Ký ức Hà Nội: Hồi ức khó quên những ngày sinh viên được cử đi nạo vét, đắp sông Tô Lịch

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh Thứ năm, ngày 03/10/2024 06:54 AM (GMT+7)
Năm 1980, Trường Đại học Tài chính - Kế toán nhận được quyết định của Hà Nội về việc cử sinh viên đi nạo vét, đào đắp, cải tạo sông Tô Lịch...
Bình luận 0

Sông Tô Lịch (Hà Nội) từng được biết đến là một con sông lớn chảy dọc kinh thành Thăng Long, là con đường giao thương tấp nập của các thuyền buôn ở các địa phương với kinh thành. Dọc hai bên bờ sông là các ngôi làng trù phú, đất đai màu mỡ, phong cảnh hữu tình nên các vua thời Lý, Trần thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông. 

Qua bồi lấp của thời gian và biến đổi của dòng chảy, sông Tô Lịch chỉ còn đoạn từ Nghĩa Đô, Cầu Giấy, rồi xuôi xuống đường Láng, Ngã Tư Sở và chảy tiếp đến Định Công đổ ra sông Nhuệ. Đến những năm 70 của thế kỷ 20, với sự gia tăng của dân số đô thị, dòng sông Tô Lịch bị lấn chiếm, bị lấp dần, thu hẹp lại, bồi lấp nhỏ dần, trở thành kênh thoát nước cho cả khu vực từ phía Tây đến Đông nam Hà Nội và ngày càng bị ô nhiễm.

Trước năm 1975, dù là dòng sông cụt, nhưng nước sông Tô Lịch vẫn được dùng để tưới rau màu cho các cánh đồng từ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Láng, Thanh Trì, Định Công. Sau năm 1975, cùng với sự bùng nổ của công nghiệp và đô thị hóa, sông Tô Lịch ngày càng bị lấn chiếm và bị ô nhiễm nặng, bị biến thành dòng sông "chết" với dòng nước đen xì, đầy hóa chất và hôi hám.

Cuối năm 1979, được sự trợ giúp kinh phí của quỹ UNDP thuộc Liên Hiệp quốc, Chính phủ đã giao UBND thành phố Hà Nội lập quy hoạch dự án cải tạo sông Tô Lịch. Thành phố đã quyết định huy động lực lượng sinh viên các trường đại học trên địa bàn đi nạo vét, đào đắp, cải tạo dòng sông lịch sử.

Tháng 8/1980, Trường Đại học Tài chính - Kế toán nhận được quyết định của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp về việc cử sinh viên đi nạo vét, đào đắp, cải tạo sông Tô Lịch. Khi đó, Trường Đại học Tài chính - Kế toán đang đóng trụ sở tại thị xã Phúc Yên, huyện Mê Linh ngoại thành Hà Nội (vẫn được gọi là vùng Hà Nội mới).

Ký ức Hà Nội: Hồi ức khó quên những ngày sinh viên được cử đi nạo vét, đắp sông Tô Lịch- Ảnh 1.

Sông Tô Lịch năm xưa. Ảnh Tư liệu.

Do ở cách địa bàn thi công đến 40 km (một khoảng cách khá xa với giao thông vận tải vào thời gian đó) để thực hiện được khối lượng đào đắp sông theo thiết kế, nhà trường đề xuất phương án chia đôi khối lượng và thực hiện trong thời gian 2 tháng. Khi đó cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vừa kết thúc, nhà trường lựa chọn sinh viên khóa 17 (năm thứ 2) đi lao động đào sông Tô Lịch và thành lập 2 tiểu đoàn để thực hiện kế hoạch. 

Tiểu đoàn 1 do Thầy Nguyễn Trọng Tuệ, giảng viên bộ môn Lưu thông tiền tệ làm tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó phụ trách chính trị là thầy Trần Danh Đoàn, giảng viên bộ môn Tài chính học, Tiểu đoàn phó phụ trách kỹ thuật là Thầy Phan Duy Minh, giảng viên bộ môn Ngân sách Nhà nước, Tiểu đoàn phó phụ trách hậu cần là Thầy Đinh Trọng Thịnh, giảng viên bộ môn Cấp phát và cho vay đầu tư cơ bản.

Các đại đội được phân theo nhóm lớp của khung cán bộ các lớp sinh viên khóa 17 khoa Tài chính. Sau khi có quyết định thành lập được 3 ngày, Ban chỉ huy Tiểu đoàn cùng đại diện các đại đội gồm anh Cộng, anh Long, anh Dự, anh Thành, chị Thục,..đã về ngay thôn Vực, xã Thịnh Liệt để làm công tác tiền trạm, liên hệ nhờ các gia đình trong thôn cho sinh viên ăn ở tạm trong thời gian đào sông. Nhân dân rất đồng lòng ủng hộ chủ trương cải tạo sông của Chính phủ.

Mỗi gia đình nhận 3-5 sinh viên. Ban chỉ huy tiểu đoàn ở nhà ông Hòe, chủ nhiệm HTX ngay cổng thôn và nhìn thẳng ra sông Tô Lịch. Vấn đề hậu cần cho sinh viên lúc bấy giờ rất phức tạp, vì sinh viên được mua định mức 15 kg lương thực, nhưng thường phải độn ngô, khoai, sắn… và rau xanh, thịt cá đều phải có tem phiếu, theo định lượng vài lạng/người/tháng.

Sau khi có đề nghị của Tiểu đoàn, UBND thành phố đã có quyết định để Sở lương thực cấp bán đủ 15 kg gạo và Sở Thương nghiệp tăng định mức khẩu phần tem phiếu về thịt, cá cho quân số đi lao động.

Tiểu đoàn tổ chức bếp nấu ăn tập thể cho sinh viên. Hơn nữa, theo thống nhất của dự án, Liên hợp quốc sẽ tài trợ cho mỗi sinh viên đi đào sông mỗi trưa một chiếc bánh mì 200 gr và 6 người được 1 hộp đùi gà do Hà Lan sản xuất nặng khoảng gần 1 kg, nên sinh viên cũng đủ sức lao động. Đối với sinh viên lúc đó đây thực sự được coi là món ăn mỹ vị mà sau này nhiều người còn nhớ. 

Địa bàn Trường được phân công đào là đoạn cuối sông từ cửa đập ngăn sông Tô Lịch với sông Nhuệ gần Nhà máy Sơn tổng hợp đến đoạn cầu Dậu. Trường Đại học Tài chính – Kế toán đào đoạn cuối giáp cửa đập ngăn.

Để hỗ trợ cho việc đào sông, Thành phố Hà Nội đã ngăn các cửa cống xả, và hút cạn nước lòng sông. Nhưng nước dưới sông Tô Lịch vẫn còn nhiều. Từ đêm hôm trước ngày khởi công, tiểu đoàn đã mượn máy bơm của HTX và sáng sớm đã vận hành để hút cạn. Nhưng do lòng sông bị bồi lấp còn nhiều bùn nên cần tạo mương để hút vét. Tiểu đoàn phó chính trị đã yêu cầu lãnh đạo các đại đội cùng xuống trước. Bùn ngập sâu và bốc mùi sặc sụa. Nhưng sau đó các sinh viên cũng đã chủ động tạo các bậc và dùng gầu sòng để vét bùn khi nước cạn, máy bơm không hoạt động được.

Nạo vét bùn là công việc cực kỳ khó khăn, vất vả vì không có máy để hút, không có công cụ để vận chuyển từ lòng sông lên mọi việc đều phải thực hiện thủ công. Khi vét sạch lớp bùn nhão và vận chuyển được lên bờ đã thấy việc đào sông khả thi hơn. Nhưng việc đào sông cũng rất vất vả.

Một số sinh viên là bộ đội xuất ngũ đã có kinh nghiệm dùng kéo cắt đất bùn thành các viên hình rẻ quạt mỗi viên khoảng 20 kg. Hai sinh viên bốc viên đất và đặt lên vai cho sinh viên để vác lên đắp trên bờ. Bùn chảy làm bờ sông trơn trượt, các bậc leo cũng đầy bùn. Càng đào sâu thì bờ sông càng cao và đống đất đắp cũng ngày càng cao như núi, đến gần đường điện cao thế.

Thậm chí có sinh viên bên Đại học nông nghiệp bị điện giật khi vác đất đắp bên bờ. Con sông dần cũng hình thành hình hài theo thiết kế. Nhưng vất vả vẫn còn đầy rẫy, đặc biệt là nạn xả trộm nước vào ban đêm. Sáng ra, nhìn nước mênh mông, Tiểu đoàn lại phải mượn máy bơm của HTX để bơm hút hết gần buổi sáng mới có thể thi công. Thậm chí, tận đến hôm gần nghiệm thu, Tiểu đoàn vẫn phải bơm hút nước xả trộm và chỉnh trang để Ban nghiệm thu dự án của Thành phố xuống đo đạc, xác nhận khối lượng.

Ký ức Hà Nội: Hồi ức khó quên những ngày sinh viên được cử đi nạo vét, đắp sông Tô Lịch- Ảnh 3.

Hình ảnh con sông Tô Lịch ngày nay. Ảnh: Dân Việt.

Với tinh thần quyết tâm cao, với các sáng kiến cải tiến trong công tác đào đắp và sức mạnh tuổi trẻ, sau 3 tuần Tiểu đoàn 1 đã hoàn thành vượt mức khối lượng được Thành phố giao và báo cáo với nhà trường để rút về.

Sau đó tiểu đoàn 2 gồm các lớp khóa 17 của Khoa Kế toán đã được điều xuống để thực hiện tiếp kế hoạch đào sông Tô Lịch mà Thành phố giao. Phát huy kinh nghiệm và kết quả của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 cũng đã tổ chức thi công có hiệu quả và hoàn thành vượt mức kế hoạch mà Thành phố giao cho.

Mười năm sau, trên cơ sở các dấu mốc và vị trí đã được xác định từ năm 1980, vào năm 1990 UBND thành phố Hà Nội đã tiếp tục thực hiện dự án nạo vét và kè đá toàn bộ sông Tô Lịch để có dòng sông như hiện nay. 

Trải qua nhiều năm, hiện nay Hà Nội đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải 2 bên bờ sông Tô Lịch theo công nghệ Nhật Bản với đường ống cống thu gom sâu dưới lòng đất.

Đoạn đầu có đường kính 600mm, đoạn cuối giáp sông Nhuệ có đường kính 1.300 mm. Đồng thời, xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì công suất xử lý dự kiến trên 270.000m3/ngày đêm. Dự án này có tổng đầu tư trên 16.300 tỷ đồng, bắt đầu khởi công từ năm 2016 và đến nay (năm 2024) đã hoàn thành 95%, đang trong quá trình hoàn thiện. Dự án này sẽ đưa sông Tô Lịch thành công viên văn hóa, tâm linh đặc sắc của Hà Nội trong tương lai.

Trở lại Thịnh Liệt ngày nay đã biến đổi rất nhiều. Dòng sông Tô Lịch cũng đã đổi khác, được kè đá, hai bờ sông là phố phường sầm uất. Xã Thịnh Liệt là quê hương của Tể tướng Phạm Tu, người cùng Lý Bí đánh quân Lương giải phóng đất nước và của nhà giáo Chu Văn An.

Đền thờ hai ông được trùng tu, nâng cấp khang trang, xứng với công lao của các ông với đất nước. Chùa Thịnh Liệt cũng được cải tạo, dân làng Thịnh Liệt xây dựng một bảo tháp 9 tầng cao đẹp. 

Làng Thịnh Liệt đã lên phố với toàn nhà cao tầng to, đẹp. Nơi đây có một thời gian lao cùng những kỷ niệm đẹp để sinh viên Học viện Tài chính nhớ về, cũng có những giọt mồ hôi và công sức tuổi trẻ Tài chính thấm mảnh đất này.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem