Năm 2008 tôi kết thúc kỳ thi đại học, sau vài hôm ở lại nhà cậu chơi, tôi ra bến xe Hà Đông trở về nhà. Bến xe Hà Đông khi đó vẫn còn làm tôi thấy sợ với biển người chen chúc, những chiếc xe vội vã lăn bánh, những người lạ không ngừng đeo bám mời gọi lên xe. Tôi vốn là người say xe nên chỉ cần ngửi mùi khói xăng lẫn lộn là ruột gan đã quắn quéo. Khi leo được lên xe có đích đến Thái Bình, tôi đã nôn ngay dù xe chưa chạy.
Khi tôi còn đang rũ rượi dựa vào thành xe sau trận nôn dữ dội, trong lúc đầu óc còn choáng váng tôi bỗng cảm nhận có bàn tay nhỏ xíu vỗ vào vai tôi nhè nhẹ. Tôi mở mắt, một cậu bé bán hàng rong gương mặt đen nhẻm, đôi mắt sáng, miệng cười toe toét. Người nhỏ thó nhưng cậu đeo trước mắt hẳn một cái khay với lỉnh kỉnh tăm bông, kẹo cao su, đồ cắt móng tay, vài tờ báo.
"Chị ơi chị có mua báo để biết đáp án kỳ thi đại học không chị?"
"Chị không mua đâu, đằng nào cũng thi xong rồi, chị xem sẽ cảm thấy lo lắng hơn trong khi chờ kết quả bé ạ", tôi trả lời xong mắt lại nhắm nghiền, ôm bụng.
Sau lời từ chối của tôi, cậu bé rời đi và sang chào những người khách khác trên xe. Tôi đoán chừng cậu bé chỉ độ 7 tuổi, tự nhiên thấy lòng nhói lên cảm giác thương xót, bùi ngùi.
Độ tuổi ấy ngày xưa tôi còn mải trốn mẹ đi bắt chuồn chuồn giữa trưa và cùng lũ bạn trèo cây hái khế chấm mắm rồi chơi ô ăn quan, nhảy dây đến tối mịt bố mẹ đi tìm mới chịu về.
Cậu bé đi chào lần lượt từng người rồi xuống sân. Từ trên xe nhìn xuống, tôi thấy cậu bé nhỏ xíu ấy đuổi theo một bé gái khác. Bé gái này tôi đoán chừng 6 tuổi, dù bề ngoài lem luốc, mái tóc rối bù nhưng đôi mắt rất hồn nhiên. Hai bạn nhỏ nói với nhau điều gì rồi bỗng cậu bé quay lại xe tôi, tiến gần đến chỗ tôi ngồi. Cậu xòe hai bàn tay ra trước mặt tôi, vui vẻ nói: "Em cho chị hai quả sấu này, chị ăn vào xem có đỡ say không nhé".
Tôi nhìn hai quả sấu xanh non, lại nhìn sang cậu bé với những cảm xúc đan xen: ngạc nhiên, thích thú rồi rưng rưng cảm động. Trao cho tôi hai quả sấu non xong, cậu bé nhanh chóng quay lưng chạy xuống xe. Trong giây phút ấy tôi bỗng lóe lên một suy nghĩ. Tôi lục trong ba lô ra một cuốn truyện tranh, cuốn truyện này tôi rất thích nên định đọc trên xe để đỡ sốt ruột trên chặng đường trở về nhà.
"Bé ơi chị tặng cho bé cuốn truyện này nè, chị cảm ơn bé nhé". Cậu bé thấy tôi đưa cho cuốn truyện cũng ngạc nhiên, hai mắt bé mở to, long lanh và thích thú. Cậu bẽn lẽn: "Em cảm ơn chị ạ, em không biết chữ nhưng em sẽ xem tranh ạ".
Cậu đón lấy cuốn sách từ tôi, chậm rãi vuốt ve bìa sách với tất cả nâng niu rồi lật vài trang xem, hai mắt sáng rực như sao, gương mặt bừng lên niềm hạnh phúc của trẻ thơ.
"Chắc là em gái em cũng sẽ thích lắm đây. Em gái em chưa có cuốn truyện nào đâu chị ạ". Nói rồi cậu tạm biệt tôi, nhanh chóng xuống xe, vội vàng chạy đi tìm em bé gái lúc nãy.
Xe từ từ lăn bánh chuyển ra ngoài cổng để chuẩn bị xuất phát cho đúng giờ, tôi ngoái lại phía sau còn kịp nhìn thấy hai anh em ngồi bệt dưới một gốc cây cùng nhau xem sách, hai cái khay đựng hàng để bên cạnh.
Ánh nắng xiên vào mặt các em nhưng hai anh em không ai bận tâm tránh nắng, giây phút ấy gánh nặng mưu sinh đã bị bỏ quên, các em trở về với chính mình – những đứa trẻ vô tư, hồn nhiên chìm đắm vào thế giới trong sách.
Hình ảnh hai anh em ngày càng mờ đi rồi khuất hẳn khi chiếc xe tôi ngồi lao nhanh ra con đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng. Tôi bần thần nhìn ra ngoài, trong lòng bộn bề rất nhiều cảm xúc. Những đứa trẻ đáng thương buộc phải trưởng thành sớm, lăn lộn với cuộc đời nên vẻ ngoài có cái gì đó phòng vệ, chai lì, già dặn, bất cần. Nhưng chỉ cần chậm lại một chút, dịu dàng với các em một chút, ai cũng có thể cảm nhận sự mong manh dễ vỡ, những khao khát ẩn giấu bên trong của các em.
Năm ấy tôi đỗ đại học và học ở Khoa Triết học Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thi thoảng tôi đến bến xe Hà Đông nhận gạo bố mẹ gửi ra, lần nào tôi cũng đem theo vài cuốn truyện khác để xem có gặp được hai bạn nhỏ đáng yêu ấy không nhưng tôi tìm hoài không thấy.
Tôi không biết các em đã chuyển sang một bến xe khác hay có điều gì biến động đã thay đổi cuộc sống của các em, liệu các em có cuộc sống tốt hơn không?
Sau này bến xe Hà Đông không còn nữa, mỗi lần đi qua đó lòng tôi lại trùng xuống vì ký ức năm nào. Hôm trước tôi có mở một chuyên đề "Bồi dưỡng kỹ năng đọc viết" cho sinh viên nơi tôi đang công tác – Trường Đại học Dược Hà Nội với mong muốn lan tỏa ý nghĩa của văn hóa đọc.
Khi nói về những điều lấp lánh trong trang sách không chỉ giúp mỗi người lớn lên bởi tri thức mà còn có sức mạnh xoa dịu những tổn thương, hướng con người ta đến những điều đẹp đẽ và chân thật, tôi bỗng nghẹn ngào nghĩ đến hai bạn nhỏ ở bến xe Hà Đông năm đó.
Tôi lại thầm hỏi chính mình: "Bây giờ các em thế nào rồi, có còn phải tiếp tục lặn lội mưu sinh ở bến xe, gầm cầu? Các em đã biết đọc chữ chưa? Ước gì chị gặp lại được các em, chị mong là có thể đem đến cho các em sự ấm áp của mình. Nếu các em chưa biết đọc cũng không sao, chị có thể dạy chữ cho các em dù các em bao nhiêu tuổi".
Hà Nội không phải nơi tôi sinh ra nhưng mười sáu năm qua Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của tôi với những gắn bó máu thịt và rung động đầy thổn thức. Càng trưởng thành, tôi càng thấy mình chạm được vào Hà Nội sâu hơn.
Hà Nội của tôi đâu chỉ hoa lệ với những con đường hiện đại, những tòa nhà chọc trời, những phố phường sầm uất, Hà Nội cũng có khoảnh khắc trầm tư với bao phận người lặng lẽ mưu sinh. Đó là bà cụ bán bánh run run mở chiếc áo mưa ra che chắn cho rổ bánh phía sau mình khỏi bị hỏng, còn mình cứ thế ướt đẫm trong cơn mưa chiều rất vội.
Đó là chị hàng gốm trong lúc vắng khách ngồi tô tô vẽ vẽ chiếc bình mới, nụ cười tươi rói gửi gắm biết bao hy vọng. Đó là bác xe ôm lặng lẽ ngồi chờ khách gọi, khấp khởi mừng khi có người gọi xe. Hôm nay các con bác sẽ có thêm đồng tiền mua manh quần, tấm áo chuẩn bị cho năm học mới, hoặc ít ra bữa cơm cũng có thêm vài miếng thịt.
Hà Nội của tôi là thế đấy, vừa vội vàng, vừa tĩnh lặng, vừa thay da đổi thịt từng ngày vừa trầm tư giữ lại những gì truyền thống. Hà Nội khiến người ta phải nhìn ra ngoài mà xuýt xoa, mà tấm tắc, vừa khiến người ta quay vào bên trong mà bùi ngùi, rung động, mà day dứt trước những ký ức thâm tình. Có lẽ vì thế mà càng hiểu Hà Nội tôi lại càng yêu thêm mảnh đất mình đang sống.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.