Nhiều năm gắn bó với công tác Hội trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội, chị Tạ Thị Năm được mọi người khen ngợi là nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm với công việc.
Không chỉ vậy, chị Năm còn được nhiều người biết đến là tỷ phú nông dân nuôi bò sữa nhiều nhất xã Vân Hòa. Chị Năm là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa và hiện tại chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con bò sữa.
Nhờ mô hình nuôi bò sữa, gia đình chị Tạ Thị Năm có tổng doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí đạt 5 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, mô hình nuôi bò sữa của chị Năm còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động thời vụ. Mỗi lao động có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi, từ mô hình nuôi bò sữa hiệu quả của mình, chị Tạ Thị Năm đã lan toả khát vọng làm giàu đến hội viên nông dân trong chi hội. Chị Năm đã giúp đỡ 4 hộ nghèo về tiền mặt, hỗ trợ con giống chăn nuôi bò sữa đến khi xuất chuồng mới phải trả vốn và tạo việc làm cho những hộ nghèo.
"Khi thấy mình nuôi bò sữa hiệu quả, hội viên trong chi hội đã đua nhau phát triển. Hiện 90% hội viên trong chi hội nông dân thôn Mồ Đồi đều đầu tư mô hình nuôi bò sữa hiệu quả. Chi Hội nông dân thôn Mồ Đồi có 87 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 27 hộ cấp thành phố, 2 hộ đạt danh hiệu cấp Trung ương"- chị Năm phấn khởi chia sẻ.
Với vai trò "đầu tàu dẫn dắt" của chị Tạ Thị Năm, Chi hội nông dân thôn Mồ Đồi luôn được đánh giá là chi hội thực hiện tốt công tác Hội và phong trào nông dân, liên tục đạt chi hội vững mạnh.
Chị Tạ Thị Năm chia sẻ: "Chi hội là đơn vị hành động, cầu nối của Ban Chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Thực tế công việc ở chi hội rất nhiều như: vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật và nghĩa vụ công dân với Nhà nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động hoà giải tranh chấp trong nội bộ nông dân; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngoài ra trong đợt dịch bệnh Covid-19 hay mưa bão lũ lụt các chi hội trưởng ở cơ sở cũng trực tiếp cùng cơ quan chức năng vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành".
Chị Năm nói thêm: "Hay như đợt này, Hội Nông dân Việt Nam triển khai cài đặt App Nông dân Việt Nam. Để vận động hội viên cài đặt App, các chi hội trưởng như chúng tôi tranh thủ buổi tối đến từng nhà hướng dẫn, vận động bà con nông dân.
Ban ngày, bà con bận đi làm, lao động sản xuất nên chúng tôi tranh thủ. Địa bàn thôn Mồ Đồi rộng lớn nên công việc đi lại cũng vất vả. Thực sự nếu làm công tác Hội ở cơ sở mà không nhiệt tình thì không làm được".
Chị Tạ Thị Năm cho biết: Chế độ Chi hội trưởng Chi hội nông dân như chị đang được hưởng hệ số 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng, tính ra được hơn 700.000 đồng/tháng.
"Tiền phụ cấp cho chi hội trưởng tôi không giữ cho riêng mình mà thường chi cho các hoạt động của chi hội như hỗ trợ mua sách, đồng phục, hỗ trợ mua nước mát cho các hội viên tham gia trồng cây, tưới cây, ra quân vệ sinh môi trường…"- chị Năm chia sẻ.
Cũng theo chị Tạ Thị Năm, ngoài các công việc của Hội, các chi hội trưởng nông dân còn gánh vác công việc do Bí thư chi bộ giao, phối hợp với trưởng thôn thực hiện các công việc ở địa phương. Nói chung các chi hội trưởng nông dân đều tất bật với các công việc. Bản thân chị Năm đã rất cố gắng để cân bằng giữa công tác hội và công việc gia đình.
"Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, chi hội là đơn vị hành động, cầu nối của Ban Chấp hành cơ sở với hội viên, nông dân. Công việc áp lực lớn, nhiều chi phí phát sinh...nhưng hiện nay, chế độ đãi ngộ chưa được xứng đáng.
Tôi mong rằng Đảng, Nhà nước chính quyền địa phương cũng như Hội cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về các cơ chế, chính sách để những người Chi hội trưởng nông dân làm công tác điều hành Chi hội nông dân có thể phát huy tối đa vai trò người đầu tàu. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ chi hội trưởng sát nông dân, gần nông dân, nghe nông dân trực tiếp cống hiến cho công tác Hội và phong trào nông dân" – chị Năm nói.
Biết tin Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sắp tổ chức Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lắng nghe người nông dân", chị Năm rất phấn khởi.
Là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, Chị Tạ Thị Năm cũng có nhiều tâm tư, nguyện vọng đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT.
Theo ý kiến của chị Năm, mô hình nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao nhưng chi phí đầu tư khá lớn. Người nông dân phải đầu tư cả gia tài mới duy trì được mô hình nuôi bò sữa.
Cụ thể: Ngoài chi phí xây chuồng trại, mỗi con bò giống mua về với giá từ 50 – 60 triệu đồng; đàn bò sữa hơn 60 con của gia đình chị có giá trị kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn đầu tư dàn phun nước chống nóng cho đàn bò và các thiết bị tự động trị giá hơn 3 tỷ đồng để phục vụ chăn nuôi bò sữa như: máy vắt sữa, máy cắt phay cỏ công suất lớn, máy phát điện, hệ thống chống sét; xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.
"Kể chi tiết ra đây mới thấy để duy trì mô hình nuôi bò sữa nông dân chúng tôi cần rất nhiều vốn. Chúng tôi rất mong muốn Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông hộ nuôi bò sữa vay vốn ngân hàng ưu đãi theo hướng phù hợp nhất. Qua đó tạo động lực cho hộ chăn nuôi bỏ sữa yên tâm và tập trung phát triển chăn nuôi bền vững góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương"- Nông dân Việt Nam xuất sắc Tạ Thị Năm nói.