Dân Việt

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng- giải pháp thoát nghèo bền vững ở A Lưới

Trần Hòe 02/10/2024 16:42 GMT+7
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lượng lớn người dân, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lượng lớn lao động

Gần 2 năm nay, cơ sở homestay Hương Rừng của cô gái dân tộc Tà Ôi Hồ Thị Hương (ở thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) thu hút đông đảo du khách và người dân. "Riêng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, homestay Hương Rừng đón khoảng 500 lượt khách", chị Hương kể.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng- giải pháp thoát nghèo bền vững ở A Lưới- Ảnh 1.

Đoàn famtrip với gần 30 đơn vị du lịch khảo sát du lịch cộng đồng ở A Lưới vào tháng 9/2024. Ảnh: Phạm Thị Tuyết.

Là thế hệ trẻ 9X dám nghĩ dám làm, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi, chị Hương quyết định khởi nghiệp bằng việc phát triển du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên bản địa. Ngoài phục vụ du khách đến trải nghiệm các hoạt động văn hóa, khám phá thiên nhiên, chị xây dựng homestay Hương Rừng để phục vụ khách lưu trú.

Với việc hút đông đảo du khách và người dân, cơ sở du lịch của chị Hương đã giải quyết việc làm với thu nhập ổn định nhiều người dân trên địa bàn huyện. Hiện cơ sở có 4 lao động làm việc cố định với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, chị Hương còn tạo việc làm thời vụ cho gần 50 người dân, nhất là các nam nữ thanh niên, nghệ nhân. Ngoài làm nông tại gia đình, việc có thêm thu nhập từ việc làm thời vụ tại cơ sở của chị Hương đã giúp người dân cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Là huyện vùng cao phía tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, A Lưới có tài nguyên du lịch phong phú với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề đa dạng. Đây cũng là vùng đất lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng- giải pháp thoát nghèo bền vững ở A Lưới- Ảnh 2.

Việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở A Lưới đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho lượng lớn lao động, qua đó thúc đẩy thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phạm Thị Tuyết.

Hiện nay trên địa bàn huyện A Lưới có 24 điểm du lịch và 33 cơ sở lưu trú (9 nhà nghỉ, 24 homestay) công suất tối đa trên 880 khách/thời điểm, 6 làng văn hóa du lịch cộng đồng và hệ thống các nhà hàng đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch... Các điểm du lịch sinh thái Pâr Le, A Nôr, A Lin, làng du lịch cộng đồng tại xã A Roàng, Hồng Hạ, Hồng Kim... ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách do công tác quảng bá du lịch được quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lượng lớn người dân, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.


Nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển du lịch đối với giảm nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, những năm qua, công tác phát triển du lịch trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Huyện ủy, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch để triển khai thực hiện trên địa bàn. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện để phối hợp, triển khai thực hiện. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng- giải pháp thoát nghèo bền vững ở A Lưới- Ảnh 3.

Các hoạt động văn hóa tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng A-Nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) đưa lại nhiều ấn tượng cho du khách. Ảnh: Phạm Thị Tuyết.

Hạ tầng du lịch trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, từ hệ thống đường giao thông, điện lưới, viễn thông, đến cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ. Huyện chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú phù hợp, trong đó khuyến khích phát triển các homestay, farmstay và chú trọng đầu tư nhà tiếp đón, nhà trưng bày, nhà xe… tại các điểm du lịch. 

Những sản phẩm thủ công truyền thống từ các làng nghề dệt zèng thổ cẩm, đan lát mây tre, chổi đót…, các loại nông sản như chuối già lùn, thịt bò vàng A Lưới, cá tầm, sâm bố chính, rau sạch, các loại hoa... cũng được đưa vào phục vụ nhu cầu của du khách đã tạo ra nguồn thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, thời gian đến huyện chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, khuyến khích tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có vốn vào đầu tư xây dựng và phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ tại huyện. Cùng với đó, huyện phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành lập công ty du lịch làm đầu mối để liên kết các tour, tuyến du lịch...

Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng- giải pháp thoát nghèo bền vững ở A Lưới- Ảnh 4.

Bản sắc văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên bản địa phong Phú giúp A Lưới có điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Ảnh: T.H.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về công tác phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đề nghị huyện A Lưới cần khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống dân tộc của địa phương và khai thác các tài nguyên du lịch một cách sáng tạo, linh hoạt và bền vững; tạo không gian mở để du khách trải nghiệm được các giá trị cộng đồng. 

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền huyện A Lưới cần đảm bảo các vấn đề an toàn – an ninh trong du lịch và phối hợp nhịp nhàng cùng các bên liên quan đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...