Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở điều gì để nông nghiệp tỉnh này phát triển?

Bình Minh Thứ ba, ngày 09/07/2024 12:41 PM (GMT+7)
Thăm mô hình trồng sâm của HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh, HTX Măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan gợi mở một số hướng để thúc đẩy phát triển, nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác vừa đến thăm, làm việc tại tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu đã đến thăm mô hình sản xuất của HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh và HTX Măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên.

Đẩy mạnh truyền thông, chú trọng khâu chế biến

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện HTX Sâm núi Dành Đức Hạnh cho biết, từ năm 2022 đến nay, HTX đã xuống giống gần 40.000 bầu sâm núi Dành trên diện tích hơn 3 ha.

Việc sản xuất, chế biến sâm được Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ Hà Nội hợp tác, hướng dẫn theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ cây giống sống sinh trưởng phát triển đạt hơn 90%, HTX đã thu hoạch khoảng 2 tấn hoa tươi và thu mua hoa, lá, củ sâm tươi của xã viên, người dân trong vùng để chế biến thành các sản phẩm: Sâm hòa tan, trà hoa sâm, rượu sâm…

Nhân dịp này, HTX đề nghị địa phương sớm quy hoạch vùng sản xuất sâm núi Dành quy mô lớn; hỗ trợ HTX về mặt bằng sản xuất, đường giao thông, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Cùng đó, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tuyên truyền, vận động, tập huấn cho người dân phát triển vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch.

Đề nghị Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ Hà Nội tiếp tục hỗ trợ sản xuất, cung ứng giống, phân bón, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến sâu đối với sản phẩm sâm núi Dành…

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở điều gì để nông nghiệp tỉnh này phát triển?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan (đầu tiên bên trái) và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu (thứ 2 bên trái) thăm mô hình sản xuất sâm Nam núi Dành của HTX Đức Hạnh, xã Liên Chung, huyện Tân Yên. Ảnh: Nguyễn Miền

Đối với HTX Măng lục trúc lâm sinh Ngọc Châu, hiện HTX có diện tích trồng măng khoảng 7 ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và được cấp mã số vùng trồng nội địa. Diện tích HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân trong huyện Tân Yên là 120 ha, với 30 thành viên. Sản lượng tiêu thụ hằng năm đạt hơn 1 nghìn tấn. Các sản phẩm cung cấp hiện nay của HTX gồm có: Măng tươi nguyên vỏ, măng tươi bóc vỏ, măng khô sấy, măng ngâm ớt, măng tươi hấp sẵn.

Giá bán măng tươi nguyên vỏ là 60.000 đồng/kg; măng tươi bóc vỏ 120.000 đồng/kg; măng hấp sẵn 80.000 đồng/kg; măng khô 3 triệu đồng/kg.... Thị trường tiêu thụ trong nước, chủ yếu qua các gian hàng OCOP, cửa hàng hoa quả sạch. Ngoài ra, HTX phát triển du lịch trải nghiệm mùa thu hoạch măng lục trúc.

Tại các nơi đến thăm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Đồng thời ông cũng gợi mở một số hướng để thúc đẩy phát triển, nâng hiệu quả sản xuất như: Đẩy mạnh truyền thông về sản phẩm, chú trọng khâu chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, qua đó hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Cùng đó quan tâm đầu tư, cải tạo cảnh quan, môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở điều gì để nông nghiệp tỉnh này phát triển?- Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm mô hình sản xuất măng tre lục trúc của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu. Ảnh: Nguyễn Miền

Bắc Giang cần phát triển nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Sau khi thăm 2 mô hình trồng sâm và măng lục trúc tại huyện Tân Yên, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, mặc dù là tỉnh có công nghiệp phát triển nhưng Bắc Giang luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những năm gần đây tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước, song để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tỉnh cần hiểu rõ giá trị của nông nghiệp đối với phát triển KT- XH của địa phương.

Bộ trưởng cho rằng Bắc Giang cần có chiến lược phát triển đảm bảo hài hòa, tránh xung đột, mâu thuẫn trong tư duy giữa kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp; giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Tư duy chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh phát triển mới của thế giới sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế, đem lại giá trị kinh tế cao.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở điều gì để nông nghiệp tỉnh này phát triển?- Ảnh 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu đồng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Báo Bắc Giang

Dựa trên lợi thế sẵn có của từng địa phương, Bắc Giang cần chú trọng đổi mới quy trình sản xuất “tư duy sản xuất”, nâng cao giá trị nông sản và tính tiện lợi của sản phẩm nông sản. Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại “tư duy bán hàng” đảm bảo đa dạng hóa các thị trường, các các mặt hàng nông sản, hướng đến mọi đối tượng khách hàng; các sản phẩm nông sản có sự tương tác tốt giữa người làm ra với người hưởng thụ.

Bắc Giang cũng cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đồng thời phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thu hút các sinh viên ngành nông nghiệp về tìm hiểu các mô hình, đề tài khoa học đang triển khai tại địa phương, tích cực động viên thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của cả nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52 triệu đồng/người/năm.

Bắc Giang đã hình thành 56 nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với mã vùng trồng, số hóa vùng sản xuất và 290 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm vải thiều của HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doạnh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) đạt tiêu chuẩn 5 sao. Tỉnh đã xây dựng được 3 chỉ dẫn địa lý (vải thiều, sâm núi Dành, na dai), 6 nhãn hiệu chứng nhận và hàng trăm nhãn hiệu tập thể…

Phong trào Bắc Giang chung sức xây dựng NTM đạt kết quả cao. Toàn tỉnh đã có 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 154 xã đạt chuẩn NTM (đạt 84,6% tổng số xã), có 59 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã NTM kiểu mẫu, bình quân các xã đạt 17,8 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Tuy nhiên, công tác bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch của Bắc Giang còn kém phát triển nên giá trị gia tăng thấp; sản phẩm nông sản chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô; chi phí đầu vào sản xuất cao, khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem