối cảnh hiện nay, ngành Nông nghiệp phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào và giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...", ông Nguyễn Mai Dương nói.
Tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch chia sẻ, sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú; sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ vẫn thấp (10-40% tùy ngành hàng), chất lượng sản phẩm chế biến chưa cao, tính cạnh tranh thấp, giá trị thấp, giá xuất khẩu thường thấp hơn giá thị trường thế giới cùng loại 10-15%.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch sẽ góp phần làm thay đổi phương thức và trình độ sản xuất.
Để thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo nói chung và lĩnh vực bảo quản chế biến sau thu hoạch nói riêng, cần tập trung nguồn lực (nhân lực và vật lực) theo từng giai đoạn để tăng cường năng lực nghiên cứu đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong bối cảnh nâng cao tính tự chủ và cải cách tiền lương; tạo môi trường sinh thái từ Nghiên cứu cơ bản, Nghiên cứu ứng dụng và Triển khai ứng dụng (Viện/Trường/Doanh nghiệp)... Đặc biệt, cơ chế, chính sách cần tháo gỡ, đổi mới và đồng bộ để khuyến khích và tạo được động lực cho các nhà khoa học.