Hiện, anh Huyền nuôi tép cảnh sinh sản với 30 hồ. Mỗi tháng, anh Huyền xuất bán trên toàn quốc 10.000 con tép cảnh.
Khó tưởng tượng trên miếng đất 2.000m2 và 30 hồ xi măng nuôi tép cảnh sinh sản mỗi năm anh Huyền lại có nguồn thu "khủng" như thế. Với nguồn thu nuôi tép cảnh sinh sản này bằng giá trị nông dân ở miền Tây hiện nay trồng hơn 30 ha lúa.
Tuy nhiên, để nuôi ép cảnh sinh sản thành công và có nguồn thu "khủng", theo anh Huyền nông dân phải là bà mụ giỏi.
Anh Huyền thổ lộ, trước khi nuôi tép cảnh sinh sản anh đã nuôi cá cảnh.
Dù kinh nghiệp đầy mình với nghề nuôi sinh vật cảnh, nhưng khi tiếp cận với nghề nuôi tép cảnh sinh sản anh Huyền phải tìm hiểu rất nhiều từ đồng nghiệp, sách báo và qua mạng Internet…
Theo anh Huyền, mặc dù nuôi tép cảnh sinh sản khá dễ, là việc nhẹ, nhưng tép cảnh rất đỏng đảnh, nên trước khi nuôi nông dân phải am hiểu về đặc tính, sinh trưởng của các loại tép cảnh; kỹ thuật nuôi; môi trường nước, như nhiệt độ, ánh sáng, độ pH; thức ăn phù hợp…
"Để nuôi tép cảnh thành công phải xử lý nước trong ao thật tốt. Phải thường xuyên kiểm tra độ pH, độ cứng, nhiệt độ trong nước để phù hợp với từng loại tép cảnh.
Tép cảnh màu xanh.
Ngoài ra, thức ăn cho tép cảnh phải có chất lượng cao, phù hợp; thường xuyên theo dõi sức khỏe của tép để kịp thời xử lý mầm bệnh", anh Huyền chia sẻ.
Theo đó, trong nuôi tép cảnh sinh sản, xử lý môi trường nước là đặc biệt quan trọng để giúp tép sống khỏe, cho màu đẹp.
Như đã nói, tép cảnh là vật nuôi khá là nhạy cảm với môi trường nước, chứ không dễ như cá cảnh. Vì thế, việc cung cấp nguồn nước chất lượng và thường xuyên thay nước cho tép để môi trường sống đảm bảo khỏe mạnh và đủ dinh dưỡng. Thường nước trong ao nuôi tép cảnh sinh sản có độ pH 5 - 8, độ cứng kH 1 - 6 để tép cảnh phát triển tốt.
Bên cạnh đó, nuôi tép cảnh sinh sản còn phải lưu ý nhiệt độ nước để tép phát triển sinh sản. Nhiệt độ lý tưởng nhất là 22 - 24oC.
Anh Huyền, xã An Thạnh, huyện Mõ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) nuôi tép cảnh sinh sản với nhiều giống khác nhau. Ảnh: T.Đ.
Theo anh Huyền, tép cảnh không quá kén chọn thức ăn. Thường thức ăn của tép cảnh là giun đỏ, rong rêu, cây cỏ, khoáng chất trong nền,… Với thức ăn công nghiệp còn chọn loại thức ăn chất lượng cao, phù hợp với từng loại tép cảnh.
Thông tường, tép ôm trứng, ấp trứng đến khi trứng nở khoảng 1 tháng. Sự phát triển của trứng tùy thuộc vào mỗi loài tép cảnh. Trứng nở nhanh hay chậm tùy loài. Vì vậy, thời gian tép ôm trứng bao lâu thì đẻ cũng không cố định.
Ngoài ta, trứng nhiều hay ít, màu sắc ra sao cũng tùy loài. Để biết bao giờ tép mẹ sinh sản quan sát cặp mắt của bào thai tép trong trứng. Trứng có mắt là dấu hiệu trong vòng vài ngày nữa tép mẹ sẽ nở.
Anh Huyền cho biết, năm 2021, anh bắt đầu chuyển hướng từ nuôi cá cảnh sang nuôi tép cảnh sinh sản.
"Trong quá trình nuôi cá bảy màu, tôi biết nuôi tép cảnh sinh sản cho hiệu quả kinh tế tốt hơn. Nuôi tép cảnh dễ, lại tốn ít thức ăn. Quan trọng là chi phí đầu tư nuôi tép cảnh chỉ bỏ ra 1 lần", anh Huyền bộc bạch.
Nhờ nuôi tép cảnh sinh sản anh Huyền, xã An Thạnh, huyện Mõ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đổi đời. Ảnh: T.Đ
Theo anh Huyền, hiện anh nuôi tép cảnh sinh sản với các loại, như tép đen (Crystal Black), tép xanh (Blue Dream) và tép đỏ (Crystal Red).
Anh Huyền chia sẽ, ban đầu thị trường đầu ra cho con tép rất khó khăn vì chưa quen biết mối mang. Tuy nhiên, dần dà anh tiếp cận được thị trường và giờ đầu ra cho tép cảnh rất ổn định.
Không chỉ bán tép cảnh theo kiểu truyền thống qua mối mang, anh Huyền còn bán qua sàn điện tử, như: Shopee, Lazada hay Tiktok shop…
Hiện, mỗi tháng anh Huyền cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 con tép cảnh. Giá tép cảnh 10.000 – 50.000 đồng/con.
"Tính ra, mỗi năm tôi có doanh thu từ nghề nuôi tép cảnh sinh sản 300 – 400 triệu đồng", anh Huyền thổ lộ.
Hiện, tép cảnh được giới chơi sinh vật cảnh khá yêu thích. Tép cảnh thường được nuôi chung trong hồ thủy sinh cùng với các loại cá cảnh. Ngoài mục đích làm đẹp, tép cảnh còn dọn dẹp vệ sinh nền hồ thủy sinh và tiêu diệt các loại rêu tảo hại rất tốt, thậm chí là tốt hơn cả các loại cá chuyên ăn rêu hại khác.