UBND TP.HCM cho biết, việc triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững TP giai đoạn 2021 - 2025 theo phương pháp giảm nghèo đa chiều đã tạo điều kiện và cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Giúp họ tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau qua đó nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cụ thể như chính sách hỗ trợ vay vốn từ các nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội…
Từ các giải pháp hỗ trợ, nhiều địa phương đã tiếp tục cập nhật và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn TP. Cụ thể, kết quả thực hiện trong năm 2021, năm 2022, năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024.
Thông tin từ UBND TP.HCM, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 10.371,858 tỷ đồng với 179.836 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác còn đang vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã phủ kín khắp các ấp, khu phố trên địa bàn TP. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP đã luôn tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời tại địa bàn phường, xã, thị trấn nơi hộ cư trú.
Cùng với đó, TP đã hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước cho 15.743 lao động (trong đó: hỗ trợ 7.927 lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 6.794 lao động thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 1.022 lao động thuộc hộ mới thoát nghèo) và ngoài nước (đi làm việc ở nước ngoài) là 12 người ((trong đó: 07 lao động thuộc hộ nghèo; 04 lao động thuộc hộ cận nghèo; 01 lao động thuộc hộ mới thoát nghèo).
Việc hỗ trợ đào tạo nghề cũng được TP quan tâm. Cụ thể, TP đã hỗ trợ cho 3.525 người với tổng số tiền 476,896 triệu đồng (trong đó: 1.847 người thuộc hộ nghèo với tổng số tiền 229,326 triệu đồng; 1.473 người thuộc hộ cận nghèo với tổng số tiền 193,15 triệu đồng; 205 người thuộc hộ mới thoát nghèo với tổng số tiền 54,42 triệu đồng).
Hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho 26.062 lượt lao động với tổng số tiền 2.489,454 triệu đồng (trong đó: 13.167 lượt lao động thuộc hộ nghèo với tổng số tiền 1.304,945 triệu đồng, 12.895 lượt lao động thuộc hộ cận nghèo với tổng số tiền 1.184,509 triệu đồng).
Sở LĐTBXH TP.HCM thông tin, đầu giai đoạn 2021 - 2025, TP có 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo, (chiếm tỷ lệ 2,29%/tổng hộ dân TP). Trong đó: có 37.772 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,49%/tổng hộ dân TP) và 20.247 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,80%/tổng hộ dân TP). Cùng với các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ vốn tín dụng đã tác động giảm hộ trong chương trình giảm nghèo hàng năm:
Năm 2021, TP giảm 1.597 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,06% (kế hoạch giảm 0,4% hộ nghèo, thực hiện đạt 16,85% kế hoạch năm) và giảm 1.378 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm 0,05% (kế hoạch giảm 0,35% hộ cận nghèo, thực hiện đạt 15,76% kế hoạch năm).
Năm 2022, TP giảm 16.154 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,64% (kế hoạch giảm 0,35% hộ nghèo, thực hiện đạt 184,24% kế hoạch năm và chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao) và giảm 9.723 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm 0,38% (kế hoạch giảm 0,2% hộ cận nghèo, thực hiện đạt 188,07% kế hoạch năm).
Năm 2023, TP giảm 13.212 hộ nghèo, tỷ lệ kéo giảm là 0,52% (đạt 148,9% chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 137,1% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 của Thành phố) và giảm 10.945 hộ cận nghèo, tỷ lệ kéo giảm 0,43% (đạt 154,2% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 của Thành phố).
TP.HCM tiếp tục duy trì không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia. Thành phố hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025 đã đề ra "đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP" trước thời hạn 02 năm.