Dân Việt

Nhiều ý kiến, tâm tư gửi đến Bộ trưởng Lê Minh Hoan trước thềm Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói"

Dân Việt 04/10/2024 15:52 GMT+7
Vào ngày 14/10 tới đây, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn sẽ đồng chủ trì Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" với sự tham dự của 126 nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu cả nước.

Diễn đàn "Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lắng nghe nông dân nói" nhằm tạo diễn đàn để những người nông dân xuất sắc, các hợp tác xã tiêu biểu, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam. Từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn xanh, bền vững. 

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở điều gì để nông nghiệp tỉnh này phát triển?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan (đầu tiên bên trái) và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu (thứ 2 bên trái) thăm mô hình sản xuất sâm Nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung, huyện Tân Yên. Ảnh: Nguyễn Miền

Đây cũng là dịp để Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe người nông dân, đồng thời đối thoại, trả lời về những vấn đề mà người nông dân quan tâm. 

Trước thềm diễn ra Diễn đàn, Báo điện tử Dân Việt đã nhập được nhiều tâm tư, tình cảm của nông dân gửi đến người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười:

Đề nghị hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ chế biến nông sản

Anh Lường Văn Mười, cũng là người được vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” Mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất - Ảnh 1.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Vườn nhãn của anh Mười rộng chừng 5ha ở bên sườn đồi cao. Ban đầu, anh Mười chỉ dám trồng thử 1,3ha giống nhãn chín muộn Khoái Châu (Hưng Yên). Vừa làm vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm và cũng chỉ khi thấy đạt hiệu quả cao anh mới mở rộng sản xuất ra toàn bộ diện tích 5ha.

Để đạt được giá trị cao từ cây nhãn, anh Mười đã tiến hành rải vụ thu hoạch quả bằng cách cơ cấu giống nhãn chín sớm T6, kết hợp dùng Kaliclrat xử lý 10% các cây nhãn này cho ra hoa đậu quả cực sớm. Nhờ vậy, ngay từ tháng 4 dương lịch, gia đình anh đã có nhãn xuất ra thị trường, bán giá cao ngất ngưởng tới 30 - 35 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, trong quá trình canh tác vườn nhãn, do anh Mười chuyển từ ngành nghề khác sang làm nông nghiệp, anh cũng gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ việc chăm bón, cắt tỉa, ghép cành, phòng trừ các loại sâu bệnh hại đến việc thu hái,...

“Hiện nay, trong quá trình canh tác nhãn, tôi gặp phải những khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh trên cây cũng như các biện pháp triệt để xử lý cây nhãn khi ra hoa, đậu quả trái vụ. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành cần có nhiều hơn nữa các lớp tập huấn về phát triển cây ăn quả, đặc biệt là đối với cây nhãn ra quả trái vụ. Qua các lớp tập huấn, chúng tôi sẽ nắm bắt được những kỹ thuật về áp dụng tại vườn nhãn của gia đình” , anh Mười nói.

Cũng theo anh Mười, yếu tố quan trọng nhất để ra nhãn trái vụ là phải có đủ lượng nước tưới tiêu cho vườn. Vườn nhãn của gia đình anh Mười nằm trên sườn đồi, nên việc có đủ lượng nước tưới tiêu cho vườn nhãn của gia đình anh gặp không ít khó khăn.

Hiện nay, để giải quyết trước mắt về nguồn nước tưới, gia đình anh Mười mới chỉ đào hố lớn giữa vườn, lót bạt nông nghiệp chống thấm, bơm nước từ dưới suối lên trữ đầy, rồi tưới tới từng gốc cây.

“Việc canh tác nhãn ra trái vụ, nước tưới là thứ không thể thiếu. Tuy nhiên hiện nay với diện tích vườn nhãn của gia đình khá lớn, việc đầu tư một hệ thống tưới tiêu đạt tiêu chuẩn, thuận tiện cho việc canh tác, nhất là vào mùa khô, nguồn vốn đầu tư lớn, nằm ngoài khả năng của gia đình.

Tôi mong muốn nhà nước có những chính sách hỗ trợ ưu đãi, giúp hội viên nông dân như chúng tôi có nguồn vốn vay lớn, dài hạn để đầu tư xây bể chứa nước, lắp đặt các hệ thống tưới ổn định, khoa học, thuận tiện tưới đến từng gốc cây”, anh Mười nói.

Nông dân xuất sắc Nguyễn Thị Biên (Thanh Hóa):

Cần đảm bảo an toàn nguồn nước để người nuôi trồng thủy hải sản ở các bãi, triều yên tâm sản xuất

Hiện gia đình bà Nguyễn Thị Biên ở thôn Quang Trung, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang có 50 ha ngao (trong đó 45 ha nuôi ngao thương phẩm và 5 ha ngao giống).

Chính vì vậy, gia đình bà Nguyễn Thị Biên đã đầu trên 27 tỷ đồng để mở rộng diện tích nuôi trồng và mua sắm một số máy móc khai thác chuyên dụng. Mỗi năm cơ sở nuôi ngao của bà Biên đã cung cấp giống nuôi cho diện tích trên 1.000 ha, sản lượng nuôi trồng và thu mua trên 100.000 tấn ngao thương phẩm và được gia đình bà Biên đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Hiện nay, sản phẩm ngao, dắt, don của gia đình bà Nguyễn Thị Biên được nhiều khách hàng tin dùng, vì vậy thị trường đã mở rộng đến các phía Bắc như Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh Nam Trung bộ, năm 2023 gia đình bà Biên thu lãi trên 3,8 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí và đóng thuế cho nhà nước.

Cần đảm bảo an toàn nguồn nước để người nuôi trồng thủy hải sản ở các bãi, triều yên tâm sản xuất- Ảnh 2.

Hiện, gia đình bà Nguyễn Thị Biên ở thôn Quang Trung, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang có 50 ha ngao (trong đó 45 ha nuôi ngao thương phẩm và 5 ha ngao giống).

Theo bà Nguyễn Thị Biên, gia đình bà làm nghề sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm ngao từ năm 2005. Khi đó, kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, kinh nghiệm ít nên chi phí đầu tư ban đầu cao. Lúc ban đầu là mua gom làm đại lý chuyển đi tiêu thụ ở các trung tâm đô thị lớn để bán. Sau đó, gia đình bà đã nhận 3 ha để khoanh nuôi và khai thác.

Sau nhiều năm gắn bó với con ngao, đi khắp các tỉnh từ Thanh Hóa ra Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Biên đã học hỏi được nhiều điều từ con ngao… Chính vì vậy, bằng những kinh nghiệm và học hỏi bà Biên đã tìm ra được chu kỳ sinh sản của con ngao và tận dụng những kiến thức tích lũy nhiều năm từ con ngao, để biết đến thời điểm nào sẽ tiến hành kích thích sinh sản, thu trứng và sản xuất ngao giống, cung cấp ra thị trường. Đây là một bước ngoặt đáng kể, quyết định nhiều đến hiệu quả nghề nuôi ngao ở các bãi triều. Việc chủ động nguồn giống ngao đã đem đến cơ hội mới cho gia đình bà Biên nói riêng và nghề nuôi ngao nói chung.

Theo bà Nguyễn Thị Biên, khó khăn của người nuôi ngao là việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế. Người dân chủ yếu vẫn tiêu thụ nhỏ lẻ theo hình thức hộ gia đình, chưa tiếp cận được với những hệ thống siêu thị hay nhà máy chế biến. Do đó, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế, không đảm bảo được giá trị sản xuất cũng như đầu ra ổn định.

"Hiện tình trạng suy thoái về giống khiến con ngao ngày càng nhỏ, thời gian nuôi kéo dài hơn. Trong khi đó, thị trường trong nước lẫn quốc tế đều ưa chuộng những con ngao to, có kích thước đồng đều, mẫu mã đẹp. Ngoài ra, chi phí nuôi ngày một tăng lên, đặc biệt là giá con giống, nhân công thu hoạch… dẫn tới giá thành sản phẩm cũng bị đội lên, gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường", bà Biên cho biết thêm.

Cần đảm bảo an toàn nguồn nước để người nuôi trồng thủy hải sản ở các bãi, triều yên tâm sản xuất- Ảnh 4.

Theo Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, Nguyễn Thị Biên thì nguồn nước ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh trưởng và phát triển của con ngao cũng như các loài thủy hải sản khác.

Bà Nguyễn Thị Biên nhớ lại, có thời điểm, những bãi ngao của gia đình bà ở các tỉnh thành đã xảy ra hiện tượng chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Vì vậy, bà Biên mong muốn các cấp chính quyền của các tỉnh thành cũng như các bộ ngành cần quan tâm, chú trọng và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải từ các nhà máy, công ty ra môi trường, phải đạt chuẩn trước khi xả thải. Để nguồn nước từ các sông, suối đổ ra biển luôn được bảo đảm, an toàn giúp người nuôi trồng thủy hải sản yên tâm đầu tư, sản xuất.

Nông dân xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang):

Kiến nghị được hỗ trợ cây, con giống để phục hồi sản xuất sau bão lũ

Sau gần 2 tuần khi mưa lũ đi qua, chính quyền và nông dân xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vẫn đang tích cực khắc phục hậu quả của trận lụt lịch sử để lại. Những con đường lầy lội bùn đất, nhiều ngôi nhà của người dân bị cuốn trôi chưa thể dựng lại.

Trận lũ vừa qua để lại hậu quả quá nặng nề, đặc biệt là thiệt hại về sản xuất. Theo đó, để nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sau bão lũ, nông dân ở xã Tri Phú đang rất cần được hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp.

Ông Ma Văn Luận, trưởng thôn Nà Lại, xã Tri Phú, không khỏi xót xa khi kể lại sự mất mát quá lớn sau trận thiên tai kinh hoàng. Ông chia sẻ: "Gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác chịu thiệt hại nặng nề, tài sản và hoa màu mất trắng, thiệt hại lên đến 100%. Diện tích lúa và ngô vốn là nguồn sống chính của chúng tôi cũng bị hủy hoại hoàn toàn." Những lời nói nghẹn ngào của ông Luận như phản ánh nỗi đau chung của cả làng, khi cuộc sống của bao gia đình nơi đây đã tay trắng chỉ sau một đêm.

Nông dân một xã ở Tuyên Quang mong mỏi được hỗ trợ cây, con giống để khôi phục sản xuất sau trận lũ lịch sử - Ảnh 1.

Trận lũ vừa qua đã làm thiệt hại trên 36 ha lúa và 40 ha rau màu của người dân xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Lê Nghĩa

Để sớm khôi phục sản xuất, ông Luận khẩn thiết kiến nghị các cấp, các ngành hỗ trợ cây giống và phân bón để kịp gieo trồng vụ mùa tới.

Trao đổi với Dân Việt, Chủ tịch UBND xã Tri Phú Hoàng Văn Đoan cho biết, đợt mưa lũ vừa qua có 26 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó, 6 hộ bị sập nhà hoàn toàn do đất sạt lở và nước lũ cuốn trôi. Trên 36 ha lúa và 40 ha rau màu các loại bị mất trắng. Hơn 200 con lợn và trên 1.000 con gà bị cuốn trôi.

"Nông dân xã Tri Phú đang rất cần sự giúp đỡ về hóa chất, thuốc phòng bệnh và hỗ trợ khử khuẩn nguồn nước, môi trường. Đặc biệt, nhu cầu cây giống trong vụ đông để bà con nhanh chóng khôi phục sản xuất, tái lập lại cuộc sống bình thường".

Nông dân xuất sắc năm 2024 Nguyễn Văn Thắng (Thái Bình):

Mức hỗ trợ rủi ro sau thiên tai cho nông dân rất thấp

Hôm chúng tôi đến, vợ chồng anh Thắng, Giám đốc HTX Hoàng Minh ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang dọn dẹp lại nhà cửa, vườn sau cơn bão số 3.

Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, anh Thắng cười bảo: "Sau bão nhà cửa bộn bề quá, thấy cái gì cũng muốn dọn, muốn sửa nhà báo ạ!".

Anh Thắng cho biết, dù không nằm trong tâm bão nhưng Thái Bình cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại khá nặng. Riêng, gia đình anh bị gió bão thổi bay nhiều mái chuồng trại, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng nặng... Ước tính thiệt hại lên đến cả trăm triệu đồng.

Tuy vậy, khi nói chuyện với chúng tôi, anh Thắng vẫn rất lạc quan. "Bão số 3 năm nay lớn khủng khiếp chưa từng có. Dù chưa vào tâm bão nhưng chúng tôi vẫn thấy gió lớn như cuồng phong, mưa xối xả nhiều giờ liên tục gây ngập lụt khắp nơi. Cũng may ở Thái Bình không có thiệt hại về người. Còn người còn của, tài sản, hoa màu mất đi, hỏng rồi mình làm lại được nên vợ chồng tôi không buồn mà chỉ động viên nhau cố gắng hơn".

Theo anh Thắng, hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước đã có Nghị định 02/2017/NĐ-CP với những chính sách hỗ trợ người dân, HTX khôi phục sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Sau 6 năm triển khai Nghị định, không ít người dân, HTX đã được hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất sau thiên tai. Tuy vậy, trong nghị định trên vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định khiến nhiều HTX vẫn chưa thật sự thuận lợi trong tái thiết sản xuất.

Anh Thắng và các thành viên đã nghiên cứu Nghị định số 02 và được biết Nhà nước có hỗ trợ cho đối tượng rau màu nhưng nhìn chung, chính sách hỗ trợ còn rất thấp.

Cụ thể là diện tích rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% thì mức hỗ trợ mới dừng ở 2.000.000 đồng/ha. Còn nếu diện tích rau màu bị thiệt hại từ 30% - 70%, mức hỗ trợ chỉ là 1.000.000 đồng/ha.

Cũng theo anh Thắng, đối với các nhà lưới trồng rau khi bị thiệt hại nhưng khi chiếu theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định 02 thì chưa có quy định cụ thể cho diện tích xuất nhà màng, nhà lưới. Trong khi đầu tư nhà màng, nhà lưới cần nguồn vốn rất lớn.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ Thái Bình: Cần điều chỉnh mức hỗ trợ rủi ro sau thiên tai cho nông dân - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng thành công với mô hình trồng cây hương thảo, chưng cất tinh dầu hương thảo ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trong ảnh, vợ chồng anh Thắng đang chăm sóc cánh đồng trồng hương thảo-một loại cây dược liệu cho tinh dầu thơm.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng chưa đề cập đến một số đối tượng sản xuất như nghề trồng hoa, cây cảnh… mà chỉ tập trung vào một số đối tượng cây trồng, vật nuôi truyền thống như lúa, rau màu, thủy sản, lâm nghiệp, nghề muối, gia cầm, gia súc.

"Qua đó có thể thấy, ngay trong Nghị định 02 đang tồn tại những bất cập trong thực tiễn triển khai và cần phải có những điều chỉnh, thay thế để phù hợp với thực tiễn sản xuất một cách nhanh chóng hơn nữa", Giám đốc HTX Hoàng Minh kiến nghị.

Theo anh Thắng, sau thiên tai, việc dồn lực để hỗ trợ HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất là nhiệm vụ rất cấp bách.

Thực chất, trước đó, Bộ NNPTNT đã có dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 02 nhưng theo không ít HTX, dự thảo này cũng mới chỉ tập trung vào mức hỗ trợ đối với cây trồng là lâm nghiệp, và vật nuôi là thủy hải sản, sản xuất muối. Còn đối với đối tượng là gia súc, gia cầm thì mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên. Điều này chưa tạo được sự công bằng và gây ra sự khó khăn cho nhiều HTX chăn nuôi.

Ba khó khăn của một Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Lâm Đồng khi làm nông nghiệp tuần hoàn

Anh Bùi Ngọc Châu (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 khi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, tuy nhiên, anh đang gặp 3 khó khăn rất lớn về thị trường, vốn và tạo vùng trồng liên kết.

Trung tuần tháng 9, phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với anh Bùi Ngọc Châu, một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 trên cả nước. Anh Châu hiện đang canh tác 3ha trồng các loại rau, củ, quả theo hướng nông nghiệp tuần hoàn với triết lý "biển, vườn, ao, chuồng, ruộng, rừng" tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp do chính anh Bùi Ngọc Châu sáng lập trong quá trình làm nông của mình. Chính vì vậy, trang trại làm nông nghiệp của anh Châu có đủ các yếu tố tạo nên nền nông nghiệp bền vững, tuần hoàn, tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Lâm Đồng gặp 3 khó khăn khi làm nông ngiệp tuần hoàn - Ảnh 1.

Nông dân Việt Nam xuất sắc tại tỉnh Lâm Đồng Bùi Ngọc Châu (phải) bên những cây rau cải xanh tốt trồng trong trang trại của mình. Ảnh: Văn Long.

"Hiện nay, chúng tôi đang trồng khoảng 30 loại rau, củ, quả theo hướng cuốn chiếu theo thời vụ. Chúng tôi sử dụng công nghệ hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ để cải tạo đất, phục hồi đất. Hiện, năng suất các loại rau của tôi vào khoảng 70-80 tấn/năm/ha, tạo nên doanh thu từ 10-20 triệu đồng mỗi ngày", anh Châu chia sẻ.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, anh Châu đang gặp nhiều khó khăn như vấn đề thị trường, vốn và tạo vùng trồng liên kết để tăng sản lượng nông sản.

Theo anh Châu, hiện nay người làm nông nghiệp hữu cơ đang gặp khó khăn lớn về thị trường. Do quy mô các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đang còn nhỏ lẻ, diện tích nhỏ dẫn đến thị trường tiêu thụ nhỏ. Vì vậy, người dân đang gặp khó khăn khi tổ chức sản xuất và đưa ra các giải pháp hiệu quả cho việc tiếp cận thị trường một cách tốt nhất.

Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Lâm Đồng gặp 3 khó khăn khi làm nông ngiệp tuần hoàn - Ảnh 2.

Anh Châu tự thu hoạch rau được trồng trong trang trại nông nghiệp tuần hoàn tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.

Đi giữa khu vườn trồng rau hữu cơ của mình, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 tại tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: "Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn về vốn. Hiện nay, với mô hình nông nghiệp hữu cơ thì việc cải tạo đất, phục hồi đất trồng cần chi phí khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, vì vậy chúng tôi gặp khó khăn khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra, việc liên kết vùng trồng để nâng cao sản lượng cũng đang gặp rào cản lớn vì người dân chưa tiếp cận được mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ một cách bài bản và chuyên nghiệp. Vì vậy, người dân vẫn còn e ngại, chưa dám đầu tư, sản xuất".

Trong thời gian sắp tới, anh Châu mong muốn được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp để tổ chức liên kết người dân, đào tạo, chia sẻ mô hình, giúp cộng đồng làm nông nghiệp hữu cơ mở rộng, giúp sản lượng nông sản tăng. Từ đó, tối ưu hóa logistics, tối ưu hóa việc cung cấp đa dạng sản phẩm ra thị trường để nâng cao thị trường đầu ra, giúp người mua dễ dàng tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Song song với đó, khi mở rộng sản xuất, anh Châu và người dân cũng cần chính quyền, ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư phân bón, phòng phòng trừ nấm bệnh, làm công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp chuỗi liên kết nông sản của anh được đưa đến người tiêu dùng một cách chuyên nghiệp và bài bản.