Dân Việt

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chưa từng có tiền lệ, không có cơ sở so sánh giá vé cao hay thấp

Thế Anh 02/10/2024 11:29 GMT+7
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Việt Nam là chưa có trong tiền lệ. Do đó, không thể so sánh hay đánh giá được vé tàu cao hay thấp.

Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cao hay thấp?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất lựa chọn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ 350km/h, và đưa ra dự kiến giá vé tàu đang nhận được nhiều sự quan tâm từ giới chuyên gia, người dân.

Vé đường sắt tốc độ cao sẽ được tính theo tỷ lệ trung bình của giá vé máy bay và chia làm 3 mức giá tương ứng với các đối tượng, mức độ tiện nghi khác nhau.

Tham khảo giá vé bình quân của 2 hãng có thị phần lớn nhất là Vietnam Airlines và VietJet, sơ bộ tính toán tại thời điểm hiện tại: Vé hạng nhất 0,180 USD/km (khoang VIP); hạng 2 là 0,074 USD/km; hạng 3 là 0,044 USD/km. Với mức nêu trên sơ bộ đối với chặng Hà Nội - TP.HCM: Vé hạng nhất 6,9 triệu đồng; vé hạng 2 là 2,9 triệu đồng; vé hạng 3 là 1,7 triệu đồng.

Mức giá vé này cao hay thấp, và vì sao phải tính dựa trên tham khảo giá vé máy bay?

img

Dự án đường sắt tốc độ cao đang được nghiên cứu đầu tư.

Đại diện Bộ GTVT khẳng định: "Dự án đường sắt tốc độ cao đang được lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị, chuyên gia để xem xét đầu tư. Vì vậy, để nói về giá vé tàu đường sắt tốc độ cao có giá cao hay thấp là hoàn toàn không có cơ sở để so sánh".

"Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Việt Nam là chưa có trong tiền lệ. Do đó, không thể so sánh hay đánh giá được vé tàu cao hay thấp", đại diện Bộ GTVT một lần nữa nhấn mạnh.

Đại diện Bộ cũng khẳng định, giá vé tàu đường sắt tốc độ cao đều đã được nghiên cứu tham khảo từ các nước. Hiện nay, giá vé của các nước khác cũng đang được tham khảo giá vé bình quân theo công thức tính toán giá vé máy bay. Đây là công thức tham khảo để tính toán giá vé tàu đường sắt tốc độ cao.

Giá vé tàu được trả theo km đường hành khách sử dụng

Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024, khởi công cuối năm 2027 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035. Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn thành, giá vé tàu sẽ được tính toán phù hợp theo 3 hạng vé để mọi người dân có thể tiếp cận, đi tàu theo khung giá vé thấp đến cao.

img

Bảng tham khảo tính toán giá vé tàu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Cụ thể, phí thu từ dịch vụ theo hình thức thu kín đảm bảo tính thị trường: Giá vé tàu sẽ được trả theo km đường hành khách sử dụng. Do đó, tại các điểm ra vào tuyến đường sắt cao tốc của dự án, hệ thống thẻ vé sẽ được bố trí để xác định cự ly các phân đoạn giao thông đã sử dụng dịch vụ.

Cùng đó, theo tính toán của Bộ GTVT, giá vé tàu đường sắt tốc độ cao sẽ tăng 3%/năm nhằm bù đắp lạm phát (tính cho 3 năm tăng giá vé 1 lần).

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ với tổng chiều dài 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; Tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được lấy ý kiến có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội, trong đó có xem xét phương án tổ chức khai thác chạy tàu để đường sắt tốc độ cao có thể chạy tàu tới ga Hà Nội.

Điểm cuối đối với tàu khách là ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM; đối với tàu hàng điểm cuối là ga Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Trên toàn dự án có 5 depot cho tàu khách tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM, trong đó có 3 depot tàu khách kết hợp xây dựng khu vực sửa chữa lớn tại Ngọc Hồi (Hà Nội), Đà Nẵng và Long Trường (TP.HCM) và 2 depot tàu khách không bố trí khu vực sửa chữa lớn tại Vinh và Nha Trang.

Dự án đường sắt tốc độ cao xây dựng thêm 4 depot cho tàu hàng đặt sát ngay bên cạnh các ga hàng hóa tại Vũng Áng, Chu Lai, Vân Phong và Trảng Bom, riêng depot Ngọc Hồi sẽ xây dựng chung cho cả tàu khách và tàu hàng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyên Danh Huy: Giá vé tàu đường sắt tốc độ cao sẽ bằng các mức trung bình của vé máy bay. Mức trung bình của vé máy bay được tính toán dựa trên giá vé của hai hãng bay phổ thông nhất là Vietjet và Vietnam Airlines.

Để người dân có thể đi tàu đường sắt tốc độ cao, chúng tôi sẽ chia thành 3 hạng vé: Hạng vé thương gia có giá tương đương với vé máy bay thương gia phục vụ người có nhu cầu chất lượng cao; Hạng vé thứ 2 có giá tương đương 0,75% giá trung bình vé máy bay; Hạng vé thứ 3 có giá 0,45% giá vé trung bình của vé máy bay. "Chúng tôi định hình ra từng hạng vé để người dân dễ tiếp cận", Thứ trưởng Huy nói.