Trần Hòe
Thứ hai, ngày 30/09/2024 09:50 AM (GMT+7)
Sản phẩm thịt bò vàng A Lưới (Thừa Thiên Huế) là mặt hàng được thị trường ưa chuộng và mô hình phát triển chăn nuôi bò vàng giúp người dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững.
Trước đây, gia đình ông Lê Văn Chương (thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới) có hoàn cảnh khó khăn vì phát triển chăn nuôi, trồng trọt kiểu nhỏ lẻ, manh mún. Những năm trở lại đây, bằng việc đầu tư phát triển chăn nuôi bò vàng quy mô lớn, từ hộ nghèo, gia đình ông Chương đã có kinh tế khá giả nhờ thu nhập ổn định.
"Trước đây gia đình tôi có chăn nuôi bò nhưng số lượng nhỏ lẻ nên thu nhập chỉ như lấy công làm lãi, đời sống vì thế rất khó khăn. Từ khi được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể, tôi mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò vàng quy mô gia trại, số lượng lên cả trăm con. Hiện mỗi năm mô hình chăn nuôi bò vàng cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng", ông Chương phấn khởi kể.
Tương tự gia đình ông Chương, nhiều hộ dân ở xã Hồng Thượng từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã vươn lên thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi bò vàng. Theo Hội Nông dân xã Hồng Thượng, trước đây người dân ở xã chủ yếu phát triển chăn nuôi bò nhỏ lẻ, mỗi gia đình chỉ nuôi 1-2 con, nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi huyện có chủ trương phát triển chăn nuôi bò vàng số lượng lớn và áp dụng chặt chẽ khoa học kỹ thuật, số lượng đàn bò vàng ở địa phương ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Hiện Hồng Thượng là một trong những địa phương có số lượng bò vàng nhiều nhất huyện A Lưới. Toàn xã có hàng chục hộ dân phát triển chăn nuôi bò vàng số lượng lớn, tổng đàn bò ở xã đã lên hơn 1.000 con. Mô hình chăn nuôi bò vàng đã trở thành mô hình thoát nghèo hiệu quả, bền vững cho nhiều hộ dân.
Bò vàng A Lưới là giống bò vàng bản địa, có thớ thịt nhỏ, mịn và được chăn nuôi tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon. Phương thức chăn nuôi của đồng bào vùng cao và điều kiện thời tiết đặc thù đã tạo nên hương vị riêng có của thịt bò vàng A Lưới.
Từ năm 2021, thịt bò vàng A Lưới được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Cũng trong năm này, Hội Nông dân huyện A Lưới được giao làm hồ sơ trình xin cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và logo biểu trưng cho "Thịt bò vàng A Lưới".
Tháng 2/2023, "Thịt bò vàng A Lưới" được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ. Đây là điều kiện, cơ hội tốt cho huyện giới thiệu, quảng bá thịt bò vàng A Lưới ra thị trường và thúc đẩy hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao cho các hộ dân, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Cùng thời gian này, UBND huyện A Lưới triển khai thực hiện đề án phát triển đàn bò trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025 với tổng kinh phí hơn 33,5 tỷ đồng. Theo mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2025, tổng đàn bò ở huyện A Lưới đạt 12.000 con. Từ năm 2023 đến năm 2025, sẽ có khoảng 1.800 con bò cái hậu bị được nhập vào địa bàn huyện (gồm bò vàng và bò lai 25% máu ngoại), đồng thời có khoảng 1.200 con bò cái được phối giống bằng thụ tinh nhân tạo.
Để phát triển chăn nuôi bò bền vững, huyện tiến hành tập huấn cho nông dân, kỹ thuật viên và cán bộ thú y cơ sở. Trên địa bàn huyện cũng sẽ có 45ha cỏ được trồng mới, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sẽ được chuyển sang trồng ngô, khoai lang, cây họ đậu... để tạo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi bò.
Hiện tại huyện A Lưới có tổng đàn gia súc gần 20.000 con, trong đó riêng đàn bò hơn 13.000 con. Cùng với việc phát triển số lượng và chất lượng đàn bò vàng, thời gian qua, các cửa hang nông sản A Lưới được hình thành, góp phần quảng bá cho nông sản nơi đây, trong đó thịt bò vàng là một trong những mặt hàng đặc sản của địa phương với các sản phẩm đa dạng như thịt bò tươi, thịt bò khô, thịt bò một nắng…
Sản phẩm thịt bò vàng A Lưới trở thành một trong mặt hàng được đông đảo du khách chọn mua khi đến huyện miền núi này. Đồng thời, tại nhiều cửa hàng nông sản, hội chợ ở miền xuôi, nhất là ở TP.Huế, sản phẩm thịt bò vàng A Lưới được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền cho bà con nhân dân về phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi bò vàng. Huyện cũng quán triệt sâu rộng đến người dân việc phải đảm bảo chất lượng, xuất xứ nguồn gốc thịt bò để giữ thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ, từ đó giúp người chăn nuôi bò vàng trên địa bàn phát triển kinh tế bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.