Bình Thuận: Ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nông dân thị xã La Gi thu nhập cao hơn

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 13/08/2024 19:04 PM (GMT+7)
Ngày 13/8, trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã La Gi (Bình Thuận) cho biết, Hội vừa có báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ Bình Thuận về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững có giá trị gia tăng cao…
Bình luận 0

Nhiều nông dân hưởng lợi

Theo ông Phạm Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã La Gi(Bình Thuận), qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trên, nhiều hội viên nông dân đã áp dụng vào cuộc sống, công việc được ổn định, thu nhập được nâng cao...

Nhiều nông dân thu nhập cao nhờ ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững... - Ảnh 1.

Hội Nông dân thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận tổ chức cho hội viên tham quan, học kinh nghiệp SXNN công nghệ cao 2024 ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HND

"Việc này nhờ sự tích cực của Hội Nông dân các cấp đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, tổ chức học tập, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn thị xã La Gi...", ông Phạm Văn Mười chia sẻ.

Theo Hội Nông dân thị xã La Gi, trong các năm qua, Hội đã mở nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề, các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

Hàng tuần, hàng tháng, các cấp Hội thông qua việc sinh hoạt các chi, tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt là phát động phong trào vận động hội viên, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chủ động học hỏi kỹ năng nghề nghiệp trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Đến nay, đã có những chuyển biến, nâng cao trong nhận thức, thay đổi tư duy trong sản xuất của hội viên, nông dân. Từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô nhỏ sang quy mô lớn. Áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị hàng hóa, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn sản phẩm…

Trong 3 năm qua, Hội Nông dân thị xã La Gi đã mở 10 khóa tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và có hơn 530 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia.

Các hội viên được học chuyên sâu về cách phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi, quy trình sản xuất rau an toàn, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó là kỹ năng sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật độc hại.

Nhiều hội viên đã nắm vững kiến thức tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bao tiêu sản phẩm đầu ra; về chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm)…

Nhiều nông dân thu nhập cao nhờ ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững... - Ảnh 2.

Hội Nông dân thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng các ngành liên quan tuyên truyền các chính sách của Nhà nước đến hội viên. Ảnh: HND

Áp dụng vào cuộc sống

Một ngày đầu tháng 8/2024, PV Dân Việt có dịp đi ngang và ghé thăm những vùng nông thôn ở thị xã La Gi. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con nông dân bàn và trao đổi với nhau về ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững có giá trị gia tăng cao, để tăng thu nhập…

Theo Hội Nông dân xã Tân Hải, nhiều hội viên đi học các khoá trên về đã áp dụng và hiệu quả rõ ràng, cụ thể là mô hình trồng tre tứ quý lấy măng. Hiện có trên 15 hội viên nông dân đã trồng tre tứ quý lấy măng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Ông Võ Thế Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật & dịch vụ Nông nghiệp thị xã La Gi cho biết, tre tứ quý là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt có thể trồng trên các loại đất bạc màu không canh tác được các cây trồng khác.

Nhiều nông dân thu nhập cao nhờ ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững... - Ảnh 3.

Các nông dân ở thị xã La Gi tham gia khóa tập huấn kỹ thuật trồng tre tứ quý lấy măng. Ảnh: HND

Loại cây này cho thu hoạch măng quanh năm, năng suất, chất lượng măng thơm ngon, sản phẩm qua chế biến có màu vàng bắt mắt, nên rất được thị trường ưa chuộng.

Bình quân năm thứ hai mỗi gốc tre cho sản lượng khoảng 30 - 40 kg măng, năm thứ ba mỗi gốc cho sản lượng khoảng 60 - 80 kg, năm thứ tư tre sẽ cho thu hoạch ổn định, mỗi gốc cho sản lượng từ 100 - 120 kg măng/năm.

Vì vậy, mô hình trồng tre lấy măng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Minh Thông, Phó phòng Công nghệ sinh học - Trung tâm thông tin và ứng dụng chuyển giao công nghệ tỉnh Bình Thuận, kỹ thuật trồng tre tứ quý lấy măng kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước ở La Gi đã cho măng năng suất cao.

Cây tre có vai trò cung cấp thực phẩm, nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm rất lớn. Ngoài ra cây tre còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường như: Tre hấp thụ lượng CO2, giải phóng O2 nhiều hơn các loại cây lấy gỗ khác, tre chống xói mòn, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Là một trong những nông dân trồng tre tứ quý lấy măng cho thu nhập ổn định, nông dân Lê Thanh Sơn (xã Tân Phước, thị xã La Gi) cho biết, lý do ông chọn chọn giống tre tứ quý vì cây cho ra măng quanh năm, khác với những giống tre khác chỉ ra một mùa, giá măng tứ quý cao hơn…

Nhiều nông dân thu nhập cao nhờ ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững... - Ảnh 4.

Hoạt động liên lịch giữa Biên phòng với Hội Nông dân thị xã La Gi thăm mô hình trồng tre tứ quý tại hộ ông Lê Thanh Sơn ở xã Tân Phước. Ảnh: HND

Theo ông Lê Thanh Sơn, vùng đất La Gi có khí hậu hanh khô, ít mưa, nhiều nắng nên cây tre trồng ở đây tốt hơn nơi khác và giống tre tứ quý có nguồn gốc từ Đài Loan, được ông tìm mua ở Đồng Nai đưa về trồng.

Hiện nay, 25 ha cây tre tứ quý đã bước sang năm thứ 5, cho thu hoạch búp măng quanh năm, năng suất hiện tại 1 ha từ 30 - 50 tấn măng vỏ/năm (tùy điều kiện chăm sóc), với giá bình quân 10.000 - 15.000 đồng/kg, phân phối cho các thương lái ở địa phương và thị trường

Vườn tre được ông Sơn trồng theo hướng hữu cơ, chủ yếu bón phân gà ủ hoai, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng hệ thống tưới nước tự động từ ao nuôi cá để cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên cho cây.

Nổi bật của măng tre tứ quý là vỏ xanh, thịt trắng, càng nấu chín măng càng ngọt, rất bổ dưỡng, đóng góp một lượng chất xơ, kali, mangan và chất chống oxy hóa cho cơ thể.

Nuôi cá lóc thu nhập cao

Theo HND thị xã La Gi, ông Trương Hoài Phong, hội viên nông dân thuộc Chi hội xã Tân Hải, thị xã La Gi là người áp dụng thành công những kiến thức mà các chuyên gia đã truyền đạt.

Ông Phong cũng là người luôn gần gũi, gắn bó với người dân và tích cực trong các phong trào của địa phương, năng động, sáng tạo, ham học hỏi và mạnh dạn ứng dụng mô để làm giàu chính đáng.

Trước đó, ông Trương Hoài Phong đã trồng thanh long theo quy trình VietGAP khu đất rộng 2,5 ha ngay từ những ngày đầu nên có thu nhập ổn định.

Sau đó gia đình ông Phong đào ao, khoan thêm những giếng nước để chủ động nguồn nước an toàn nuôi thêm cá lóc bông trên diện tích khoảng 8 sào, sản lượng hàng năm bình quân đạt hơn 100 tấn cá lóc.

Nhiều nông dân thu nhập cao nhờ ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững... - Ảnh 5.

Thu hoạch cá lóc ở hộ ông Trương Hoài Phong thuộc Chi hội xã Tân Hải, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: HND

Nhờ tham gia nhiều khóa học, cộng thêm kinh nghiệm tích lũy trong sản xuất nông nghiệp, đến nay ông Phong đã có được mô hình sản xuất bền vững.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phong cho biết, sau khi trừ chi gia đình ông lãi khoảng tỷ đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động là bà con địa phương. Ông Phong cho biết, thành công như hiện tại là nhờ vào sự quan tâm tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của HND xã và HND thị xã La Gi…

Theo ông Phạm Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã La Gi, thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đã hỗ trợ cho 228 hộ nông dân vay luân chuyển với tổng số vốn 2,724 triệu đồng.

Bên cạnh đó là mở rộng quy mô phát triển sản xuất và xây dựng mô hình nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định trong cuộc sống.

Nhiều nông dân thu nhập cao nhờ ứng dụng kỹ thuật phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững... - Ảnh 6.

Trồng tre tứ quý lấy măng cho thu nhập ổn định của nông dân ở La Gi, Bình Thuận. Ảnh: HND

Thời gian tới Hội Nông dân thị xã La Gi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội trong thị xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, triển khai thực hiện chương trình trên. Đồng thời, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, vận động hội viên, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo diễn đàn của nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem