Nguyễn Thị Bích Chuyên (Hà Nội)
Thứ ba, ngày 01/10/2024 18:00 PM (GMT+7)
Sông Hồng, đoạn chạy qua TP.Hà Nội nhiều lúc yên ả và nên thơ là thế, ấy vậy mà cũng có lúc sông trở nên dữ dội và đáng sợ nhất là khu mùa mưa bão đến...
Hà Nội thời ấy, cái thời xa xôi nằm mãi trong ký ức tôi từ khi còn là một đứa bé con sáu, bảy tuổi ở vùng ven đê sông Hồng mà mọi người thời ấy thường gọi là "bãi Phúc Xá" luôn là một kỉ niệm gợi thương gợi nhớ đến nao lòng.
Gia đình tôi cùng rất nhiều hộ hàng xóm là đồng nghiệp cơ quan mẹ đều được phân nhà cấp bốn trong khu Phúc Xá. Con đường hằng ngày dẫn về nhà vẫn còn là những đoạn đường đầy sỏi đá gồ ghề xen lẫn đất bùn, trời nắng bụi bay mù mịt, trời mưa lầy lội bẩn thỉu. Con đường đất ấy không chỉ dẫn được về nhà, mà còn chạy được thẳng ra mép sông.
Hằng ngày, lũ trẻ con chúng tôi đều vui vẻ háo hức chạy ra mép sông chơi đùa cùng lũ trẻ xóm bãi. Nhìn các bạn bơi lội, ngụp lặn dưới dòng sông đỏ ngầu phù sa mà thèm được nhúng chân xuống, nhưng đứa nào cũng sợ bị đứa khác mách lẻo với phụ huynh, sẽ bị ăn đòn, nên dù rất muốn nhưng chúng tôi cũng chỉ dám mon men nghịch ngợm trên bờ, ngắm nhìn ráng chiều đỏ au buông xuống những chiều mùa hạ, hòa cùng màu đỏ của sông như quấn quyện với nhau vẽ nên một cảnh sắc rất yên bình.
Sông Hồng nhiều lúc yên ả và nên thơ là thế, ấy vậy mà cũng có lúc sông trở nên dữ dội và đáng sợ nhất là khi mùa mưa đến. Vào mùa mưa, những cơn mưa rào giăng trắng trời ngập lối mờ cả đường đi, nước sông Hồng nổi sóng từng đợt cao vút như muốn nhấn chìm cả những ngôi nhà lụp xụp bé tẹo ven sông. Rồi lũ tràn về, nước ngập lênh láng và lên cao dần.
Bố mẹ tôi và các bác hàng xóm đã tất bật di dời đồ đạc quan trọng lên trên cao hoặc đem đi gửi nhờ nhà họ hàng, người quen từ trước đó. Thời trẻ con non dại ấy, chúng tôi vẫn chưa hiểu hết được sự lo lắng, vất vả cùng những nhọc nhằn lo toan của cha mẹ những khi mùa nước lên, chỉ thấy nước dâng lên là được lội nước, được ngồi thuyền đi vào nhà là một điều gì đó rất hay ho mà thôi.
Ngồi trên con thuyền nhôm chòng chành rẽ làn nước đục ngầu, xung quanh mênh mông những nước và rác rưởi, đồ đạc linh tinh bị cuốn trôi từ các gia đình ngập nước, chúng tôi đều thấy kì lạ, háo hức hòa lẫn trong niềm vui ngây ngô thời con trẻ.
Khi nước rút dần, mọi người lại tất bật dọn dẹp, lau chùi lại nhà cửa. Nhìn vạch nước sót lại bám trên bức tường xanh còn ẩm thấp, mực nước cao quá đầu tôi, tôi mới mơ hồ cảm nhận thấy sự đáng sợ và dữ dội của trận lụt vừa tràn qua. Nhưng có lẽ sống lâu thành quen, người dân vùng bãi Phúc Xá nói chung cũng như gia đình tôi nói riêng đã quen thuộc với việc chống lũ theo mùa hằng năm.
Cứ khi vào mùa mưa hay khi nghe dự báo thời tiết sắp có mưa lớn liên tục là mọi người đã rủ nhau sơ tán đồ đạc, đắp bao cát. Tụi trẻ con chúng tôi đôi khi còn bị gửi đi tá túc nhờ nhà của bà con hàng xóm quen thuộc nào đấy cho qua mùa lũ.
Sống trong gian khó nhưng chẳng ai oán thán kêu than, mọi người chỉ coi việc chống lũ như một lẽ dĩ nhiên phải làm hằng năm và bình thản đối mặt trước những con nước nổi đỏ ngầu phù sa ấy.
Thời gian dần trôi, bộ mặt của đô thị ngày càng được cải thiện, hệ thống thoát nước, cống rãnh, đê điều cũng được củng cố ngày một tốt hơn. Nhiều khu nhà ven đê sông Hồng từ lâu đã không còn được gặp lại những ngày lũ dâng cao mênh mông che kín lối về nhà, lũ trẻ con thành phố hiện đại giờ cũng không còn được trải nghiệm cái cảm giác lênh đênh trên những con thuyền nhôm như chúng tôi thuở xưa.
Những kí ức về một thời nước nổi đã trôi xa từ lâu lắm và thi thoảng chỉ còn được nhắc lại trong những câu chuyện phiếm của người dân cũ một thời. Mừng cho bộ mặt đô thị đã đẹp lên từng ngày, nhưng cũng không ít lần tôi tự nghĩ và bâng khuâng nhớ về những ngày tháng khó khăn nhưng ý chí sống luôn mạnh mẽ kiên cường và nụ cười không bao giờ tắt của những con người thời ấy.
Những ngày tháng đầy gian khổ cũng đáng cho con người ta nhớ đến như một kỉ niệm khó quên gắn bó với Hà Nội một thời xây dựng và đi lên.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.