Năm tôi lên 3 tuổi, gia đình tôi chuyển nhà. Đó là đầu những năm 80 của thế kỷ trước, vẫn còn bao cấp, đầy những khó khăn và thiếu thốn.
Trước đó, chúng tôi ở trong một gian nhà cấp 4 tập thể cán bộ của một trường đại học lớn ở Hà Nội – nơi mẹ tôi là giảng viên. Nhà mới nơi chúng tôi chuyển đến là một căn hộ trong một tòa chung cư nằm trong một quần thể nhà ở mới xây dựng ở ngoại thành (đấy nói theo ngôn ngữ hiện tại, còn hồi đó gọi là nhà tập thể, khu tập thể).
Khi chuyển nhà, cả gia đình mừng lắm vì không phải ở gian nhà tập thể chật chội, ẩm thấp, bếp nấu trong phòng, vệ sinh công cộng, lại mái tranh luôn lo cháy nhà. Căn hộ ở khu nhà mới sạch sẽ, khang trang, thoáng mát, ai cũng thích. Tất nhiên chất lượng xây dựng và mức độ tiện nghi thua xa bây giờ nhưng thời đó với chúng tôi như là thiên đường.
Sau này, mẹ tôi lại băn khoăn tiếc nuối về cái quyết định chuyển nhà ấy. Chuyện là những người ở nhà tập thể cấp 4 về sau được hóa giá, nghiễm nhiên được mấy chục mét vuông đất, tất nhiên là giá trị hơn nhiều so với căn hộ chung cư. Đấy là về sau nghĩ thế, còn lúc đó có nghĩ gì đâu, ai biết thời cuộc xoay vần như thế nào? Chuyển là chuyển, đi là đi, đầy lạc quan và hứng khởi!
Tòa chung cư nơi chúng tôi chuyển đến có 5 tầng, cũng là một trong những tòa cao nhất khu. Chúng tôi ở tận tầng 5, đầy nắng và gió. Tòa nhà có mặt bằng hình chữ T như cái chong chóng, chĩa ra 3 "cánh" mà chúng tôi tự đặt theo hướng là "cánh Bắc", "cánh Tây", "cánh Đông"; ở giữa là cầu thang và sảnh tầng.
Mỗi "cánh" có 2 căn hộ đối xứng nhau, mỗi tầng có 6 hộ, vị chi cả tòa nhà có tất cả có 30 hộ. Về lý thuyết là thế, nhưng có một số gia đình neo người phải ở ghép, tức là 2 gia đình sống chung trong một căn hộ.
Mỗi căn hộ có một phòng lớn, một phòng bé, gọi là vậy vì hồi ấy không phân biệt phòng khách, phòng ngủ như bây giờ; 1 khu bếp nấu và 1 khu vệ sinh, 1 khoảng trống phía sau để phơi quần áo. Căn phòng có lẽ chừng 45m2. Tòa nhà thiết kế kiểu hành lang bên nên rất thoáng cả trước và sau. Nhà tôi lại ở cuối hành lang nên được thêm một mặt thoáng đầu hồi của "cánh".
Theo "quy hoạch", phòng nhỏ là phòng ngủ của bố mẹ tôi, cũng là nơi kê tủ quần áo và để xe đạp; phòng lớn vừa là phòng khách, vừa là phòng ăn, vừa là chỗ ngủ và nơi học của 2 chị em tôi.
Tôi cũng chẳng nhớ nổi tại sao trong một cái phòng cỡ chừng 15m2 mà kê kích được nhiều thứ như thế. Hai cái giường, 2 cái bàn học, một bộ salon, một cái tủ ly. Mà nhà nào cũng vậy, đâu riêng gì nhà tôi. Các không gian đều là không gian đa năng cả. Có nhà còn có 6-7 người, vẫn ở vừa hết. Chả ai ca thán phàn nàn gì…
Chung cư ngày ấy, hầu hết là cán bộ công nhân viên chức, nghèo. Thế nên hầu như nhà ai cũng tăng gia, cụ thể là trồng trọt và chăn nuôi. Những gia đình đến ở sớm tự phân chia nhau những khoảnh đất lưu không dưới chân tòa nhà, mỗi nhà một mảnh vườn. Gia đình nào đến sau phải đi xa hơn chút, hoặc có thể không có vườn nữa. Chúng tôi chiều chiều theo bố mẹ xuống vườn trồng rau, tưới rau, hái rau.
Cả khu vườn nhộn nhịp tiếng cười nói, í ới đùa vui, rồi chăn nuôi… Nhiều nhà ngăn một khoảng trong vệ sinh ra để nuôi lợn, ngày ngày đi xin nước gạo cho lợn. Nhà tôi không nuôi lợn nhưng nuôi gà. Tận dụng góc chết cuối hành lang, bố tôi tự tay đóng một cái chuồng gà kê vào đấy, nuôi mấy con gà công nghiệp. Phân gà thải ra xúc vào xô mang xuống vườn bón rau. Chị em tôi ngoài việc làm vườn còn có việc chăm gà nữa, vừa là lao động cũng vừa là thú vui.
Chung cư tập thể ngày ấy, tầng nào cũng có một lũ trẻ con. Chúng tôi chỉ đi học một buổi và tuyệt nhiên không có học thêm nên buổi còn lại là chơi. Lũ học sáng thì chơi chiều, lũ học chiều chơi sáng, đứa nào cũng nô nghịch như giặc.
Cái sảnh tầng mà chúng tôi đặt tên "ngã ba cầu thang" là nơi tập kết của lũ trẻ, sau cũng thành nơi người lớn có việc là bày ra đấy, chẳng của riêng ai cả.
Chúng tôi chơi đủ trò, hầu hết là những trò chơi dân gian vì làm gì có đồ chơi như bây giờ; nào kéo co, nhảy dây, đuổi bắt, trốn tìm, chuyền chắt…
Lớn lên một chút chúng tôi đá bóng, đá cầu, bóng bàn..., tất tật diễn ra ở cái sảnh tầng rộng hơn chục mét vuông. Lớn lên chút nữa bạo gan trèo lên mái nhà thả diều cùng các anh lớn. Một số trò "xuống đất" (tức là tầng trệt) tụ họp chơi với nhau như trò bi, đáo, quay, khăng…
Hồi đó chúng tôi chơi thoải mái, tự do, chả ai cấm cản gì. Nhiều trò chơi sứt đầu mẻ trán cũng chả hề hấn chi, có khi đánh nhau khóc ầm ĩ cả lên. Chúng tôi cứ lớn lên hồn nhiên như thế!
Nhà hàng xóm sát nhà tôi là nhà của một ông Giám đốc một xí nghiệp Nhà nước, nhà khá giả hơn nhà khác một chút. Ông là một trong những người đầu tiên ở tòa nhà có xe máy. Đó là chiếc xe "cá xanh", một hồi đi thì ba hồi sửa. Ông cứ dắt xe lên nhà, cùng anh con trai lớn cặm cụi sửa, nổ máy ầm ĩ cả tòa nhà, chả ai nói gì. Cũng ở tầng 5 nhà tôi, có một ông thợ mộc. Ông kê cầu bào ra sảnh tầng làm mộc, cưa bào, đục, cốc cốc chát chát suốt ngày, cũng chả ai nói gì.
Tất cả những chuyện đó như là chuyện đương nhiên. Cái "ngã ba cầu thang" cũng chẳng của riêng ai và cũng là của riêng ai nếu muốn.
Ai cũng có thể vác xe đạp ra đó ngồi sửa, mang củi ra chẻ nhóm bếp, hay ngồi bắt chấy cho nhau, buôn dưa lê bán dưa chuột. Nhà nào có chuyện gì, làm cái gì, ăn cái gì cả tầng đều biết; đứa nào bị điểm kém ăn roi cả tầng cũng biết.
Chung cư ngày ấy, cũng chính ông hàng xóm nhà tôi là người đầu tiên có tivi. Rất tự nhiên nhà ông thành cái rạp xi-nê. Cả tầng kéo đến xem nhờ, các tầng khác ở dưới cũng kéo lên xem nhờ. Buổi tối ăn cơm xong ai cũng đến, tự thu xếp cho mình một chỗ ngồi, ai đến sớm ngồi chỗ tốt, cứ như nhà mình, gia chủ cũng không ý kiến gì, bởi có tivi (cho người khác đến xem) là một niềm vinh dự.
Tivi ngày ấy chỉ có mỗi kênh, vài chương trình. Lũ trẻ con hóng chương trình "Bông hoa nhỏ" lúc 19 giờ, rồi chờ đến phim truyện. Người lớn xem thời sự, ca nhạc, sân khấu. Ai cũng dán mắt vào cái tivi màn hình 14 inch như một điều kỳ diệu. Lũ trẻ chúng tôi nhiều hôm xem được một lúc ngủ lăn quay, bố mẹ bế về nhà lúc nào không biết.
Chung cư tập thể ngày ấy, khổ nhất là việc những tầng cao bị mất nước do áp lực nước yếu. Nhà tôi ở tận tầng 5, thuộc nhóm nguy cơ cao nhất. Mặc dù bố tôi đã cho xây thêm một bể chứa trong bếp và một bể trong khu vệ sinh nhưng nhiều khi vẫn cạn sạch. Những lúc ấy, bố mẹ tôi phải xuống tầng dưới xin nước, xách hoặc gánh lên nhà.
Lũ trẻ con chúng tôi thì có tiết mục mang quần áo đi tắm nhờ ở những nhà tầng dưới, và cũng tham gia xách nước với những chiếc xô nhỏ. Có những khi, cả tầng dưới cũng mất nước; thế là tất cả các gia đình phải ra vòi nước công cộng dưới chân tòa nhà rồng rắn xếp hàng lấy nước. Khi đó, vòi công cộng cũng chảy rất yếu, có khi chờ cả tiếng mới đến lượt mình xếp xô nước vào. Có những đêm bố tôi thức trắng chỉ lấy được vài xô nước…
Chung cư ngày ấy… là biết bao câu chuyện buồn vui. Gia đình tôi đã có 13 năm ở đó!
Chung cư tập thể ngày ấy là những bơ gạo, lít dầu nhà nọ vay nhà kia, là mồi lửa đi xin mang từ nhà này sang nhà khác, là những xô nước san sẻ nhường nhau ấm áp tình người...
Đó là tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn, là sự quan tâm không tính toán, là sự thương yêu đùm bọc. Đó là những tháng ngày khó khăn của gia đình tôi, cũng như những gia đình khác nhưng là quãng thời gian đáng nhớ không thể nào quên.
Đó là những kỷ niệm khắc ghi trong ký ức. Chúng tôi đã lớn lên trong hoàn cảnh ấy với tuổi thơ đẹp đẽ ở căn nhà ấy, tòa chung cư ấy, khu tập thể ấy mà sau này, dù có ở sống nhiều nơi chốn khác, hiện đại và tiện nghi hơn rất nhiều chúng tôi vẫn mãi nhớ về như dấu ấn quan trọng của năm tháng cuộc đời.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.