Dân Việt

Chính phủ họp lắng nghe ý kiến đa chiều về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD

An Linh 05/10/2024 10:09 GMT+7
Sáng nay 5/10, Thường trực Chính phù họp với các bộ ngành, địa phương về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá trên 67 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ tri phiên họp lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD có quy mô lớn nhất của Việt Nam

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển đất nước ta.

Chính phủ họp lắng nghe ý kiến đa chiều về đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì phiên cuộc họp của Thường trực với các bộ ngành, các bên liên quan về chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD

Tại Hội nghị Trung ương 10, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương về xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để thảo luận, tiếp tục chuẩn bị thật tốt dự án này; đồng thời tiếp tục triển khai công việc nghiên cứu, thúc đẩy các dự án đường sắt kết nối Trung Quốc để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Đây là những việc lớn và quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung trí tuệ, thời gian, công sức xây dựng dự án tiếp tục trình cấp có thẩm quyền, đặc biệt nghiên cứu, đề xuất, làm rõ về huy động nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác, cũng như tiến độ triển khai dự án.

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam được Bộ Giao thông vận tải và cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.

Trên cơ sở đó, đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).

Qua rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tính toán sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang-TPHCM cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh-Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.

Phát hành trái phiếu huy động vốn nhân dân

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đã được gửi đến Chính phủ, trong đó có đề xuất cho doanh nghiệp trong nước tham gia dự án, tách thành riêng nhiều dự án, đầu tư theo phân kỳ, hợp tác công tư…

Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng và các thành viên Chính phủ ngày 3/10 cuộc làm việc với các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Chủ tịch Tập đoành Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệp của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…

Được biết, Đèo Cả là doanh nghiệp xây dựng hầm số 1 tại Việt Nam, nhiều công trình hầm trên tuyến đường bộ cao tốc đã được đơn vị này thi công.

Ngoài ra, tại cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp, doanh nhân ngày 4/10, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực hết mình với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ thời gian qua, đặc biệt là công tác "chăm lo đời sống và sức khỏe của doanh nghiệp", tạo nên một khối đại đoàn kết mạnh mẽ, chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ tổ quốc qua hết thử thách này đến khó khăn khác.

Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam có 6 góp ý, trong đó nhấn mạnh việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của Nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.

Ông Thân nhấn mạnh, hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn như việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.

Theo ông Thân, một thách thức đặt ra là "nguồn vốn" để thực hiện các dự án, làm sao để các Dự án đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là "tiết kiệm chi phí hợp lý".

Hiệp hội DNNVV Việt Nam mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cần có một đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ hai dự án nêu trên.

Ông Thân cho biết: "Có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Đặc thù của doanh nghiệp và người dân Việt Nam là khi Tổ quốc, đất nước cần thì sẵn sàng ủng hộ hết mình".

Ông Thân cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn."Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...)", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nhấn mạnh.